EVN đề xuất phương án điều chỉnh giá điện

(PLO)- Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã đề xuất phương án điều chỉnh giá bán điện năm 2023. Bộ Công Thương đang phối hợp rà soát và có phương án phù hợp báo cáo Thủ tướng theo quy định.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chiều 31-3, Bộ Công Thương tổ chức họp báo công bố kết quả kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam - EVN.

Tại đây, ông Trần Việt Hòa, Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công Thương), cho biết, EVN đã xây dựng phương án điều chỉnh giá bán điện năm 2023. Bộ Công Thương đang phối hợp với các đơn vị rà soát và lên phương án phù hợp báo cáo Thủ tướng theo quy định.

“Kịch bản điều hành giá điện sẽ phải đảm bảo hài hòa lợi ích, đảm bảo tình hình tài chính của EVN và các mục tiêu điều hành ổn định kinh tế vĩ mô của Chính phủ” - Ông Hòa nói.

Ông Trần Việt Hòa, Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công Thương), chia sẻ tại họp báo. Ảnh: BCT

Ông Trần Việt Hòa, Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công Thương), chia sẻ tại họp báo. Ảnh: BCT

Theo báo cáo của Cục Điều tiết Điện lực, năm 2022, sau khi trừ các khoản thu nhập khác, EVN đang lỗ hơn 26.000 tỉ đồng, điều này tạo nên sức ép lớn đến tài chính của tập đoàn.

Cụ thể, giá than trộn trong nước năm 2022 đã tăng bình quân từ 34,7 - 46,4% so với giá than trộn bình quân từng loại của năm 2021, làm tăng chi phí của hầu hết các nhà máy nhiệt điện than.

Trong khi đó, giá than nhập khẩu năm 2022 lên tới 362,8 USD/tấn, tăng 163% so với năm trước đó. Đặc biệt, riêng thời điểm tháng 4-2022, giá than thế giới tăng vọt lên tới 705,4 USD/tấn, tăng 411% so với mức bình quân của năm 2021.

Tương tự, giá khí cũng tăng 27,4%, tỉ giá tăng tổng cộng 495,3 đồng/USD, tương ứng tăng 2,2% so với bình quân năm 2021.

Những yếu tố đầu vào đó khiến EVN gặp khó khăn khi mua điện từ các nhà máy nhiệt điện khí, nhiệt điện than,...

Ông Trần Việt Hòa cho biết, theo Quyết định 24/2017 của Thủ tướng, cơ chế giá bán lẻ điện bình quân sẽ căn cứ vào chi phí đầu vào. Theo quy định, EVN sẽ phải có báo cáo và đề xuất phương án giá điện.

Ông Nguyễn Xuân Nam, Phó Tổng Giám đốc EVN, chia sẻ tình hình tài chính của EVN hiện rất khó khăn khi bị lỗ trong năm 2022. EVN đã có báo cáo đề xuất điều chỉnh giá điện và đang chờ Bộ Công Thương báo cáo các cấp có thẩm quyền. “Theo Quyết định 24/2017, khi chi phí đầu vào tăng lên EVN được điều chỉnh giá điện nhưng hơn 4 năm qua, EVN không được điều chỉnh”- Ông Nam lý giải.

Theo Cục Điều tiết Điện lực, Giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2021 là 1.859,90 đồng/kWh, tăng 1,84% so với năm 2020; giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2022 là 2.032,26 đồng /kWh, tăng 9,27% so với năm 2021.

Trong khi giá bán điện thương phẩm bình quân thực hiện năm 2022 là 1.882,73 đồng/kWh.

Vì vậy, chỉ tính riêng hoạt động sản xuất kinh doanh điện năm 2022, EVN lỗ 36.294 tỉ đồng. Trừ các khoản thu nhập từ các hoạt động có liên quan thì lỗ còn lại 26.235 tỉ đồng.

Giá thành trên chưa bao gồm khoản chênh lệch tỉ giá hơn 14.000 tỉ đồng vẫn còn treo từ những năm qua.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm