EVN triển khai nhiều biện pháp để đảm bảo cung ứng điện

(PLO)- Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã triển khai hàng loạt biện pháp để bảo đảm cung ứng điện như đề nghị đối tác tăng cấp than, nhường khí cho phát điện, đẩy mạnh tuyên truyền tiết kiệm điện...
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Thời gian vừa qua, tình trạng nắng nóng, hạn hán, thiếu nước đã làm cho các hồ thủy điện ảnh hưởng nghiêm trọng.

Đề xuất tăng than, nhường khí

Trong tháng 4 và đầu tháng 5, nước về các hồ chỉ đạt dưới 50% trung bình nhiều năm (TBNN), một số hồ chỉ đạt 20% so với TBNN, gây thiếu hụt nguồn nước nghiêm trọng cho các hồ thủy điện. Đến cuối tháng 4, sản lượng điện quy đổi còn lại trong các hồ thủy điện toàn hệ thống thấp hơn 1,6 tỉ kWh so với kế hoạch đã được Bộ Công thương phê duyệt và thấp hơn 4,1 tỉ kWh so với cùng kỳ năm 2022.

Trong khi đó, nhu cầu sử dụng điện đang có xu hướng tăng cao, đặc biệt vào cao điểm mùa nắng nóng (tháng 5, 6, 7). Áp lực cung ứng điện đã, đang và sẽ tiếp tục đè nặng lên các nhà máy nhiệt điện than, khí…

Tổng sản lượng điện sản xuất từ nhiên liệu than trong 4 tháng đầu 2023 đạt 40,06 tỉ kWh (chiếm 46,53% tổng sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống). Tuy nhiên, công tác cung cấp nhiên liệu (than, dầu, khí) cho sản xuất điện không đáp ứng được yêu cầu thực tế vận hành.

Nhiệt điện Ô Môn 1 được huy động phát điện, đáp ứng yêu cầu của hệ thống điện. Ảnh: M.LƯƠNG

Nhiệt điện Ô Môn 1 được huy động phát điện, đáp ứng yêu cầu của hệ thống điện. Ảnh: M.LƯƠNG

Để giải quyết vấn đề, EVN đã đề nghị Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) và Tổng công ty Đông Bắc cung cấp than theo đúng hợp đồng đã ký kết, đồng thời tìm kiếm các giải pháp để bổ sung lượng than cấp cho sản xuất điện các tháng sắp tới. Tiếp đó, ngày 19-5, EVN đã có văn bản gửi chủ đầu tư nhà máy nhiệt điện BOT Duyên Hải 2 về việc vay lô than 100.000 tấn, sử dụng cho Nhà máy nhiệt điện Duyên Hải 3 (Tổng công ty Phát điện 1 - EVNGENCO1).

Để có nguồn khí phục vụ sản xuất điện, ngày 16-5, EVN đã có văn bản gửi Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí, Công ty CP Phân bón dầu khí Cà Mau đề xuất nhường khí cho sản xuất điện. Bên cạnh đó, EVN đàm phán và ký kết các hợp đồng mua bán điện với Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2, Nhà máy Thủy điện Sông Lô 7, Nậm Củm 3, Nhà máy điện BOT Vân Phong 1 để bổ sung nguồn điện cho hệ thống. Tại phía Nam, các nhà máy nhiệt điện chạy dầu (nguồn điện có chi phí đắt đỏ) cũng đã được tái khởi động để đảm bảo cung ứng điện. Trong đó, nhà máy điện Thủ Đức, Ô Môn, Cần Thơ, Cà Mau đã phát lên lưới điện sản lượng lớn.

Đối với các dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp, ngày 18-5, EVN và chủ đầu tư một số nhà máy điện chuyển tiếp như Nam Bình 1, Viên An, Hưng Hải Gia Lai, Hanbaram, Phù Mỹ 1, Phù Mỹ 3, Hiệp Thạch, Hướng Hiệp 1 thỏa thuận, thống nhất giá theo quy định. Đây là cơ sở để các dự án này kịp thời vận hành phát điện lên lưới điện.

Cùng với đó, EVN chỉ đạo các đơn vị thành viên đẩy nhanh tiến độ các công trình tăng cường năng lực truyền tải Bắc - Trung; các công trình đấu nối và giải toả nguồn thuỷ điện Tây Bắc và các nguồn năng lượng tái tạo khu vực miền Trung, Tây Nguyên; các công trình tăng thêm khả năng truyền tải, nhập khẩu điện từ Trung Quốc và Lào.

Các nhà máy thủy điện ở Lào gồm Nậm Kông 2 (66MW) và Nậm Kông 3 (54MW) đã ký hợp đồng mua bán điện với EVN trước đây thì nay đã đóng điện hoà lưới thành công. Dự kiến hai nhà máy này sẽ vận hành thương mại trong tháng 5, bổ sung nguồn điện trong mùa nắng nóng.

Bên cạnh đó, EVN cũng đã có văn bản báo cáo Bộ Công thương sớm ban hành hướng dẫn phát triển điện mặt trời mái nhà không phát điện lên lưới (zero export) để triển khai thực hiện, giảm bớt khó khăn về cung cấp điện.

Tăng cường tuyên truyền tiết kiệm điện

Thực tế, để đảm bảo cung ứng, sử dụng điện hiệu quả, rất cần sự chung tay từ khách hàng. EVN đã lập phương án thực hiện chương trình điều chỉnh phụ tải (DR), đẩy mạnh thực hiện DR tự nguyện phi thương mại trong các tháng 5, 6, 7, 8. Các công ty điện lực có kế hoạch cung cấp điện từng tháng, đặc biệt là trong các tháng 5, 6, 7, 8 và thông báo trước cho các khách hàng lớn biết để chủ động điều chỉnh hoạt động sản xuất.

Tăng cường tuyên truyền tiết kiệm điện đến người dân. Ảnh: EVN

Tăng cường tuyên truyền tiết kiệm điện đến người dân. Ảnh: EVN

Đến ngày 19-5, Tổng công ty Điện lực miền Nam có 6.521 khách hàng có sản lượng điện tiêu thụ từ 1 triệu kWh/năm đã đăng ký tham gia chương trình DR. Tổng công ty Điện lực miền Bắc, tính tới giữa tháng 5, cũng đã có hơn 3.700 doanh nghiệp cam kết tiết kiệm điện. EVN cũng đã có văn bản gửi UBND các tỉnh/thành phố kiến nghị chỉ đạo thực hiện tiết kiệm điện.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm