"Dự án đã thi công hoàn thành đạt 93,33% khối lượng tổng thể dự án. Hiện vướng mắc khi lập phương án thanh toán cho nhà đầu tư và phương án huy động nguồn vốn cho nhà đầu tư vay để tiếp tục thi công hoàn thành dự án" - báo cáo của Sở Xây dựng TP nêu.
Cần nghị quyết mới của Chính phủ
Sở Xây dựng TP cũng cho biết UBND TP đã có thông báo giao Sở Tài chính, Sở KH&ĐT, các thành viên Tổ Công tác của UBND TP rà soát cơ sở pháp lý, đánh giá quá trình thực hiện Nghị quyết 40 để đề xuất tham mưu UBND TP trình Chính phủ nghị quyết thay thế, giải quyết dứt điểm các khó khăn vướng mắc của dự án.
"Để giải quyết các khó khăn, vướng mắc của dự án thì phải trình Chính phủ thay thế Nghị quyết 40 (về việc tiếp tục triển khai dự án giải quyết ngập do triều khu vực TP.HCM, giai đoạn 1, thường gọi là dự án ngăn triều 10.000 tỉ đồng) nên khó có thể triển khai thi công theo tiến độ" - báo cáo Sở Xây dựng TP nêu.
Từ tháng 8-2020, dự án ngăn triều 10.000 tỉ đồng đã tạm ngưng thi công do vướng mắc về vốn. Tới tháng 3-2023, dự án được tái khởi động. Tại thời điểm đó, chủ đầu tư cho rằng nếu các vướng mắc về vốn được giải quyết thì dự án sẽ hoàn thành vào năm 2024. Thế nhưng đến nay việc giải quyết khó khăn cho dự án vẫn chưa có tiến triển.
Vẫn bế tắc phương án vốn
Cuối năm ngoái, TP.HCM đã đề xuất ba phương án gỡ vướng về vốn cho dự án ngăn triều 10.000 tỉ đồng. Phương án thứ nhất là thành phố thực hiện thanh toán cho nhà đầu tư khối lượng đã hoàn thành song song cả bằng trả đất và tiền, phù hợp với lịch thanh toán đã thỏa thuận.
Phương án hai là Quỹ đầu tư phát triển TP (HFIC) cho vay từ nguồn vốn hoạt động. Phương án này có thuận lợi khi HFIC có thể chủ động cho vay để nhà đầu tư thi công hoàn thành công trình.
Phương án ba là HFIC sẽ nhận ủy thác cho vay công trình dự án từ ngân sách TP theo quy định của Nghị định số 147/2020 của Chính phủ. Cụ thể là TP sẽ ủy thác ngân sách (khoảng 1.800 tỉ đồng) cho HFIC để HFIC cho nhà đầu tư vay hoàn thành công trình.
Sau khi công trình được nghiệm thu, TP sẽ thanh toán cho nhà đầu tư theo đúng hợp đồng BT, các phụ lục hợp đồng BT đã ký. Từ đó nhà đầu tư sẽ thanh toán nợ với HFIC. HFIC sẽ hoàn trả lại ngân sách TP đối với khoản vốn đã nhận ủy thác.
Qua phân tích ba phương án, TP.HCM nhận thấy phương án 3 là khả thi nhất, có cơ sở thực hiện. Tuy nhiên, đến đầu năm nay, Sở KH&ĐT TP lại đề nghị Quỹ đầu tư phát triển TP làm rõ pháp lý và quy trình giải ngân đối với phương án gỡ vướng cho dự án ngăn triều 10.000 tỉ vì còn nhiều điểm chưa rõ.
Dự án ngăn triều 10.000 tỉ đồng là dự án thủy lợi thuộc Quy hoạch 1547, được Đại hội đại biểu Đảng bộ TP.HCM lần X, nhiệm kỳ 2015-2020 đồng thuận cho triển khai vào ngày 18-10-2015. Sau nhiều lần lỡ hẹn thời gian hoàn thành, dự án dự kiến được hoàn thành vào cuối năm 2020 nhưng rồi không kịp tiến độ.
Dự án gồm 7 hạng mục với 6 cống ngăn triều khổng lồ được xây dựng ở các cửa kênh, sông (cống Bến Nghé, Tân Thuận, Phú Xuân, Mương Chuối, Cây Khô, Phú Định) và 7,8km đê kè ven sông Sài Gòn. Công trình này được triển khai với các mục tiêu ngăn triều cường và ứng phó tác động của biến đổi khí hậu cho khu vực có diện tích 570km2 với khoảng 6,5 triệu dân thuộc bờ hữu sông Sài Gòn cùng trung tâm TP.HCM.
Ngày 1-4-2021, Chính phủ ban hành Nghị quyết 40 về việc tiếp tục triển khai dự án giải quyết ngập do triều khu vực TP.HCM, giai đoạn 1.
Theo đó, Chính phủ chấp thuận về nguyên tắc theo đề nghị của UBND TP.HCM và các Bộ KH&ĐT, Tư pháp, Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ. Cụ thể, UBND TP.HCM được tiếp tục triển khai thực hiện dự án theo cơ chế đặc thù được Thủ tướng đồng ý tại thông báo ngày 20-8-2015 và các thủ tục đã được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận.
Chính phủ tháo gỡ khó khăn của dự án nhưng phải thực hiện việc thanh toán, quyết toán, kiểm toán theo đúng quy định của pháp luật. UBND TP.HCM, chủ đầu tư dự án (Công ty Trung Nam BT 1547), các đơn vị thiết kế, thi công, tư vấn giám sát theo chức năng, nhiệm vụ phải chịu trách nhiệm về hiệu quả chống ngập của dự án, an toàn của công trình, chống tiêu cực, thất thoát, lãng phí tài sản, ngân sách nhà nước trong quá trình thực hiện.