Chiều 9-10, Thường trực đoàn ĐBQH TP.HCM đã tổ chức hội thảo góp ý cho dự án Luật Khí tượng thủy văn (KTTV). Nhiều đại biểu bày tỏ sự quan ngại trước vấn đề sai sót trong các bản tin dự báo, cảnh báo KTTV.
Phó Giám đốc Đài KTTV khu vực Nam Bộ Nguyễn Minh Giám ý kiến: “Cần có quy định thanh tra chuyên ngành về KTTV, đặc biệt trong lĩnh vực thiết bị đo, nếu không thì số liệu của các tổ chức, cá nhân xây dựng, quản lý và khai thác KTTV sẽ không thống nhất, dẫn đến thông tin sai sót, gây ảnh hưởng cho cộng đồng”.
Trước việc sai sót thông tin trong dự báo, cảnh báo KTTV, Phó phòng Thông tin điện tử Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM Nguyễn Hoàng Hà cho rằng: “Để tránh mỗi đơn vị đưa ra cảnh báo và đơn vị đo khác nhau thì cơ quan quản lý cao nhất, chẳng hạn như Bộ TN&MT phải đưa ra tiêu chuẩn chất lượng kỹ thuật nhất định”.
Bà Nguyễn Thị Hoàng Điệp, Phó ban Pháp chế Sở Xây dựng TP.HCM, đề nghị Luật KTTV nên quy định rõ trách nhiệm bồi thường thiệt hại đối với các cá nhân, tổ chức khi có sai sót về bản tin dự báo, cảnh báo KTTV. Đồng thời, cần có quy định cụ thể để điều chỉnh và quản lý khi cho phép tổ chức, cá nhân xây dựng, quản lý và khai thác trạm KTTV chuyên dùng; họ cần phải tuân thủ pháp luật và cạnh tranh lành mạnh.
Sáng cùng ngày, Thường trực Đoàn ĐBQH TP.HCM cũng đã tổ chức hội thảo góp ý cho dự án Luật Tín ngưỡng tôn giáo.
Bà Nguyễn Thị Hoài Thu, nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, nguyên Trưởng ban Dân nguyện của QH, ý kiến: “Đề nghị cơ quan soạn thảo và thẩm tra tiếp tục hoàn thiện Luật Tín ngưỡng tôn giáo để tạo sự cân đối trong đạo luật. Cụ thể, đã gọi là Luật Tín ngưỡng tôn giáo thì nội dung phải bao quát cả hai vấn đề - tôn giáo và tín ngưỡng”. Theo bà Thu, quy định về tín ngưỡng trong dự luật còn rất đơn sơ, chỉ có năm điều, không thể hiện được đầy đủ hoạt động tín ngưỡng đang diễn ra sôi động hằng ngày vô cùng phức tạp, đòi hỏi có những quy định pháp lý phù hợp để điều chỉnh.
Bà Phạm Phương Thảo, nguyên Chủ tịch HĐND TP, cho rằng: “Luật Tín ngưỡng tôn giáo phải thể hiện cho được tinh thần tự do tín ngưỡng tôn giáo đã được quy định trong Hiến pháp năm 2013 về tự do tín ngưỡng tôn giáo. Còn việc Nhà nước quản lý là đương nhiên nhưng đừng thể hiện sự can thiệp quá sâu vào nội bộ của tổ chức tôn giáo”.