Ngày càng nhiều cơ sở sản xuất vàng mã mọc lên. Ảnh: VIẾT LONG
Theo nhà nghiên cứu Bửu Ý, những năm 1975, người dân TPHCM từng thuê cả sân vận động Hoa Lư để đốt vàng mã, hay tại Chợ Lớn việc đốt vàng mã cũng đã diễn ra rất nhiều.
So với Hà Nội và TP HCM thì việc đốt, rải vàng mã ở Huế không bằng. Tuy nhiên, hiện nay người dân có nhiều quan niệm sai nên việc đốt, rải vàng mã đã diễn ra nhiều hơn, ảnh hưởng tới môi trường du lịch nên cần phải hạn chế, còn cấm thì phải xem xét lại.
“Tôi nghĩ tâm linh là chuyện cần thiết cho con người. Ngoài kích thước về khối lượng, chiều cao thì con người phải có kích thước về tâm linh. Nếu con người không có kích thước tâm linh thì con người cũng giống như các con vật khác. Việc đốt vàng mã nó cũng giống như cử chỉ ta thắp một nén hương là phải nghiêm trang, thành khẩn, tôn trọng… Từ đó nó giúp con người bớt cao ngạo, hung hãn. Đó là những cử chỉ rất cần thiết cho con người. Nên muốn hạn chế việc rải, đốt vàng mã, chúng ta cần mềm mỏng, không nên lên giọng quyết liệt, vì đây là chuyện tâm linh”, ông Bửu ý nêu ý kiến.
Đây là buổi tòa đàm đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam với sự tham gia của các nhà nghiên cứu, linh mục... Ảnh: VIẾT LONG
Nhà nghiên cứu Trần Đại Vinh thì cho rằng việc đốt, rải vàng mã trong tang lễ, tế cúng có nguồn gốc từ Trung Quốc (người Hoa từ thời Hán, Đường). Sau thời kỳ đô hộ của các triều đại phong kiến phương Bắc kéo dài, tập tục này đã ảnh hưởng đến Việt Nam. Với lịch sử lâu đời như vậy, cơ quan chức năng nên chọn giải pháp tổ chức tuyên truyền, giải thích sâu rộng cho người dân, quản lý các cơ sở sản xuất, hạn chế việc cúng, đốt vàng mã trên lề đường.
“Mọi người nên hiểu rải, đốt vàng mã là một hủ tục không phải của người Việt mà chỉ là hủ tục của người Hoa và hiện họ không thực hiện hủ tục này. Việc hạn chế đi đến chấm dứt, bài trừ hủ tục rải, đốt vàng mã hoàn toàn không phương hại gì đến tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên vong linh của người Việt. Bởi vì hạt nhân của tín ngưỡng này là tôn trọng, phụng thờ, tưởng nhớ người đã khuất. Đó là những gì thanh khiết như hương hoa quả phẩm, các động tác lễ bái trang trọng, chứ không phải đốt minh khí, áo giấy, vàng mã chất chồng…”- nhà nghiên cứu Trần Đại Vinh khẳng định.
Nhiều ý kiến cho rằng cần tăng thuế đối với mặt hàng vàng mã. Ảnh: VIẾT LONG
Ông Nguyễn Đặng Thạnh, Phó chủ tịch UBND TP Huế cho rằng để giữ môi trường du lịch, trước mắt Huế cần vận động người dân hạn chế đốt, rải vàng mã, nên đốt trong thùng, không đốt giữa đường gây ô nhiễm như hiện nay. Đồng thời tăng cường sự quản lý nhà nước đối với các cơ sở sản xuất hàng mã, xem xét tăng thuế đối với mặt hàng này.
Kết thúc tọa đàm, các đại biểu nhất trí quan điểm hạn chế và chưa cấm đốt, rải vàng mã. Theo đó, cơ quan chức năng nên tích cực vận động, giải thích nhằm cung cấp thông tin cho người dân về ý nghĩa, mục đích của việc đốt, rải vàng mã; treo panô, áp phích để tuyên truyền, chú trọng môi trường giáo dục. Cấm đốt, rải vàng mã đối với một số đối tượng đảng viên, công chức nhà nước. Thực hiện quản lý đối với các cơ sở sản xuất vàng mã.