Dù có mưa, thủy điện Hòa Bình vẫn 'khát' nước

(PLO)- Các hồ thuỷ điện ở khu vực phía Bắc nói chung và trên lưu vực sông Đà nói riêng đều đã ở xấp xỉ mức nước chết, khả năng khai thác thủy điện hầu như không còn.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 13-6, ông Phạm Văn Vương, Giám đốc Công ty thuỷ điện Hoà Bình cho biết, hiện nay các hồ thuỷ điện ở khu vực phía Bắc nói chung và trên lưu vực sông Đà nói riêng đều đã ở xấp xỉ mức nước chết, khả năng khai thác thủy điện hầu như không còn.

Riêng thuỷ điện Hoà Bình, hiện mực nước trên 102m, thấp hơn mực dâng bình thường 15m, cách mực nước chết 22m.

Có tổng công suất 1.920MW, bao gồm 8 tổ máy, trong điều kiện bình thường, phát đủ công suất, hàng năm, thủy điện Hòa Bình cho sản lượng điện khoảng 9,8 tỉ kWh/năm. Tuy nhiên, ông Vương cho hay từ đầu năm 2023 đến nay, tổng lượng điện phát lên lưới của nhà máy mới đạt khoảng 3,5 tỉ kWh, tương ứng đạt khoảng 37% kế hoạch năm 2023.

Tổng lượng điện phát lên lưới của thủy điện Hòa Bình mới chỉ khoảng 37% kế hoạch năm 2023. Ảnh: AN HIỀN

Tổng lượng điện phát lên lưới của thủy điện Hòa Bình mới chỉ khoảng 37% kế hoạch năm 2023. Ảnh: AN HIỀN

Nguyên nhân chính là do tình hình khô hạn, lượng nước về hồ gần như không có. Ngay cả những ngày gần đây ở nhiều tỉnh thành miền Bắc có mưa nhưng lưu lượng nước về hồ cũng rất thấp.

“Hiện lượng nước về hồ chỉ xấp xỉ 40m3/s, không đáng kể. Dù những ngày qua có mưa nhưng chưa có gì cải thiện. Giai đoạn tới được dự báo sẽ tiếp tục khô hạn, không trông chờ gì được vào việc bổ sung nước cho thủy điện” – Ông Vương nói.

Theo Giám đốc Công ty thuỷ điện Hoà Bình, với mực nước như hiện nay, nếu khai thác tối đa, liên tục thì chỉ được 12-13 ngày, mực nước hồ Hòa Bình sẽ về mực nước chết. “Những ngày này, việc vận hành của thuỷ điện Hoà Bình thường xuyên không ổn định, chúng tôi phải chuyển đổi từ chế độ khởi động rồi lại dừng đột ngột. Việc vận hành như vậy sẽ không tốt cho tổ máy” - Ông Vương chia sẻ.

Theo lãnh đạo thủy điện Hòa Bình, ngoài thiếu nước cho phát điện thì hiện việc cấp nước cho hạ du vẫn đảm bảo.

Bộ Công Thương cho biết, ngày 12-6, tổng lưu lượng nước về các hồ thuỷ điện lớn miền Bắc tăng 28% so với lưu lượng nước về ngày 11-6. Thống kê cho thấy, lượng nước về hồ thuỷ điện đã khá hơn.

Các chuyên gia khuyến cáo, dù tình hình thuỷ văn có thuận lợi hơn song tình hình nắng nóng vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, nhu cầu sử dụng điện cao, do đó các nhà máy thuỷ điện cần vận hành linh hoạt; tăng cường tích nước các hồ thủy điện; người dân, doanh nghiệp cần nâng cao ý thức trách nhiệm, đẩy mạnh chương trình tiết kiệm điện nhằm tránh áp lực cho hệ thống điện quốc gia, nhất là ở miền Bắc.

Theo Bộ Công Thương, dù một số hồ thủy điện đã trên mực nước chết nhưng tình hình cung ứng điện vẫn còn khó khăn. Tổng công suất không huy động được từ các hồ Sơn La, Lai Châu, Bản Chát, Huội Quảng, Tuyên Quang, Thác Bà, Hủa Na, Bản Vẽ,...gần 5.000MW.

Đối với các nhà máy điện than, trong ngày 12-6, có 5 nhà máy nhiệt điện than khu vực miền Bắc bị sụt giảm công suất (Hải Phòng, Quảng Ninh, Mông Dương 1, Cẩm Phả, Thái Bình 2, Sơn Động).

Ngày 12-6, tổng sản lượng huy động từ thuỷ điện khoảng 138,3 triệu kWh, (miền Bắc là 52,8 triệu kWh); Nhiệt điện than huy động cao nhất đạt 469,2 triệu kWh (miền Bắc 288 triệu kWh); Tuabin khí huy động 87,1 triệu kWh; điện năng lượng tái tạo trên 85,6 triệu kWh.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm