Dự án ngưng, dân đổ nợ

Cả chục hộ dân ở huyện Thuận Nam (Ninh Thuận) đang mất ăn mất ngủ về các khoản nợ mà lẽ ra họ đã trả xong cho ngân hàng từ ba năm trước nếu dự án Cụm công nghiệp Dốc Hầm-Cà Ná không bị rút giấy phép đầu tư.

Ông Đỗ Ngọc Sơn, trưởng thôn Thương Diêm 1, xã Phước Diêm, cho biết: Năm 2005, dự án rục rịch và người dân ngưng canh tác, sản xuất vì không biết phải giao đất cho dự án lúc nào. Hai năm sau, chủ đầu tư đo đạc, kiểm kê cây trồng, vật kiến trúc của các hộ dân và năm 2008, chủ đầu tư bồi thường cho dân theo nhiều đợt theo các mức 30%, 50%, 100% và cũng có hộ chưa nhận đồng nào. Trước khi chi trả tiền bồi thường cho dân, chủ đầu tư cũng giao quyết định bồi thường cho từng hộ dân. Khi trả tiền đợt 1, chủ đầu tư hứa sẽ chi trả toàn bộ vào năm 2009 nên các hộ dân đem quyết định bồi thường đến ngân hàng để vay tiền, chờ nhận tiền bồi thường sẽ hoàn trả vốn, lãi cho ngân hàng.

Dự án ngưng, dân đổ nợ ảnh 1

Ông Phan Văn Em ở thôn Thương Diêm 1 đang làm đơn xin khoanh lãi từ khoản vay 100 triệu đồng bằng quyết định bồi thường. Ảnh: M.TRÂN

Tuy nhiên, sau khi bồi thường được 80 tỉ đồng cho người dân vào năm 2008, chủ đầu tư ngưng không trả nữa. Đến năm 2011, dự án bị rút giấy phép đầu tư khiến hầu hết các hộ dân đều điêu đứng.

Ông Trần Ngọc Sự (72 tuổi, trú thôn Thương Diêm 1) nói: “Cuối năm 2008, người dân bắt đầu nhận quyết định bồi thường và đơn vị giải tỏa mặt bằng hứa sẽ trả hết tiền vào đầu năm 2009. Tin vào lời hứa này, tôi đem quyết định thế chấp ngân hàng vay 60 triệu đồng. Sau đó không nhận được tiền bồi thường nên tôi không trả nổi cả nợ gốc lẫn tiền lãi phát sinh”.

Tương tự, ông Nguyễn Văn Trung có quyết định bồi thường trên 1 tỉ đồng đem cầm ngân hàng vay 200 triệu đồng và bốn năm nay ông oằn lưng với khoản lãi phát sinh và khoản tiền gốc không biết đến khi nào mới trả nổi.

Còn ông Phan Văn Em đem quyết định bồi thường 1 tỉ đồng đi vay ngân hàng 100 triệu đồng, gia đình rất cơ cực, con cái phải tha hương, còn ông lo lắng đến ngã bệnh vì khoản nợ ở ngân hàng càng ngày càng phình to.

Chiều 1-10, trao đổi với Ngân hàng NN&PTNT - Chi nhánh huyện Ninh Phước, Giám đốc Trần Văn Thủy cho biết cuối năm 2008 có 20 hộ dân vùng dự án thép vay tiền ngân hàng. Hiện còn 12 hộ nợ số tiền 1,1 tỉ đồng (chưa kể tiền lãi). Hộ vay cao nhất 200 triệu đồng, thấp nhất 10 triệu đồng. Theo ông Thủy, ngân hàng vẫn tính lãi phát sinh theo quy định và thường đến xã vận động họ trả nợ sớm…

Ông Nguyễn Văn Thành, Bí thư Huyện ủy Thuận Nam, cho biết việc các hộ dân có vay ngân hàng đến nay không trả được nợ là giao dịch dân sự. Người dân vay mượn thì phải trả, không vì dự án chậm triển khai mà không trả tiền cho ngân hàng.

MINH TRÂN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm