Đốt vàng mã, một tục lễ dân gian nhưng đã biến tường và không còn phù hợp với cuộc sống hiện đại. (Ảnh: Nhật Anh/TTXVN)
Ngoài sắp mâm cỗ mặn, các gia đình “hóa” vàng mã, quần áo, giày dép và những vật dụng được làm bằng giấy dành cho người khuất với niềm tin “trần sao âm vậy.”
Thế nhưng tục lệ này đang ngày càng biến tướng trong cuộc sống hiện đại. Nhiều gia đình ở Hà Nội “bỏ tiền thật, mua tiền giả” trong dịp lễ Vu Lan, phóng tay tiêu hàng triệu, thậm chí hàng trăm triệu đồng cho tục lệ đốt vàng mã.
Sắm toàn hàng “khủng”
Sáng 8/8, phố Hàng Mã (Hoàn Kiếm, Hà Nội) nhộn nhịp khác thường. Suốt dọc dài con phố hơn 300m được mệnh danh là “thánh địa” đồ dùng của người âm, người qua kẻ lại tấp nập sắp sửa cho lễ rằm tháng Bảy.
Bà Vũ Thị Quý, chủ một cửa hàng bán vàng mã ở phố này vừa nhanh tay thu tiền hàng, vừa đon đả giới thiệu, tư vấn cho hai khách hàng nữ dáng vẻ sang trọng: Ba bộ quần áo cho người già và bộ quần áo quan thần linh này có giá 90.000 đồng.
Cửa hàng bà, đồ lễ nào cũng có từ: quần áo cho tổ tiên, ông bà, bộ quan thần linh, thổ địa, mũ ngũ quan, giầy hài đến cả ôtô, điện thoại, xe máy, nhà tầng, thậm cả “chân dài” cũng có.
Hai người khách nữ, sau khi nghe bà Quý tư vấn, nhanh chóng gật đầu, rút ví thanh toán số tiền hơn 500.000 đồng cho số vàng mã mua theo sự hướng dẫn của bà chủ cửa hàng.
Bà Quý cho biết, khách đến cửa hàng mua vàng mã trong rằm tháng Bảy khá đa dạng. Một số người chỉ chi chừng hơn trăm nghìn đồng mua đồ lễ đơn giản gồm hai bộ quan thần linh, bộ quần áo cho người già, cùng chút vàng mã nhưng người mạnh tay chi tới bảy, tám trăm ngàn cho đồ lễ trang trọng, cầu kỳ hơn, cũng có người sẵn sàng chi hàng triệu bạc.
Ông Nguyễn Long, chủ một cửa hàng vàng mã gần đó góp chuyện, bây giờ, nhiều gia đình có điều kiện họ sắm hàng “khủng” như siêu xe, iPhone, bếp từ, ngựa to như thật, osin, nhà cao tầng… để cúng tiến người âm. Số tiền lên tới cả vài chục triệu đồng cho một lần cúng.
Anh Nguyễn Văn Mạnh, chủ một công ty tư vấn, thiết kế xây dựng tại đường Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân cho biết gia đình cũng bỏ ra hơn 20 triệu đồng chỉ riêng cho tiền vàng mã cúng rằm tháng Bảy. Tuy nhiên, anh Mạnh cho rằng, số tiền đó vẫn chưa thấm tháp vào đâu bởi anh còn biết một chủ cơ sở khai thác cát ở sông Hồng bỏ ra đến cả trăm triệu đồng mua lễ cúng ngày lễ Vu Lan.
Ngàn tỷ ra tro
“Nếu đúng là trần sao âm vậy, thì chắc dưới âm phủ chật chội lắm, còn giao thông ùn tắc suốt bởi dương thế nhà nào có điều kiện một chút cũng "hóa" ôtô, xe máy, nhà lầu” - Anh Trần Đức Việt, 45 tuổi, chủ cơ sở sản xuất lưới che nắng ở Hoàng Hoa Thám, quận Ba Đình cho biết.
Theo anh, việc bỏ ra chục triệu đồng để mua vàng mã cúng ngày rằm tháng Bảy quá lãng phí. Số tiền đó có thể làm nhiều việc ý nghĩa hơn với người nghèo, với trẻ neo đơn hoặc báo hiếu bằng những món quà, hành động thiết thực với bố mẹ, ông bà đang còn sống.
Chị Nguyễn Thị Huyền, giảng viên trường Học viện Ngân hàng, cũng phân tích, Rằm tháng Bảy là ngày xá tội vong nhân, dịp mà người còn sống dành ân tình cho người đã khuất. Theo phong tục dân gian, ngoài sắp mâm cỗ mặn, người ta “hóa” vàng mã, quần áo, giày dép và những vật dụng được làm bằng giấy dành cho người khuất với niềm tin “trần sao âm vậy.” Thế nhưng, tục lệ bao đời nay đang ngày càng biến tướng trong cuộc sống hiện đại cũng chính vì cái niềm tin mang tính khoe của.
Nhiều gia đình Hà Nội dịp Vu Lan này “bỏ tiền thật, mua tiền giả,” phóng tay tiêu hàng triệu đồng cho tục lệ đốt vàng mã.
Chị Huyền nhẩm tính, theo số liệu thống kê của cuộc điều tra về dân số và nhà ở của Cục Thống kê thành phố Hà Nội, Thủ đô hiện có khoảng 1,7 triệu hộ gia đình với khoảng 6,2 triệu dân. Nếu dịp này, mỗi gia đình bỏ ra 100.000 đồng, toàn thành phố sẽ “hóa vàng” ít nhất là 160 tỷ đồng. Còn nhẩm tính trong một năm sẽ đốt khoảng 4.800 tỷ đồng cho 30 dịp Lễ, Tết. Con số đó có thể làm biết bao nhiêu việc. Đây quả là một sự lãng phí quá lớn, quá tốn kém./.
Theo MẠNH KHÁNH (TTXVN/VIETNAM+)