Lo khủng hoảng thiếu người làm du lịch hậu COVID-19

Khảo sát mới nhất của Hội đồng Tư vấn du lịch Việt Nam (TAB) vừa công bố đã chỉ ra tình trạng nhân viên nghỉ việc tại các công ty tăng cao. Cụ thể, trong số doanh nghiệp tham gia khảo sát có 18% đã cho nghỉ việc toàn bộ nhân viên, 48% cho nghỉ việc từ 50% đến 80% nhân viên và 75% có các hình thức hỗ trợ tài chính khác nhau đối với số người lao động bị mất việc.

Làm đủ thứ nghề kiếm sống qua ngày

Theo khảo sát của chúng tôi, hiện có khá nhiều nhân viên ngành du lịch đã chuyển sang chạy Grab, xe ôm, phục vụ quán ăn, bán hàng online… để có thu nhập đắp đổi qua ngày. Anh Hoàng Bảy, một hướng dẫn viên (HDV) du lịch quốc tế, cho biết đã có bảy năm làm nghề này. Anh đánh giá dịch COVID-19 ở nhiều nước vẫn còn diễn biến phức tạp, chưa biết khi nào mới kết thúc. Nếu cứ chờ đợi hết dịch thì việc thu nhập thật sự khó khăn nên buộc anh phải đổi nghề.

“Tôi đã chuyển sang làm nghề môi giới kinh doanh bất động sản. Khi làm HDV, tôi đi theo tour, thời gian tự do, không bị ràng buộc nhiều. Bây giờ chuyển sang nghề mới nên tôi chưa quen lắm. Bên cạnh đó, do chuyển sang một ngành nghề khác nên có nhiều kiến thức tôi phải học lại từ đầu” - anh Bảy kể.

Tuy đã tạm chuyển sang nghề khác nhưng anh Bảy vẫn hy vọng khi du lịch tái khởi động sau thời gian dài ngủ đông, công ty sẽ tuyển dụng anh vào làm việc trở lại. “Thực ra các công ty lữ hành rất cần những người có kinh nghiệm, thạo việc” - anh Bảy tự tin.

Anh Tình, nhân viên của một khách sạn năm sao tại TP.HCM, kể cách đây hai tháng, phía khách sạn đã áp dụng chính sách cho nghỉ năm ngày không lương. Cộng với chế độ ngày nghỉ, tính ra mỗi tháng anh chỉ đi làm việc khoảng 20 ngày, đồng nghĩa thu nhập giảm mạnh so với trước.

“Sau giờ làm việc tại khách sạn, tôi tranh thủ xin đi phụ quán nhậu đến 22 giờ. Dù biết là khó khăn, nhọc nhằn nhưng phải cố gắng bám trụ, hy vọng dịch sớm qua đi để được trở lại làm việc bình thường” - anh Tình nói.

Trong khi đó, chị Lê Mai, nhân viên điều hành của một công ty du lịch chuyên về quốc tế và nội địa, may mắn hơn vì chưa phải bỏ nghề. Chị Mai cho biết từ khi dịch xảy ra, mảng du lịch quốc tế phải dừng lại hoàn toàn. May mắn là chị không rơi vào trường hợp bị cắt giảm nhân sự như nhiều người khác mà chuyển từ điều hành mảng du lịch quốc tế sang làm mảng du lịch nội địa.

Chị Mai chia sẻ: “Thu nhập giảm 1/3 nên để trang trải cuộc sống, tôi phải bán trái cây nhập khẩu qua online. Tuy vậy, do ảnh hưởng dịch nên chi tiêu của khách hàng cũng giảm, do đó việc buôn bán cũng không dễ dàng”.

Theo ông Phạm Minh Nhựt, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Hòn Tằm, khi dịch COVID-19 xảy ra lần một, các công ty du lịch không tiếp cận được các gói hỗ trợ tài chính của Nhà nước. Do đó, người lao động nghỉ việc do ảnh hưởng dịch cũng không được hưởng các gói hỗ trợ tài chính này. Khi dịch bùng phát lần hai, các công ty du lịch càng khó khăn hơn.

“Đơn cử, Hòn Tằm có hơn 500 lao động. Trong đợt dịch lần một, công ty đã cho nghỉ hơn 300 lao động và hỗ trợ theo mức lương tối thiểu với mong muốn họ duy trì cuộc sống và khi dịch được kiểm soát tốt họ có thể quay lại... Đây là tình hình chung của tất cả đơn vị dịch vụ du lịch chứ không riêng Hòn Tằm” - ông Nhựt nói.

Nhân viên của một khách sạn đang sắp xếp hành lý giúp du khách trước khi dịch bùng phát (ảnh trên) và HDV phát phiếu ăn sáng cho khách tại Khu du lịch Văn Thánh. Ảnh: TÚ UYÊN

Hy vọng “sau cơn mưa, trời lại sáng”

Nhiều công ty du lịch cho hay nếu dịch tiếp tục kéo dài sẽ phải chuyển sang ngành dịch vụ mới để tồn tại, bởi nếu đóng cửa thì vẫn phải tốn chi phí vận hành. Khi hết dịch, họ sẽ tuyển lao động trở lại.

Chủ tịch HĐQT Công ty Du lịch Viking Trần Xuân Hùng thông báo đã cho toàn bộ người lao động nghỉ từ ngày 15-7 và hưởng 50% lương. Tuy vậy, ông nhận định những người có bề dày kinh nghiệm từ năm năm trong ngành du lịch thì những công việc thứ hai mà họ đang làm chỉ là tạm thời trong lúc khó khăn. Do vậy, cơ hội họ quay trở lại với du lịch khá cao. Mặt khác, tầng lớp sinh viên từ các trường du lịch sẽ là lực lượng kế thừa có thể bổ sung thêm cho ngành.

Giảm gần 99%

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, nếu như tháng 1-2020, cả nước đón gần 2 triệu lượt khách quốc tế thì đến tháng 8 vừa qua chỉ còn hơn 16.300 lượt, giảm 98,9% so với cùng kỳ năm trước. 

Ông Phan Bửu Toàn, Chủ tịch Chi hội HDV TP.HCM, cho biết qua nắm bắt cho thấy một số công ty du lịch có hỗ trợ cho HDV chính thức trong thời điểm khó khăn. Đối với HDV là cộng tác viên, tự do thì phần lớn phải tự lực cánh sinh. Thực tế, những HDV chuyển qua làm nghề khác chỉ là tạm thời trong lúc ngành du lịch đang ngủ đông và họ đều mong dịch hết sớm để được quay lại làm nghề.

Theo ông Toàn, ngoài việc kiến nghị với cơ quan quản lý hỗ trợ HDV, thời gian qua chi hội đã xây dựng chương trình “Điểm hẹn HDV”. Qua đó nhằm tạo ra sân chơi giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm, củng cố kiến thức… Đồng thời, nhân viên các công ty du lịch có thể mang đến các sản phẩm nông sản, đặc sản giới thiệu tại sân chơi này để có thêm thu nhập khi du lịch đóng băng.

Nhiều công ty du lịch cũng thông tin đã đề nghị cơ quan chức năng có chính sách kịp thời hỗ trợ giúp các doanh nghiệp về đào tạo và tái đào tạo nguồn nhân lực chuẩn bị cho giai đoạn sắp tới. Bản thân các công ty cũng đang nỗ lực cơ cấu lại nguồn nhân lực, đào tạo tinh nhuệ để có thể làm việc đa năng. Khi du lịch dần hồi phục sẽ bố trí công việc cho các nhân viên của mình ngay khi có thể. Bởi vì việc duy trì, phát triển nguồn nhân lực du lịch đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn mới là rất cần thiết.

Khách sạn đồng loạt cho nhân viên nghỉ việc

Việt Nam có hơn 4,9 triệu lao động làm việc trong lĩnh vực du lịch, chưa kể đến số lượng lao động làm những mảng có liên quan đến du lịch. Tuy nhiên, Hội đồng Tư vấn du lịch Việt Nam (TAB) cho hay đến cuối tháng 7, khi doanh thu còn chưa kịp hồi phục thì dịch COVID-19 tái bùng phát, lúc này phương án cắt giảm nhân sự lại tiếp tục phải đưa ra.

Tại Hà Nội, có khoảng 28.199 lao động trong ngành du lịch tạm thời nghỉ việc. Còn ở TP.HCM, doanh nghiệp du lịch cũng lập tức bị ảnh hưởng nghiêm trọng do đợt dịch lần này gây ra. Trong đó, riêng khối doanh nghiệp lữ hành 90% tạm dừng hoạt động, 10% làm ở nhà hoặc trực tuyến, hầu hết doanh nghiệp cho nhân viên tạm nghỉ việc không lương. Các khách sạn cho nhân viên nghỉ lên tới 80%-90%.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm