Lợi dụng tâm lý muốn có việc làm nhanh chóng của người lao động, nhất là lao động trẻ, nhiều đối tượng đã tung ra các quảng cáo tuyển dụng hấp dẫn, thu nhập cao mà không đòi hỏi nhiều kinh nghiệm để lừa người lao động "sập bẫy".
Kiếm việc như bị thôi miên
Là một trong những nạn nhân của việc tuyển dụng ảo, Chị Phương Nhung (quê Cần Thơ) cho biết mình đã mất gần 70 triệu đồng vì tin vào những lời mời “việc nhẹ, lương cao”, không yêu cầu kinh nghiệm và được làm việc từ xa.
Cụ thể, ngày 5-10, Nhung đăng tin tìm việc làm trên mạng xã hội với vị trí nhân viên chăm sóc khách hàng. Chỉ sau 15 phút, một tài khoản đã để lại bình luận mời chị làm online với mức thu nhập 400 nghìn đồng cho 30-60 phút vào mỗi tối. Người này giới thiệu rằng công việc rất đơn giản, chỉ cần vào sàn thương mại điện tử, lấy đơn hàng, xử lý, chờ nhận hoa hồng.
“Sau một tuần, tôi nhận được thông báo đã hoàn thành tốt công việc nên rất tin tưởng và có thể nhận hoa hồng lên đến 2 triệu đồng cho mỗi đơn hàng. Họ khiến tôi như bị cuốn vào mê trận, cứ tiếp tục nạp tiền, hy vọng lấy lại số tiền đã mất. Tuy nhiên, các đối tượng lừa đảo dần yêu cầu chị tăng số tiền nạp vào ứng dụng từ vài triệu lên đến 70 triệu đồng.
Khi đến đơn hàng thứ 7 có giá 39 triệu đồng, toàn bộ số tiền bị đóng băng và không thể rút. Họ yêu cầu tôi tải một ứng dụng và nhận mã giới thiệu. Mỗi lần giao dịch, nhân viên lại viện lý do “lỗi mã giao dịch” hoặc “tiền bị đóng băng”, khiến tôi phải nạp thêm tiền" - Nhung chia sẻ trong tiếc nuối.
Tương tự, vào ngày 30-9, chị PVT cũng gặp trường hợp và chiêu trò lừa đảo giống hệt chị Phương Nhung. T đã rải hồ sơ xin việc trên nhiều trang web, sau đó, nhận được cuộc gọi mời phỏng vấn. Tưởng đây là cơ hội tốt, T nhanh chóng đồng ý và bị mất trắng với số tiền 35 triệu đồng.
Gần đây, khi thấy một tin tuyển dụng trên Facebook với mức lương 7 triệu đồng/tháng, Huyền Trang (24 tuổi, quê Bình Thuận) lập tức nộp đơn với hy vọng sớm có việc làm.
“Tôi nhanh chóng nhận được lịch hẹn phỏng vấn trực tiếp tại một quán cà phê. Tại buổi gặp, người phỏng vấn yêu cầu tôi cung cấp số căn cước công dân và chụp ảnh chân dung để hoàn tất hồ sơ tuyển dụng” - Trang nói.
Cạnh đó, Trang phải đóng 4 triệu đồng gồm phí đồng phục, thẻ nhân viên và khóa đào tạo ngắn hạn. Họ giải thích rằng đây là quy trình tiêu chuẩn để đảm bảo ứng viên nghiêm túc với công việc. Sau khi ra về, Trang liên hệ lại thì phát hiện mình đã bị chặn số.
Tránh đặt cọc và không nhập vào link lạ
Bên lề hội nghị giao ban công tác dư luận xã hội Quý IV năm 2024 và thông tin chuyên đề “Tình hình an ninh mạng và tội phạm công nghệ cao hiện nay”, do Liên đoàn Lao động TP.HCM tổ chức gần đây, Thượng tá, Thạc sĩ Đỗ Minh Kim, Phó Trưởng phòng 3, Cục A05 (Bộ Công an) đã chia sẻ với PLO về một số hình thức "giăng bẫy" của đối tượng lừa đảo trong tuyển dụng.
Thượng tá Đỗ Minh Kim cho hay ban đầu các đối tượng trên mạng xã hội thường đăng tải hình ảnh về cuộc sống sang trọng, đủ đầy với các chuyến du lịch xa hoa để tạo lòng tin với nạn nhân.
“Các đối tượng tội phạm thường sử dụng tài khoản ảo để tuyển cộng tác viên làm việc online, chạy quảng cáo tiếp cận nhiều nạn nhân, tạo tài khoản phụ tương tác để tăng độ tin cậy.
Nạn nhân được mời thanh toán đơn hàng cho sàn thương mại điện tử với yêu cầu đơn giản, thời gian linh hoạt, thu nhập hứa hẹn 7-12 triệu đồng/tháng. Ban đầu, nạn nhân nhận hoa hồng dễ dàng, nhưng khi số tiền ứng trước tăng lên hàng trăm triệu, đối tượng chặn liên lạc và chiếm đoạt” - Phó Trưởng phòng 3, Cục A05 (Bộ Công an) nói.
Cạnh đó, đối tượng còn mời nạn nhân làm “việc nhẹ, lương cao” bằng cách đánh giá 5 sao qua link chứa mã độc. Khi nạn nhân truy cập, đối tượng chiếm quyền điều khiển điện thoại và rút tiền từ tài khoản ngân hàng.
Qua đó, Thượng tá Đỗ Minh Kim khuyến cáo người lao động tránh đặt cọc, ứng tiền trước; nên tìm việc qua trung tâm của nhà trường, các tổ chức uy tín hoặc đơn vị có địa chỉ rõ ràng; tuyệt đối không đăng nhập vào link lạ do người không quen biết gửi để tránh nguy cơ mã độc.
Bà Lượng Thị Tới, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP.HCM, cho hay mặc dù vấn đề này không mới, nhưng nhiều người lao động vẫn chưa cảnh giác do tâm lý nôn nóng tìm việc.
Theo bà Tới, tình trạng quảng cáo “việc nhẹ, lương cao” thường đánh vào tâm lý muốn có thu nhập cao mà không cần điều kiện khắt khe.
“Chỉ đến khi các đối tượng không thực hiện đúng cam kết, người lao động mới liên hệ cơ quan chức năng để cầu cứu. Khi xem xét các hợp đồng, thỏa thuận, đa phần nội dung không đề cập đến việc làm mà chuyển sang hình thức tư vấn du học, đầu tư hay nhập cảnh, khiến người lao động khó có thể lấy lại số tiền đã mất” - bà Tới cho hay.
Do đó, bà Tới khuyến cáo người lao động phải tìm hiểu thông tin việc làm từ các nguồn chính thống, không tin vào những cá nhân, tổ chức không có chức năng hoạt động dịch vụ việc làm.
Bạn đọc có thể xem danh sách các đơn vị hoạt động dịch vụ việc làm, hoạt động đưa người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng mà Sở LĐ-TB&XH cung cấp TẠI ĐÂY.
Có thể bị đi tù nếu lợi dụng tuyển dụng để chiếm đoạt tài sản
Theo Luật sư Trần Loan (Đoàn Luật sư Hà Nội), các trường hợp lợi dụng thông tin giả mạo về tuyển dụng lao động online để chiếm đoạt tài sản người lao động có giá trị từ 2 triệu đồng trở lên hoặc dưới 2 triệu đồng nhưng đã từng bị xử phạt hành chính về tội chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm, đối tượng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017).
Đặc biệt, với giá trị tài sản chiếm đoạt từ 500 triệu đồng trở lên, mức án dành cho người phạm tội có thể là từ 12 đến 20 năm tù, thậm chí là tù chung thân.