Phần lớn các bang của Đức miễn học phí cho sinh viên (SV) ĐH, bao gồm cả SV Đức lẫn nước ngoài. SV học ĐH tại Đức thường chỉ trả các khoản như tiền bảo hiểm, đi lại, ăn ở… Tất cả các khoản này tốn 400-600 euro/tháng (hơn 10 triệu đồng), rẻ hơn rất nhiều so với SV tại Anh, Mỹ. Hơn nữa, SV du học ở Đức được phép đi làm thêm đến 90 ngày/năm.
Lợi điểm về kinh tế khác của du học Đức là chính sách mới áp dụng của nước này đối với SV sau khi tốt nghiệp. Bộ Hợp tác Kinh tế và Phát triển Liên bang dành một mức hỗ trợ (có thể lên đến 1.600 euro/tháng - hơn 40 triệu đồng) trong vòng hai năm cho SV nước ngoài trở về nước làm việc trong các vị trí liên quan đến phát triển cộng đồng. Có khoảng 20 quốc gia đang phát triển nhận được mức hỗ trợ này và Việt Nam là một trong số đó.
Nền giáo dục hàn lâm… miễn phí
Chủ trương của chính phủ Đức là bao cấp giáo dục. Không giống một số nước khác, giáo dục ở Đức không hề là một ngành kinh doanh. Điều này khiến du học Đức dễ thích nghi hơn với SV về mặt tài chính nhưng việc học tại trường lại đòi hỏi nhiều sự nỗ lực hơn. Học và thi không cần đóng học phí, SV có thể học tiếp và thi lại đến khi nào qua môn thì thôi.
Chính - một SV tại Ingolstadt (Đức) đang làm thêm trong một quán ăn Việt Nam.
Về thực chất, việc bao cấp giáo dục không những vì mục đích đảm bảo hệ thống an sinh xã hội ổn định, nó còn giúp duy trì chất lượng đào tạo hàn lâm viện bậc nhất thế giới của nước Đức, tránh biến giáo dục thành một món hàng kinh doanh và tất nhiên không mang nghĩa hạ giá nền giáo dục.
Thế mạnh của nước Đức trải đều từ các ngành khoa học hàn lâm có truyền thống lâu đời đến những ngành khoa học mới nổi, có tính ứng dụng cao trong hiện tại. Người ta có thể đến Đức vì ngưỡng mộ động cơ và kiểu dáng của BMW hay Volkswagen, bởi nước Đức là một “đế chế” thật sự trong lĩnh vực cơ khí, kỹ thuật. Cũng có thể, họ sẽ đến Đức để học kinh tế, trên chính đất nước đã vươn mình từ một quốc gia bại trận, bị tàn phá bởi Thế chiến thứ hai trở thành nền kinh tế thứ ba thế giới (trước khi bị Trung Quốc vượt qua). Và cuối cùng đừng quên rằng nước Đức, ngoài vẻ kỷ luật đến cứng nhắc, hãy còn là đất nước của triết học, thơ ca và hội họa… Đức là nơi đào tạo bậc nhất cho các ngành khoa học xã hội, nghệ thuật tại châu Âu cũng như thế giới. Hãy đến với đất nước của Beethoven để học về âm nhạc, hay tìm kiếm dấu tích của Goethe qua văn học Đức…
Nguyên tắc học tập nằm trong nguyên tắc... bóng đá Đức
Một SV tại Đức có giờ học từ thứ Hai đến thứ Sáu. Trong khoảng thời gian đó, ngoài việc lên lớp, họ sẽ ở lì trong thư viện nghiên cứu, học bài… Hết ngày thứ Sáu, tất cả SV lại lao vào… chơi. Hai ngày cuối tuần là thời gian để họ tiệc tùng, hẹn hò… Nguyên tắc của người Đức nằm ở chỗ không ai và không gì xâm phạm được thời gian đã sắp xếp của họ, dẫu đó là thời gian học hay thời gian chơi.
Một điều thú vị là ở Đức, người ta quan niệm khá giống Việt Nam rằng “hễ là SV thì không có tiền”. Vì vậy, SV tại Đức được ưu đãi rất nhiều về bảo hiểm y tế, du lịch, vui chơi giải trí, phương tiện giao thông công cộng… Cầm visa của Đức, SV có thể đi du lịch thoải mái ở các nước thuộc Liên minh châu Âu. |
Ngày càng có nhiều trường ĐH tại Đức mở rộng chương trình đào tạo bằng tiếng Anh. Tuy nhiên, việc học bằng tiếng Đức sẽ giúp SV tiếp cận gần hơn với tác phong lẫn văn hóa của người Đức, bởi ngôn ngữ là nơi tính cách Đức được bộc lộ rõ ràng nhất: nguyên tắc, khoa học và chính xác.
Bằng cấp có giá trị toàn cầu
Bằng cấp ở Đức sẽ được công nhận trên toàn thế giới. Sau khi tốt nghiệp, SV nước ngoài có thể ở lại Đức trong 18 tháng để tìm việc. Sau hai năm, chính phủ Đức sẽ xem xét cấp giấy cư trú vĩnh viễn cho người đã đi làm hoặc tự đầu tư kinh doanh ở Đức theo đúng ngành nghề đã học.
Du học ở một quốc gia thuộc khối EU, khả năng làm việc của SV được mở rộng thêm các nước thuộc khối này. Tiếng Đức là ngôn ngữ được sử dụng nhiều thứ hai trong khối, vì vậy dù SV học bằng tiếng Anh hay tiếng Đức, cơ hội của họ trên thị trường lao động vẫn cao.
PHƯƠNG THẢO