Sau khi Sở TN&MT TP.HCM công bố danh sách 77 dự án nhà ở và Hà Nội công bố 34 dự án đang thế chấp ngân hàng vẫn có nhiều ý kiến trái chiều nhau. Một luồng ý kiến ủng hộ việc công bố này tạo ra sự công khai, minh bạch cho người mua nhà. Trong khi các chủ đầu tư thì cho rằng công bố chưa đầy đủ, gây ảnh hưởng đến doanh nghiệp (DN), thị trường khiến nhiều người mua nhà hoang mang.
Nhằm làm sáng tỏ về việc thế chấp dự án, ngày 22-9, tạp chí đầu tư BĐS CafeLand đã tổ chức buổi tọa đàm với chủ đề “Dự án BĐS thế chấp ngân hàng: Hiểu sao cho đúng?” tại TP.HCM.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA), cho biết trong Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh BĐS đều có quy định DN phải công bố thông tin nhưng cơ quan nhà nước cũng nên tham gia vào. Bởi hiện tại nghĩa vụ cung cấp thông tin vẫn mang tính thụ động nhiều hơn là chủ động, nhu cầu của người cần kiếm thông tin. Nhưng việc chủ động cung cấp thông tin thì lại có bất cập là mỗi đợt công bố cách nhau xa quá.
Theo ông Châu, danh sách công bố dự án thế chấp bước đầu vừa qua của Sở TN&MT vẫn chưa công bố thông tin đầy đủ về việc chủ đầu tư vừa công bố thế chấp tài sản hình thành trong tương lai, vừa thế chấp quyền tài sản. Hiện nay người tiêu dùng đang đứng trước rủi ro lớn nên việc minh bạch thông tin là cấp bách.
Tuy nhiên phải nhìn nhận là việc công bố thông tin vừa rồi cũng có nhược điểm, chẳng hạn khách hàng của chủ đầu tư có tên trong danh sách thế chấp nhưng DN đó không thế chấp. Hay danh sách không cập nhật theo thời gian thực, ví như ngày hôm nay công bố mà trước đó đã có DN giải chấp hết.
Cần có bộ tiêu chí về công bố thông tin các dự án bất động sản thế chấp ngân hàng.
“Vì vậy, cần có một bộ tiêu chí, những điểm nào cần phải công bố để DN dựa vào đó để cung cấp thông tin. Hoặc cần lập một website về công bố thông tin để mọi người đều có thể truy cập tìm kiếm dễ dàng thay vì bằng văn bản như hiện nay. Thông qua trang web này việc cập nhật tình trạng thế chấp được điều chỉnh, cập nhật mới liên tục từng ngày. Đồng thời thông tin rõ về việc thế chấp để người mua nhà có thể hiểu rõ, an tâm khi mua nhà” - ông Châu chia sẻ.
Về phía DN, ông Nguyễn Khánh Hưng, Giám đốc điều hành Tập đoàn Đất Xanh, cho biết việc công bố dự án thế chấp rất bình thường. Về vấn đề công bố của Sở TN&MT, theo ông Hưng thấy chưa đầy đủ, vì có những trường hợp đã giải chấp nhưng vẫn chưa được cập nhật và những trường hợp thế chấp tài sản riêng của mình không ảnh hưởng đến người mua nhà nhưng Sở vẫn công bố.
Ông Hưng kiến nghị các cơ quan nên giải quyết làm sao để công bố thông tin cho đầy đủ. Một thị trường có vài trăm DN nhưng chỉ công bố vài chục DN thì chưa ổn lắm. Nên lấy thêm một vài đầu mối nữa đảm bảo người dân được biết và công bố tiếp luôn để người dân được biết.
Đồng quan điểm, ông Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc Công ty Lê Thành, phân tích: “Thực ra việc thế chấp của chủ đầu tư là đã có từ nhiều năm nay và luật cho phép. Theo tôi, nên truy tố cả ngân hàng và chủ đầu tư, vì trong hợp đồng có ghi rõ có được phép bán không nhưng ngân hàng vẫn cho phép chủ đầu tư bán cho khách hàng".
Ông Lê Hữu Nghĩa phân tích thêm vấn đề quản lý dòng tiền của mình như thế nào, dùng không đúng mục đích là lỗi của ngân hàng. Thông thường nếu DN muốn bán căn hộ đến đâu sẽ giải chấp đến đó. Do đó tình trạng tranh chấp xảy ra là do chủ đầu tư không giải chấp, trong khi ngân hàng cũng không quản lý dòng tiền cho vay tốt. Vấn đề hiện nay vẫn là công bố thông tin phải rõ ràng bao nhiêu, mục đích tài sản thế chấp là gì, không nên công bố nửa vời.