Du lịch Đà Nẵng nỗ lực vượt khó

Ngành du lịch Đà Nẵng đang đứng trước nhiều khó khăn do ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19. Ngay khi dịch tái bùng phát, 100% tour du lịch bị hủy bỏ và Đà Nẵng phải giải tỏa khoảng 8 vạn du khách khỏi TP.

Hoạt động kinh doanh du lịch ở Đà Nẵng đã phải chịu tác động mạnh mẽ bởi dịch COVID-19. Các doanh nghiệp (DN) du lịch, dịch vụ hoạt động cầm chừng, nhiều DN phải cắt giảm nhân sự, cho nhân viên nghỉ dài hạn, thậm chí tạm dừng hoạt động.

Khách sạn, nhà nghỉ lao đao

Cho đến lúc này, chị Nguyễn Thị Mỹ Trinh, Giám đốc điều hành khách sạn Biển Vàng (quận Sơn Trà), vẫn không thể quên ngày buộc lòng phải thông báo cho hơn 30 nhân viên nghỉ việc do ảnh hưởng của dịch COVID-19.

“Khi đó, bên mình không còn đủ lực để gồng gánh nữa nên buộc lòng phải cho anh em nghỉ việc, chỉ giữ lại bảo vệ, nhân viên kỹ thuật và tạp vụ. Mình đã phải suy nghĩ rất nhiều trước khi đưa ra phương án đó vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến miếng cơm của anh em. Mọi người đều rất buồn, trong đó nhiều người đã theo mình 5-7 năm rồi, thực sự rất áy náy nhưng mình không còn cách nào khác” - chị Trinh tâm sự.

Ông Nguyễn Minh, Tổng thư ký Hội Khách sạn Đà Nẵng, Tổng giám đốc khách sạn Seven Sea, cho biết: Seven Sea có quy mô 135 phòng, bình quân mùa thấp điểm doanh thu của khách sạn ít nhất cũng được 3,1 tỉ đồng/tháng. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của hai đợt dịch COVID-19, doanh thu tám tháng đầu năm của khách sạn chưa đến 2,2 tỉ đồng, thấp hơn cả doanh thu bình thường của một tháng thấp điểm.

Ông Minh cho rằng đây là tình trạng chung của tất cả cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú trên địa bàn TP Đà Nẵng thời gian qua.

Theo Sở Du lịch TP Đà Nẵng: Trước tình hình khó khăn do dịch bệnh, một số cơ sở lưu trú đã thực hiện thủ tục mua bán, chuyển nhượng bất động sản nghỉ dưỡng, khách sạn, căn hộ. Theo thông tin sơ bộ, có khoảng 250-260 khách sạn, căn hộ, biệt thự đang rao bán (chiếm tỉ lệ 24,7% tổng nhà nghỉ, khách sạn trên địa bàn).

Từ ngày 11-9, người dân TP Đà Nẵng được tắm biển trở lại. Ảnh: T.AN

Phục hồi du lịch theo lộ trình

Ông Lê Tấn Thanh Tùng, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Du lịch Việt Nam (Vitours), cho biết đợt dịch thứ hai khiến ngành du lịch Đà Nẵng, Quảng Nam bị ảnh hưởng hết sức nặng nề.

Tuy nhiên, các DN du lịch đã tính toán phương án để có những sản phẩm, dịch vụ phù hợp với nhu cầu của du khách ngay khi dịch bệnh được kiểm soát hoàn toàn. Giống như sau đợt dịch đầu tiên, khi Đà Nẵng tung ra các gói kích cầu thì lập tức dòng khách từ hai đầu đất nước đổ về.

Thực hiện mục tiêu kép

Đà Nẵng hiện xác định mục tiêu kép là vừa chủ động, quyết liệt phòng chống dịch, không để dịch bệnh lây lan, vừa có biện pháp thích ứng, chung sống an toàn với dịch.

Vì vậy, trong thời gian tới, việc mở lại các hoạt động du lịch sẽ được áp dụng theo tình hình cụ thể, từng thời điểm theo các kịch bản phòng, chống dịch của TP.

Sở cũng sẽ xây dựng, ban hành và triển khai bộ chỉ số an toàn trong lĩnh vực du lịch, tập huấn quy trình đón khách du lịch đảm bảo an toàn phòng chống dịch bệnh COVID-19 để khách du lịch yên tâm lựa chọn điểm đến.

Ông NGUYỄN XUÂN BÌNHPhó Giám đốc Sở Du lịch TP Đà Nẵng 

“Tuy nhiên, lần này sẽ không bùng nổ như trước vì tới đây là mùa thấp điểm du lịch. Đổi lại, chúng ta sẽ nhắm vào lượng khách sự kiện, hội thảo. Nếu được sự hỗ trợ của trung ương, ưu tiên hướng các sự kiện văn hóa, thể thao, hội thảo, tổng kết cuối năm cho Quảng Nam, Đà Nẵng thì lúc đó du lịch mới thực sự khởi đầu và quay lại quỹ đạo như trước đây” - ông Tùng nói.

Theo ông Tùng, ngành du lịch chỉ thực sự hồi phục khi có vaccine đại trà. Vì vậy, từ nay đến sang năm, Đà Nẵng tập trung cho khách nội địa để có những sản phẩm phù hợp theo từng mùa vụ, từng nhu cầu của khách.

Ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng, cho biết: Tổng cục Du lịch đang chỉ đạo các DN khởi động chương trình kích cầu du lịch lần hai, đương nhiên tính chất, mức độ, quy mô sẽ khác lần thứ nhất. Hiệp hội đã thông báo cho các đơn vị, DN để đăng ký các chương trình, trong đó chủ yếu tập trung vào du lịch an toàn, du lịch trải nghiệm, du lịch điểm đến, chứ không đặt nặng vấn đề kích cầu quá sâu về giá.

“Sẽ bắt đầu khởi động, còn chưa có kỳ vọng khách quay lại ngay đâu” - ông Dũng nhìn nhận.

Ông Dũng cho rằng khi đã hết mùa du lịch cao điểm nội địa, các DN sẽ không mở cửa đại trà, mà chỉ một vài DN có khả năng định hướng được khách dần mở cửa. Lúc này các DN cần chia sẻ với nhau, chấp nhận lỗ để tái khởi động và tạo đà phát triển cho năm 2020 chứ chưa thể có lợi nhuận ngay. Việc này nhằm mục tiêu vừa để bảo trì, bảo dưỡng cơ sở, giữ nhân viên, đào tạo nhân viên, vừa giữ được thương hiệu, nguồn khách và bù một phần lỗ.

Theo lộ trình, Đà Nẵng sẽ nhắm vào khách hàng là người địa phương trước tiên, kế đến là khách trong nước và cuối cùng mới là khách quốc tế.

“Với kịch bản lạc quan nhất thì trong tháng 9 sẽ khởi động một số chương trình cho người Đà Nẵng và các địa phương lân cận, tháng 10 sẽ đón khách từ các địa phương khác trong cả nước và từ tháng 12 hy vọng sẽ bắt đầu đón được khách nước ngoài” - ông nói thêm.

Năm 2020 dự kiến chỉ đón 2,7 triệu lượt khách

Theo Sở Du lịch TP Đà Nẵng, dự kiến năm 2020 TP chỉ đón được 2,7 triệu lượt khách tham quan, du lịch, giảm 68,6% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, khách quốc tế ước đạt hơn 686.000 lượt, giảm 80,5%; khách nội địa ước đạt hơn 2,03 triệu lượt, giảm 60,6%. Tổng thu từ ngành du lịch ước đạt hơn 10.000 tỉ đồng, giảm 65,1% so với năm 2019.

Đáng chú ý, ước tính thiệt hại tổng thu của cả ngành du lịch Đà Nẵng năm 2020 dự kiến khoảng 26.000 tỉ đồng. Trong đó ước tính tổng thiệt hại (trực tiếp) tại các DN lữ hành khoảng 659 tỉ đồng; tại các cơ sở lưu trú du lịch khoảng 4.800 tỉ đồng; tại DN vận chuyển du lịch khoảng 518 tỉ đồng; các khu, điểm du lịch khoảng 827 tỉ đồng.

Tổng số lao động tại Đà Nẵng phải tạm ngừng việc, nghỉ việc từ đầu tháng 8 đến nay hơn 31.000 người. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm