Dự án đường vành đai 3 TP.HCM: Đồng Nai mới chỉ thu hồi đạt 6% mặt bằng

(PLO)- Đồng Nai là địa phương chậm cả giải phóng mặt bằng lẫn công tác xây dựng.

UBND TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương và Long An vừa báo cáo Bộ GTVT kết quả việc triển khai dự án đường vành đai 3 TP.HCM. Từ báo cáo này, Bộ GTVT tổng hợp trình Chính phủ báo cáo Quốc hội (QH) tiến độ dự án này vào kỳ họp tới đây.

Đồng Nai mới chỉ thu hồi đạt 6% mặt bằng

Theo bốn tỉnh, ngay sau khi được QH thông qua chủ trương đầu tư, các địa phương đã tiến hành các bước giải phóng mặt bằng (GPMB) như cắm mốc thực địa, phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư (TĐC); tổ chức bồi thường, thu hồi đất.

Hiện bốn tỉnh đã thu hồi được khoảng 516/654 ha, đạt 79%. Trong đó, TP.HCM tiến hành thu hồi 377/410 ha, đạt 92%; Bình Dương thu hồi 85/129 ha, đạt 66%; Long An thu hồi 50/51 ha, đạt 98%. Riêng Đồng Nai hiện nay mới thu hồi được 4/64 ha, đạt 6%.

Như vậy, ba tỉnh đều bàn giao ít nhất gần 70% diện tích mặt bằng, riêng đoạn qua tỉnh Đồng Nai công tác GPMB rất chậm. Theo địa phương này, nguyên nhân do trong quá trình thực hiện công tác kê biên, bồi thường chưa xác định được nguồn gốc một số thửa đất. Hiện nay vẫn còn 169 hộ vắng chủ chưa kiểm đếm xong. Song song đó, trên địa bàn đang triển khai đồng loạt nhiều dự án lớn như sân bay Long Thành, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu…

Còn đoạn qua tỉnh Bình Dương, chậm GPMB do khó khăn trong việc thuê đơn vị tư vấn định giá đất và chưa thống nhất phương pháp định giá đất giữa các tư vấn. Tuy vậy, các tỉnh đều cam kết sẽ bàn giao mặt bằng trong năm 2023, đúng với nghị quyết Chính phủ giao.

Về công tác TĐC, TP.HCM dự kiến tận dụng bảy khu TĐC có sẵn để bố trí cho 408 hộ đủ điều kiện TĐC bằng nền đất và 152 trường hợp không đủ điều kiện TĐC sẽ được bố trí căn hộ chung cư. Tương tự, Bình Dương cũng tận dụng 11 khu TĐC có sẵn để bố trí cho 518 hộ đủ điều kiện.

Còn Đồng Nai dự kiến xây dựng ba khu TĐC trên địa bàn các xã Phú Đông, Phước An, Phú Hội (huyện Nhơn Trạch) để TĐC cho khoảng 150 hộ. Long An dự kiến xây dựng một khu TĐC ở huyện Bến Lức, phục vụ nhu cầu TĐC 110 trường hợp bằng nền đất và 17 trường hợp được hỗ trợ TĐC bằng tiền.

1-p8-bai-vietlong-1h-viethoa.jpg
Dự án đường vành đai 3 đoạn qua địa bàn TP.HCM. Ảnh: ĐÀO TRANG

Nguy cơ thiếu cát dài hạn

Về công tác xây dựng, các địa phương cho biết cuối tháng 2 dự án được phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi. Theo đó, tổng mức đầu tư dự án được xác định cụ thể là 68.660 tỉ đồng, giảm khoảng 6.718 tỉ đồng so với thời điểm khái toán.

Trên cơ sở kết quả phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi, các địa phương chia bốn dự án thành phần xây dựng thành 26 gói thầu. Hiện đã hoàn thành công tác lựa chọn nhà thầu 9/26 gói thầu.

Cụ thể, dự án thành phần do TP.HCM làm chủ đầu tư đã hoàn thành 4/14 gói thầu, dự án thành phần do UBND tỉnh Bình Dương làm cơ quan chủ quản hoàn thành 2/4 gói thầu. Riêng dự án thành phần do UBND tỉnh Long An làm cơ quan chủ quản hoàn thành tất cả ba gói thầu. Trái ngược, dự án thành phần do UBND tỉnh Đồng Nai làm cơ quan chủ quản lại chưa có gói thầu nào lựa chọn được nhà thầu.

Tỉnh Đồng Nai cho biết lý do luôn chậm so với các tỉnh khác là vì thời gian qua có sự thay đổi cơ cấu bộ máy tổ chức, chức năng nhiệm vụ của chủ đầu tư và chậm hoàn thành thủ tục đánh giá tác động môi trường của dự án. Từ đó dự án chậm tiến độ dây chuyền, ảnh hưởng đến tiến độ các bước tiếp theo, nhất là công tác lựa chọn nhà thầu xây lắp.

Tuy nhiên, bốn tỉnh cam kết các gói thầu còn lại dự kiến hoàn thành công tác lựa chọn nhà thầu trước tháng 12-2023. Hiện nay, các dự án do TP.HCM, Bình Dương, Long An làm cơ quan chủ quản đã khởi công vào ngày 18-6. Dự án thành phần do tỉnh Đồng Nai làm cơ quan chủ quản chưa khởi công xây dựng.

Nhìn tổng thể, các dự án khởi công đến nay công tác triển khai thi công còn chậm, hầu hết các gói thầu đang tập kết máy móc, thiết bị, nhân lực, lán trại, đường công vụ... Còn lại dự án thành phần do Đồng Nai làm cơ quan chủ quản mới động thổ gói thầu rà phá bom mìn.

Về nguồn cung cấp vật liệu thông thường, dự án cần 1,6 triệu m3 đất đắp nền đường; 7,2 triệu m3 cát đắp nền đường; 1,5 triệu m3 cát xây dựng và 4,4 triệu m3 đá xây dựng.

TP.HCM với vai trò tổng thể đã thành lập tổ công tác rà soát, điều phối nguồn vật liệu xây dựng cung cấp cho dự án, đồng thời tổ chức khảo sát thực tế tại các địa phương. Kết quả khảo sát đến nay nhu cầu vật liệu đất đắp, đá đủ cung cấp cho dự án, còn lại nhu cầu cát xây dựng, cát đắp nền đáp ứng khoảng 80% nhu cầu dự án, đang tiếp tục khảo sát bổ sung.

Theo Bộ GTVT, thời gian tới do có nhiều dự án cao tốc đồng loạt triển khai, Chính phủ đã giao Bộ TN&MT chủ trì làm việc với UBND các tỉnh Vĩnh Long, An Giang, Tiền Giang, Trà Vinh và Đồng Tháp để điều phối, thực hiện cam kết khối lượng cụ thể tại các mỏ khoáng sản trên địa bàn các tỉnh phục vụ dự án này.

Thêm vào đó Chính phủ đang giao các bộ, ngành nghiên cứu sử dụng cát biển cho công trình giao thông, đang trong giai đoạn nghiên cứu, thử nghiệm. Nhưng nguy cơ thiếu cát trong dài hạn vẫn hiện hữu.

“Trong báo cáo tới đây Chính phủ sẽ kiến nghị đoàn đại biểu QH các địa phương có dự án đi qua thường xuyên quan tâm, hỗ trợ và kịp thời tháo gỡ những khó khăn về nguồn cung cấp vật liệu, đặc biệt là cát đắp đáp ứng khối lượng, tiến độ thi công…” - Bộ GTVT cho hay.•

Tỉ lệ giải ngân còn thấp

Hiện tổng số vốn nhà nước đã bố trí năm 2023 cho dự án đường vành đai 3 TP.HCM khoảng 37.469 tỉ đồng. Tổng số vốn đã giải ngân đạt 15.457 tỉ đồng, đạt 41%. Như vậy, tỉ lệ giải ngân còn thấp, chủ yếu tập trung vào chi phí tư vấn, tạm ứng hợp đồng, GPMB, TĐC, trong đó giải ngân xây lắp là 1.660/9.137 tỉ đồng, đạt 18%.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm