Hội đồng thẩm định (HĐTĐ) liên ngành vừa có báo cáo gửi Thủ tướng về dự án cao tốc Dầu Giây - Tân Phú (giai đoạn 1). Dự án được đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (PPP), loại hợp đồng BOT.
Theo đó, 100% thành viên HĐTĐ liên ngành đã thông qua báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án xây dựng đường bộ cao tốc Dầu Giây - Tân Phú (giai đoạn 1). Do đó, dự án đủ điều kiện để Thủ tướng quyết định chủ trương đầu tư.
|
Cao tốc Dầu Giây – Tân Phú sẽ giảm tải giao thông cho quốc lộ 20 đi các tỉnh Tây Nguyên. Ảnh: VH. |
Theo kết quả đánh giá, báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án do Bộ GTVT trình đủ nội dung theo yêu cầu, thành phần hồ sơ đề nghị. Báo cáo cũng tiếp thu, giải trình đầy đủ ý kiến của các thành viên HĐTĐ liên ngành về sự phù hợp với điều kiện lựa chọn dự án để đầu tư theo hình thức PPP, phân kỳ đầu tư, mức thu phí cho dự án và diện tích rừng cần chuyển đổi mục đích sử dụng…
Đầu tháng 5, Bộ GTVT trình Thủ tướng xem xét, quyết định chủ trương đầu tư dự án đường cao tốc Dầu Giây - Tân Phú (giai đoạn 1).
Theo đề xuất của Bộ GTVT, tuyến cao tốc Dầu Giây - Tân Phú dài 60,1 km. Giai đoạn 1 dự án có quy mô bốn làn xe hạn chế (mỗi làn rộng 3,5m), bề rộng nền đường 17 m, có dải phân cách giữa.
Sơ bộ tổng mức đầu tư hơn 8.365 tỉ đồng, trong đó vốn nhà đầu tư huy động hơn 7.065 tỉ đồng, Nhà nước hỗ trợ chi phí giải phóng mặt bằng và xây dựng 1.300 tỉ đồng.
Nhà đầu tư được đề xuất thu phí dịch vụ trong thời gian 20 năm 3 tháng, với giá khởi điểm là 1.700 đồng/CPU/km và sẽ tăng lên đến 3.400 đồng/CPU/km vào năm 2042.