Theo một báo cáo của tổ chức SportBusiness Group (Anh), du lịch thể thao là một trong những phân khúc phát triển mạnh mẽ nhất của du lịch, có trị giá khoảng 4.500 tỉ USD mỗi năm trên toàn cầu.
Tại Việt Nam (VN), thể thao kết hợp du lịch, đặc biệt là du lịch kết hợp với cổ vũ bóng đá gần đây đang được các công ty lữ hành tập trung khai thác.
Bóng đá lên ngôi, du lịch hốt bạc
Rất nhiều người VN có nhu cầu ra nước ngoài cổ vũ cho đội tuyển VN kết hợp đi du lịch, nhất là khi bóng đá VN khởi sắc dưới thời HLV Park Hang-seo. Ví dụ tại trận chung kết lượt đi AFF Cup 2018 giữa đội tuyển VN và Malaysia, lượng người mua tour cổ vũ đội nhà kết hợp du lịch rất đông.
Nắm bắt được xu hướng này, hàng loạt công ty lữ hành đã mở tour du lịch kết hợp xem bóng đá, thậm chí còn thuê bao máy bay chở khách ra nước ngoài. Đáng chú ý, hầu hết các công ty du lịch đều trang bị áo, nón, banner, cờ... cho cổ động viên cổ vũ đội tuyển.
Giải thích việc mở các tour du lịch dạng này, bà Trần Thị Bảo Thu, Giám đốc tiếp thị và truyền thông Công ty Du lịch Fiditour, nói: “Các tour du lịch kết hợp xem bóng đá góp phần đa dạng sản phẩm du lịch và tạo điều kiện để người hâm mộ có cơ hội xem bóng đá với dịch vụ chuyên nghiệp nhưng chi phí khá kinh tế”.
Theo bà Thu, để tổ chức được các tour xem bóng đá đòi hỏi phải chuyên tâm cho dòng sản phẩm này cũng như có năng lực bán tốt và theo sát diễn biến các giải đấu hấp dẫn… Từ đó để kịp thời chuẩn bị dịch vụ về visa, phương tiện đi lại, vé máy bay cũng như tiếp thị, bán hàng hiệu quả. Chẳng hạn các công ty du lịch phải xoay chuyển rất nhanh thì mới có cơ hội mua được nhiều vé vào sân để cung cấp cho khách hàng.
Cùng quan điểm trên, ông Hoàng Đức Huy, Giám đốc Công ty Du lịch Transviet, cho rằng với đặc thù là phải bám sát vào diễn tiến và kết quả của các trận đấu nên việc chuẩn bị phải rất nhanh trong tích tắc, chuyên nghiệp mới thành công. Ví dụ, chỉ trong một thời gian ngắn phải bán hết số lượng chỗ trên máy bay thuê bao nên áp lực rất cao.
“Do đó các công ty lữ hành lớn, có năng lực tổ chức chuyên nghiệp, sở hữu nguồn khách hàng tiềm năng lớn sẽ có ưu thế nhiều hơn so với các công ty nhỏ khi khai thác loại hình du lịch bóng đá kết hợp du lịch” - ông Huy chia sẻ.
Trong khi đó, ông Nguyễn Minh Mẫn, Giám đốc truyền thông và marketing Công ty Du lịch TST, cho biết: Việc tổ chức tour có thành công hay không là nhờ vào khả năng phán đoán đội tuyển có thể sẽ đi đến vòng nào để chuẩn bị trước dịch vụ.
“Nếu phán đoán sai, lượng khách không thể lấp đầy số chỗ đã được công ty du lịch đặt trên máy bay của các hãng hàng không có thể thất bại. Trong khi đó tại các giải đấu như Asian Cup, việc phán đoán với đội VN có bước vào vòng trong hay không vô cùng khó khăn” - ông Mẫn chia sẻ.
Một trong những tour du lịch nổi bật trong thời gian qua là tour đi cổ vũ đội tuyển Việt Nam thi đấu ở nước ngoài. Ảnh: PĐ
Không ít rủi ro
Các công ty du lịch có chung đánh giá dòng sản phẩm du lịch kết hợp xem bóng đá sẽ còn tăng trưởng mạnh mẽ hơn trong thời gian tới. Lý do là điều kiện về thị thực nhập cảnh, đi lại và thu nhập của người dân ngày càng tăng lên. Đặc biệt, bóng đá VN đang tiến bộ rõ rệt trong thời gian gần đây. Đây là cơ hội lớn cho các công ty lữ hành.
“Các tour du lịch kết hợp bóng đá là một sản phẩm du lịch gây sự chú ý của dư luận khi cả nước đều hướng về những trận đấu đỉnh cao có sự góp mặt của đội tuyển nước nhà. Nhưng trước hết đó vẫn là một sản phẩm phục vụ kinh doanh, nếu tổ chức hiệu quả thì có thể có lợi nhuận rất tốt” - đại diện một công ty du lịch cho hay.
Tuy vậy, Giám đốc Công ty Du lịch Transviet Hoàng Đức Huy thừa nhận tổ chức những tour du lịch kết hợp bóng đá tạo tiếng vang rất tốt cho các công ty lữ hành nhưng cũng ẩn chứa không ít rủi ro trong kinh doanh. Nếu không làm nhanh, chuyên nghiệp, đồng bộ… có thể gây thiệt hại không nhỏ về tài chính cho các đơn vị kinh doanh.
Cùng nhận định trên, bà Trương Thị Thu Giang, Phó Giám đốc Ban tiếp thị Công ty Du lịch Vietravel, kể đơn vị này gặp phải không ít khó khăn khi tổ chức tour thể thao đồng hành cùng tuyển VN. Đơn cử việc mua vé vào sân cho khách xem trận đấu VN - Malaysia tại Malaysia trong khuôn khổ giải AFF 2018 khá vất vả. Việc làm visa gấp rút cho khách sang Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) xem thầy trò Park Hang-seo thi đấu tại Asian Cup 2019 cũng không dễ dàng.
Đại diện Công ty Du lịch Fiditour cũng nhìn nhận thời gian qua có khá nhiều công ty tham gia dòng sản phẩm du lịch kết hợp cổ vũ bóng đá. Song quan trọng là năng lực kinh doanh để có được dịch vụ giá tốt, kế hoạch bán hàng hiệu quả mới có thể theo đuổi dài hơi. Bởi đây là dòng sản phẩm còn khá mới với thị trường du lịch VN.
“Khi loại hình du lịch này được chuyên nghiệp hóa, dịch vụ đa dạng, giá cả tốt… thì không chỉ phục vụ các giải đấu của đội tuyển VN mà còn có thể phục vụ nhiều giải quốc tế hấp dẫn khác. Khi đó, thị trường du lịch kết hợp bóng đá sẽ ngày càng hấp dẫn hơn” - bà Thu nói.
Rất nhiều người VN có nhu cầu ra nước ngoài cổ vũ cho đội tuyển VN kết hợp đi du lịch
Hái ra tiền nếu thể thao bắt tay du lịch Nhiều công ty du lịch nhận định nếu ngành thể thao hợp tác với du lịch và có kế hoạch sớm thì các sự kiện thể thao trong nước cũng có thể thu hút được du khách quốc tế đến VN. Chẳng hạn tại giải đua công thức 1 (F1) sẽ được tổ chức tại Hà Nội vào năm 2020 dự báo có sức hấp dẫn lớn với du khách nước ngoài. Rất tiếc, việc kết hợp giữa du lịch và thể thao để thu hút khách quốc tế đến VN hiện nay còn rất lỏng lẻo. Ông Đỗ Huỳnh Khánh Duy, Giám đốc dự án Công ty Sự kiện Sunrise - đơn vị tổ chức giải Techcombank Ironman 70.3 vô địch châu Á-Thái Bình Dương Việt Nam và Marathon quốc tế TP.HCM, cho hay: Sự kiện Techcombank Ironman 70.3 qua bốn lần tổ chức tại TP Đà Nẵng (2015-2018) cho thấy tác động của sự kiện này đối với nền kinh tế Đà Nẵng rất cụ thể. Theo đó, Techcombank Ironman 70.3 năm 2018 thu hút hơn 1.800 vận động viên tham gia. Riêng tại khu vực tổ chức sự kiện, số tiền một người chi tiêu mua sắm hơn 500 USD; một khách dự sự kiện chi 2.250 USD cho phí tham dự, không gồm phí đăng ký thi đấu. Tổng doanh thu từ sự kiện năm 2018 mang lại cho Đà Nẵng khoảng 10 triệu USD. |