Dự án “ma” là những dự án không có thật hoặc không đầy đủ pháp lý nhưng người bán, kẻ môi giới vẫn vẽ nên một bức tranh hoành tráng để lấy tiền thật của người mua. Đến khi mọi chuyện đổ bể, hậu quả sẽ đổ hết lên người mua cuối cùng.
Sáu tháng đầu năm nay, hiện tượng rao bán dự án “ma” ngày càng lan rộng, tăng cả về số lượng lẫn mức độ công khai. Ở các tỉnh, thành như TP.HCM, Long An, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Thuận… dự án “ma” xuất hiện nhan nhản. Thậm chí khi lực lượng chức năng đến xử lý còn bị chống đối bằng vũ lực.
Đất cây xanh hô biến thành dự án nhà ở
Giữa tháng 6, UBND quận Bình Tân, TP.HCM đưa ra cảnh báo về chín khu đất trên địa bàn đang được rao bán là dự án đất nền, nhà ở dù không đảm bảo về pháp lý. Các khu đất này trải dài trên sáu phường An Lạc, Tân Tạo, Tân Tạo A, Bình Hưng Hòa A, Bình Hưng Hòa B, Bình Trị Đông A.
“Khi nghe phản ánh, chúng tôi lập tức cử lực lượng xuống kiểm tra và phát cảnh báo cho người dân. Các lô đất trên đều không có dự án nào cả mà là đất nằm trong quy hoạch cây xanh, trường học, hành lang an toàn lưới điện…” - ông Nguyễn Minh Nhựt, Phó chủ tịch UBND quận Bình Tân, khẳng định.
Chúng tôi thử ghé khu đất góc ngã tư Trần Văn Giàu - Võ Trần Chí (được quy hoạch cây xanh) do Công ty TNHH MTV Kinh doanh nhà Năm Tài rao bán và được “cò” ra giá một nền 6 x 13 m khoảng 2,5 tỉ đồng, vị trí sâu hơn giá 1,9 tỉ đồng cho cùng diện tích. “Cò” cam kết đây là đất thuộc dự án dân cư mới, giấy tờ đầy đủ, mua xong sẽ được cất nhà. Thế nhưng chỉ vài ngày sau, nơi đây đã được quận Bình Tân gắn biển cảnh báo với nội dung: “Khu vực không có dự án phân lô, tách thửa do cơ quan chức năng phê duyệt, hành vi tự ý chuyển nhượng - xây dựng trái phép sẽ bị xử lý nghiêm”.
Một khu đất khác ở cuối hẻm 26/19 Lâm Hoành, phường An Lạc cũng nằm trong quy hoạch cây xanh nhưng được Công ty Cổ phần Tư vấn đầu tư Angel Lina mời gọi khách hàng theo hình thức góp vốn. Khu vực này nằm phía sau chung cư tái định cư Lý Chiêu Hoàng, đang bị bỏ hoang, cây cối um tùm và chẳng có dấu hiệu gì của một dự án bất động sản (BĐS).
Theo UBND quận Bình Tân, các đối tượng rao bán đất đã đăng quảng cáo trên nhiều trang web như muaban.net, batdongsan.com.vn, qua Facebook, Zalo, phát tờ rơi hoặc thông qua các dịch vụ môi giới. Việc mua bán được thông qua hình thức lập vi bằng, hợp đồng góp vốn đối với các dự án phân lô. Những đối tượng này hứa hẹn nếu đặt cọc (50-400 triệu đồng) thì trong khoảng 6-12 tháng người mua sẽ có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để có thể xây dựng nhà ở.
Câu chuyện ở Bình Tân không phải là hiếm bởi trong thời gian gần đây, một số quận/huyện khác như quận 12, Thủ Đức, Tân Phú, Bình Tân, Hóc Môn... cũng đồng loạt phát đi các thông báo, cắm biển cảnh báo lừa đảo bán đất nền tại nhiều khu vực.
Trong khi đó, tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, chỉ riêng thị xã Phú Mỹ có tới 113 dự án “ma” là đất nông nghiệp do các hộ gia đình, cá nhân tự ý mở đường, phân lô bán trái phép. Trước đó, hồi tháng 3, UBND tỉnh Đồng Nai đã phải tổ chức họp báo thông tin về hàng chục dự án “ma” được Công ty Cổ phần Địa ốc Alibaba ngang nhiên quảng cáo, rao bán tại huyện Long Thành.
Lực lượng chức năng cưỡng chế trả lại hiện trạng mặt bằng tại khu vực người dân tự ý phân lô, bán nền ở thị xã Phú Mỹ, Bà Rịa-Vũng Tàu. Ảnh: TRÙNG KHÁNH
UBND quận Bình Tân treo biển cảnh báo tại khu đất ở góc ngã tư đường Trần Văn Giàu và đường Võ Trần Chí (quận Bình Tân). Ảnh: KIÊN CƯỜNG
Pháp lý lùng nhùng vẫn bán trước, tính sau
Không chỉ các dự án “bánh vẽ” nêu trên, rất nhiều dự án có thật nhưng chưa đảm bảo về mặt pháp lý, chưa đủ điều kiện khởi công hay được phép bán vẫn được các doanh nghiệp, giới cò mồi hối hả tung ra thị trường. Các chủ đầu tư này sẵn sàng bán đất, nhà ở cho người mua theo kiểu tiền thu trước, pháp lý từ từ tính sau.
Vừa qua tỉnh Long An ban hành kết luận thanh tra đối với hai dự án khu dân cư Hưng Thịnh Cát Tường của Công ty TNHH Đầu tư - Xây dựng BĐS Hưng Thịnh và dự án khu dân cư, nhà ở công nhân HomeLand Gold do Công ty Cổ phần Đầu tư BĐS Thiên Phúc làm chủ đầu tư. Theo đó, hai dự án này có hàng loạt sai phạm như chưa thực hiện các thủ tục đất đai, xin giao đất, chưa chuyển mục đích sử dụng đất dẫn đến các vi phạm về xây dựng, môi trường… Pháp lý chưa xong nhưng chủ đầu tư đã ký hợp đồng huy động vốn, bán nền cho khách hàng, dẫn đến khiếu kiện liên tục.
Cùng một kiểu vi phạm, bốn dự án tại TP Phan Thiết cũng vừa bị yêu cầu ngừng giao dịch vì chưa đủ điều kiện kinh doanh theo quy định là: Khu du lịch nghỉ dưỡng Apec Mandala Wyndham Mũi Né; khu thương mại dịch vụ và dân cư Tân Việt Phát 2; khu dân cư Nam Cảng cá phường Đức Long và dự án Sentosa Villa. Trước đó, cũng tại Bình Thuận, chín dự án khác đã bị “tuýt còi” tương tự.
Gặp phải những dự án kiểu này, người mua sẽ lãnh đủ phiền toái. Mua căn hộ thì chắc chắn dài cổ chờ giấy tờ nhà, mua đất thì không biết tới khi nào mới xây được nhà…
Ông Nguyễn Hoàng Việt, Chủ tịch HĐQT Son Viet Property JSC (SVP) - một đơn vị phát triển và phân phối BĐS, lưu ý người mua dự án BĐS phải cẩn trọng trong việc xem xét pháp lý của dự án. “Một dự án không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, không có quy hoạch 1/500, giấy phép xây dựng; không thanh toán tiền sử dụng đất để chuyển mục đích sử dụng đất nên không có biên lai nộp tiền và sổ đỏ hiện hữu vẫn là đất nông nghiệp… thì chắc chắn đó là dự án “ma”” - ông Việt nói. Theo ông Việt, hậu quả của việc mua phải nhà, đất trong dự án “ma” là người mua sẽ không được cấp giấy chủ quyền mà chỉ là những văn bản giao dịch giữa bên mua-bên bán. Rủi ro lớn nhất là người mua có thể mất trắng toàn bộ số tiền đã bỏ ra khi cơ quan nhà nước cưỡng chế tháo dỡ phần xây dựng nhà ở, yêu cầu trả lại hiện trạng ban đầu của lô đất; hoặc Nhà nước thu hồi đất để thực hiện theo quy hoạch đã công bố trước đó. |
Cần xử lý hình sự mới đủ răn đe
Trước những sai phạm của các chủ đầu tư, chủ đất như trên, nhiều chuyên gia luật đề nghị các cơ quan chức năng cần xem xét, xử lý hình sự những người liên quan về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản để có sự răn đe.
Luật sư Huỳnh Đức Hữu, Đoàn Luật sư TP.HCM, nêu quan điểm: “có thể thấy theo luật đất đai, luật xây dựng, luật kinh doanh BĐS,muốn làm dự án nhà ở thì đầu tiên phải có đất, phải phù hợp quy hoạch, duyệt kế hoạch sử dụng đất, hạ tầng… Thị trường BĐS vốn rất rõ ràng, chỉ có những người cố ý làm sai và sự buông lỏng quản lý của chính quyền địa phương mới khiến mọi chuyện rối lên. Lâu nay những sai phạm như thế thường chỉ bị xử phạt hành chính, cưỡng chế và điều đó không đủ sức răn đe những người cố ý làm bậy”.
Một luật sư của Đoàn Luật sư TP.HCM cho rằng việc lấy đất chưa đủ điều kiện pháp lý để kinh doanh, bán cho người mua chính là có dấu hiệu của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản quy định tại Điều 174 BLHS năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017. Tuy nhiên, vấn đề khó khăn là những người bán dự án “ma” đã lách luật bằng nhiều thủ đoạn tinh vi. Chẳng hạn, thay vì ký hợp đồng mua bán thì họ chỉ làm hợp đồng góp vốn, hợp đồng giữ chỗ hoặc hợp đồng hợp tác phân chia sản phẩm. Đây là kẽ hở khiến thời gian qua nhiều trường hợp như Công ty Alibaba vẫn chưa được cơ quan chức năng xử lý tới nơi tới chốn.
Một điểm đáng nói nữa là giới cò đất, môi giới tiếp tay đắc lực cho những doanh nghiệp trên (khi đăng tin, rao bán rầm rộ các dự án “ma”) tới nay vẫn chưa bị kiểm soát, xử lý. Ông Phạm Văn Lâm, Phó chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam, thừa nhận tình trạng môi giới ở Việt Nam rất lộn xộn, việc đăng tin sai rất nhiều và đây là thực trạng nhức nhối.
“Thời gian tới cần phải tăng cường quản lý về mặt nhà nước đối với hoạt động môi giới. Như ở Mỹ, khi đăng tin rao bán BĐS, người đăng phải có mã số định danh nghề nghiệp và họ chịu trách nhiệm với tin đăng đó, nếu tin sai sẽ bị phạt rất nặng. Nếu chúng ta thực hiện tương tự thì số lượng người đăng tin chào bán dự án “ma” chắc chắn sẽ giảm mạnh” - ông Lâm kiến nghị.
Trách nhiệm của các địa phương Ông NGUYỄN MINH NHỰT, Phó chủ tịch UBND quận Bình Tân: Địa phương chủ động cảnh báo Ông NGUYỄN MINH NHỰT Những công ty phân lô, bán nền các dự án “ma” đều làm tất cả trên giấy, bán trên mạng chứ không có động thái xây dựng tại hiện trường hoặc tại khu đất đó. Vì vậy, chính quyền có kiểm tra cũng khó phát hiện được. Tuy nhiên, khi nhận được phản ánh, chúng tôi ngay lập tức cắm biển cảnh báo, dân biết mà tránh, không bị lừa gạt. Với riêng các công ty thực hiện việc phân lô, bán nền trái phép, trong thông báo chúng tôi đều nêu rõ đích danh tên, địa chỉ. Có những đơn vị ở các quận khác nên việc xử lý khá khó khăn và quận đã báo cáo UBND TP để TP chỉ đạo công an và các địa phương khác phối hợp xử lý. Ông TRẦN VĂN CẦN, Chủ tịch UBND tỉnh Long An (nêu trong kết luận thanh tra ngày 4-6): Kiểm điểm trách nhiệm sở, ngành hữu quan Ông TRẦN VĂN CẦN Các sở KH&ĐT, Xây dựng và UBND huyện Đức Hòa chưa thực hiện tốt vai trò quản lý nhà nước theo chức năng, nhiệm vụ đối với dự án. Huyện cũng chưa kịp thời xử lý, nắm bắt và tháo gỡ vướng mắc giữa người dân và doanh nghiệp, dẫn đến tranh chấp, gây chậm trễ trong phê duyệt quy hoạch 1/500 dự án. Từ những nội dung nêu trên, tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương liên quan phải kiểm điểm trách nhiệm trong việc chưa kịp thời kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính theo chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền. Đồng thời, UBND huyện Đức Hòa phải kiểm điểm trách nhiệm đối với tổ chức, cá nhân có liên quan trong công tác quản lý nhà nước đối với hai dự án xảy ra vi phạm trên địa bàn mình quản lý. Ông NGUYỄN VĂN THẮM, Chủ tịch UBND thị xã Phú Mỹ, Bà Rịa-Vũng Tàu: Sẽ xem xét trách nhiệm người đứng đầu địa phương Một số cá nhân, tổ chức đã lợi dụng một phần Quyết định 23/2017 của UBND tỉnh quy định về tách thửa để đổ đường tạm trên đất nông nghiệp (đa số) nhằm phân lô, bán nền. Những nhóm này tranh thủ ngày lễ, ngày nghỉ để tiến hành xây dựng. Thị xã đã có những chỉ đạo rất quyết liệt và chúng tôi quyết tâm xử lý, chấn chỉnh tình trạng vi phạm pháp luật về đất đai như thời gian qua. Chủ trương của thị xã là sau khi khắc phục lại hiện trạng các khu đất có vi phạm sẽ tùy theo mức độ mà xem xét, xử lý người đứng đầu các địa phương. Mong người dân trên địa bàn cảnh giác không mua, bán các khu đất phân lô mà chưa được cơ quan chức năng cho phép vì sẽ ảnh hưởng đến chính quyền lợi của bà con. Ông LÊ NGỌC LINH, Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu: Sẽ sửa quy định chưa phù hợp Quyết định 23/2017 của UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu quy định về việc tách thửa đất trên địa bàn tỉnh chỉ sau một năm đã bộc lộ nhiều vấn đề. Do vậy, tỉnh đã tạm dừng để sửa đổi. Mục đích của việc sửa đổi nhằm tránh tình trạng lợi dụng quy định về tách thửa để phân lô, bán nền; tránh thất thu ngân sách; quy định rõ trách nhiệm các ngành trong quản lý xây dựng đô thị và phù hợp với thực tế từng địa phương. TRÙNG KHÁNH - KIÊN CƯỜNG |