Dự án Metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên (TP.HCM) được thành phố phê duyệt năm 2007 với tổng mức đầu tư gần 17.400 tỉ đồng (hơn 126.500 triệu Yên Nhật).
Đến năm 2009, tư vấn chung của dự án tính toán và xác định lại tổng mức đầu tư là hơn 47.300 tỉ đồng (hơn 235.500 triệu Yên Nhật).
Những con số dự báo và tính toán tại dự án Metro được xác định là thiếu chính xác. Ảnh: Internet
Kết luật của Kiểm toán Nhà nước cho rằng nguyên nhân dẫn đến việc đội giá do giá nguyên vật liệu tăng và lương tối thiểu tăng từ năm 2006 – 2009 làm tăng tổng mức đầu tư lên 40%.
Căn cứ các chỉ số giá xây dựng công trình giao thông của Bộ Xây dựng tại TP Hồ Chí Minh và trượt giá tiền Yên do JICA công bố thì trượt giá phần nội tệ là 52%, trượt giá ngoại tệ là 10%...
Tiếp theo đó là do tăng lưu lượng khách và khối lượng thực tế trong quá trình làm rõ thiết kế cơ sở làm tăng tổng mức đầu tư lên 43%. Tuy nhiên, nguyên nhân dự báo lưu lượng khách dự báo theo Kiểm toán Nhà nước là thiếu độ tin cậy và chính xác. Cụ thể, tính toán dự báo hành khách trong dự án điều chỉnh dựa trên giá thiết 100km của 6 tuyến đường sắt TP.HCM hoàn thành trước năm 2020 là thiếu cơ sở.
“Trên thực tế cho thấy phải sau 2020 TP Hồ Chí Minh dự kiến có tuyến đường sắt đầu tiên. Ngoài ra, lượng khách tính toán tăng đột biến gấp hơn 2 lần vào năm 2020 dựa trên thông tin về vận hành thông suốt tuyến số 1, 3a vào năm 2012 là không có cơ sở và thiếu chính xác…”, báo cáo kiểm toán nêu rõ.
Nguyên nhân nữa là thay đổi các điều kiện tính toán tổng mức đầu tư. Việc thay đổi tỉ lệ dự phòng khối lượng, trượt giá cơ bản phù hợp với chế độ chính sách, tuy nhiên tính toán 15% dự phòng cơ học cho tất cả các gói thầu là chưa phù hợp.
Ngoài ra, chi phí tăng do thay đổi tỉ giá cũng chưa phù hợp. Việc thay đổi tỉ giá từ 1 Yên bằng 137 đồng (năm 2006) sang 1 Yên bằng 200 đồng được xác định bằng tiền Yên và 50% phần hàng hóa là của Việt Nam nên việc đồng Yên tăng giá làm giảm chi phí tính bằng tiền Yên.
Về hiệu quả đầu tư của dự án, Kiểm toán Nhà nước, cho biết việc tính toán hiệu quả kinh tế còn chưa phù hợp khi tư vấn điều chỉnh lợi ích kinh tế từ 12,2 tỉ Yên lên 28,9 tỉ Yên mà không có những luận cứ chính xác. Kể cả trường hợp chấp nhận việc tăng hành khách từ 300.000 khách/ngày lên 620.000 hành khách/ngày (vào năm 2020) và trượt giá 3 năm tiếp theo thì lợi ích kinh tế năm 2020 chỉ 26,98 tỉ Yên. Bên cạnh đó, việc tính toán hiệu quả tài chính không chính xác khi áp dụng sai tỉ giá khi quy đổi tiền vé từ đồng về tiền USD .
“Như vậy, với tổng mức đầu tư 236.626 triệu Yên cùng với việc dự báo hành khách trong trong tương lai quá cao và thiếu chính xác dẫn đến hiệu quả tài chính và kinh tế của dự án khó khả thi. Nếu chỉ với doanh thu từ vé cùng với việc bước đầu phải có giá vé hợp lý để thu hút người dân thì rủi ro tài chính là khá cao…”, Kiểm toán Nhà nước nêu rõ.
Các sai phạm này được Kiểm toán Nhà nước chỉ rõ thuộc trách nhiệm củaUBND TP Hồ Chí Minh và Ban Quản lý đường sắt đô thị.