Dự kiến giảm, giãn nhiều loại thuế

Năm 2013 sẽ tăng cường điều tra, phát hiện tham nhũng trong công tác cán bộ, tín dụng, ngân hàng, sử dụng vốn Nhà nước; thực hiện giảm lệ phí trước bạ ô tô, giãn thuế cho doanh nghiệp (DN), giảm 50% tiền thuê đất… là những giải pháp được Chính phủ nêu ra tại Hội nghị trực tuyến về triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2013 ngày 25-12 và sáng 26-12.

Tham dự cuộc họp có Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, các phó thủ tướng, bộ trưởng và đại diện của 63 tỉnh, thành trong cả nước.

Dự kiến giảm, giãn nhiều loại thuế ảnh 1
Gia hạn sáu tháng nộp thuế thu nhập DN và thuế giá trị gia tăng là một trong những giải pháp cứu DN vừa và nhỏ. Ảnh: VD

Hỗ trợ sản xuất, kinh doanh

Về nền kinh tế năm 2012, Chính phủ thẳng thắn nhìn nhận còn nhiều hạn chế, yếu kém như tăng trưởng chậm, tồn kho lớn, bất động sản trầm lắng, lãi suất và nợ xấu ở mức cao… Trình bày dựthảo Nghịquyếtcủa Chính phủ, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho biết dự thảo gồm ba nội dung lớn về giải quyết hàng tồn kho, tháo gỡ khó khăn cho DN, thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển; giải quyết nợ xấu; tổ chức thực hiện.

Cụ thể, Chính phủ sẽ áp dụng nhiều giải pháp về thuế, phí như gia hạn sáu tháng nộp thuế thu nhập DN và thuế giá trị gia tăng cho các DN có quy mô vừa và nhỏ, sử dụng nhiều lao động. Hoàn thuế bảo vệ môi trường. Không ban hành chính sách thực hiện việc thu phí hạn chế phương tiện giao thông cá nhân đường bộ theo đầu phương tiện; giảm lệ phí trước bạ đối với ô tô chở người dưới 10 chỗ ngồi. Giảm 50% tiền thuê đất năm 2013 và 2014 cho các tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân được Nhà nước cho thuê đất…

Đối với giải pháp về vốn, tín dụng, ông Hải cho hay sẽ tiếp tục hạ mặt bằng lãi suất tín dụng phù hợp với mức giảm của lạm phát. Đồng thời, dành một lượng vốn hợp lý để cho các đối tượng thu nhập thấp, cán bộ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang vay để mua, thuê mua nhà xã hội và nhà thương mại có diện tích nhỏ hơn 70 m2, giá bán dưới 15 triệu đồng/m2. Cho các DN xây dựng nhà ở xã hội và DN vay vốn để chuyển đổi công năng của dự án với lãi suất hợp lý và kỳ hạn trả nợ phù hợp với nguồn vốn và khả năng trả nợ của khách hàng.

“Ngân hàng Nhà nước Việt Nam dành 20.000-40.000 tỉ đồng thông qua tái cấp vốn với lãi suất hợp lý và thời hạn tối đa 10 năm, tùy theo đối tượng sử dụng vốn vay để hỗ trợ cho các ngân hàng thương mại của Nhà nước nhằm phục vụ cho vay đối với các đối tượng này” - ông Hải nhấn mạnh. Ông cũng cho hay sẽ sửa đổi hoặc trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 19 của Quốc hội theo hướng mở rộng đối tượng và tạo thuận lợi hơn về điều kiện mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam cho tổ chức, cá nhân nước ngoài. Nghiên cứu để sớm hình thành các định chế tài chính mới như: Quỹ Tiết kiệm nhà ở, Quỹ Đầu tư bất động sản, Cơ quan tái thế chấp nhà ở để tạo kênh huy động vốn trung và dài hạn cho thị trường bất động sản.

Giải quyết nợ xấu

Đối với nhóm giải pháp giải quyết nợ xấu, Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các tổ chức tín dụng chủ động triển khai các giải pháp tự xử lý nợ xấu như đánh giá lại chất lượng và khả năng thu hồi của các khoản nợ để có biện pháp xử lý, thu nợ. Tiếp tục cơ cấu lại nợ và hỗ trợ DN bán nợ xấu cho các công ty quản lý tài sản, mua bán nợ. Kiểm soát chặt chẽ và tiết giảm chi phí hoạt động để tích cực trích lập, sử dụng dự phòng rủi ro để xử lý nợ xấu và triển khai các giải pháp hạn chế nợ xấu phát sinh trong tương lai. “Ngân hàng Nhà nước khẩn trương tiếp thu ý kiến thành viên Chính phủ, hoàn thiện và trình Chính phủ xem xét, ban hành Nghị định về tổ chức và hoạt động của Công ty Quản lý Tài sản Việt Nam trong tháng 1-2013” - ông Hải nhấn mạnh.

Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án phát hành công cụ nợ của Chính phủ để xử lý nợ xấu của các ngân hàng chính sách, nợ xấu do cho vay. Hoàn thiện mô hình hoạt động của Công ty Mua bán nợ và Tài sản tồn đọng (DATC) nhằm hỗ trợ cho quá trình xử lý nợ tồn đọng và cổ phần hóa DN nhà nước. Sử dụng nguồn tiền thu từ cổ phần hóa để bổ sung năng lực cho DATC chủ động tham gia quá trình tái cơ cấu tài chính các tập đoàn, tổng công ty nhà nước và nợ đọng của các ngân hàng thương mại.

Sáng nay, hội nghị tiếp tục thảo luận về những nội dung nêu trên trước khi lãnh đạo Chính phủ kết luận.

Chống tham nhũng trong các lĩnh vực “nóng”

Về công tác phòng, chống tham nhũng trong năm 2013, Chính phủ yêu cầu tăng cường thanh tra, nắm bắt tình hình, phát hiện các hành vi tham nhũng, tập trung vào các lĩnh vực có nguy cơ tham nhũng cao. Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương tăng cường công tác điều tra, phát hiện các vụ án tham nhũng, trong đó tập trung vào một số lĩnh vực như quản lý sử dụng đất đai, tài nguyên, khoáng sản, đầu tư xây dựng cơ bản, quản lý thu chi, ngân sách, sử dụng vốn, tài sản trong DN nhà nước, tín dụng, ngân hàng, công tác cán bộ…

Ngoài ra, các cơ quan công an, tư pháp và tòa án phối hợp đẩy nhanh tiến độ và xử lý dứt điểm các vụ án có liên quan đến hoạt động ngân hàng và thi hành các vụ án dân sự để tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng thu hồi nợ, giảm nợ xấu và tạo điều kiện mở rộng tín dụng cho nền kinh tế. Hạn chế hình sự hóa các hoạt động kinh tế trong lĩnh vực ngân hàng; ưu tiên áp dụng các biện pháp xử lý về mặt kinh tế, dân sự để khắc phục hậu quả và thu hồi tối đa tiền, tài sản cho ngân hàng. Xử lý nghiêm theo pháp luật những trường hợp chây ì trả nợ ngân hàng, cố ý làm trái và gây hậu quả nghiêm trọng cho ngân hàng.

THÀNH VĂN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm