Ngày 2-6, Sở Du lịch TP.HCM, Hội Nhà báo TP.HCM và Hiệp Hội Du lịch Việt Nam tổ chức tọa đàm Phát huy vai trò của truyền thông trong chương trình “Người Việt Nam đi du lịch Việt."
Ông Trần Trọng Dũng, Chủ tịch Hội Nhà báo TP.HCM, cho biết dịch bệnh COVID-19 tác động lớn đến các ngành trong đó có du lịch. Ngay sau khi dịch bệnh được kiểm soát, Tổng cục du lịch phát động chương trình “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam” để nhanh chóng vực dậy ngành du lịch nói riêng và kinh tế nói chung. Theo ông Dũng, TP.HCM cần tạo ra một điểm nhấn du lịch an toàn.
Du khách phát khẩu trang khi tham quan TP.HCM (Ảnh TÚ UYÊN)
Để chương trình phát huy hiệu quả cần có sự vào cuộc mạnh mẽ của các đơn vị truyền thông, phổ biến những thông tin tốt về điểm đến an toàn, du lịch an toàn, hấp dẫn du khách. Đồng thời, cần sự liên kết của các Sở, hiệp hội, các DN vì du lịch TP.HCM "sống" được sẽ lan ra các tỉnh thành khác.
“Như đề xuất của lãnh đạo Saigontourist Group, TP.HCM phát động chương trình Người TP.HCM đi du lịch TP.HCM. Theo tôi, muốn cứu du lịch Việt Nam hay cứu được du lịch thành phố cần có sự phối hợp từ các cơ quan quản lý nhà nước, trước nhất là Sở du lịch TP.HCM”- ông Mai Ngọc Phước, Tổng biên tập báo Pháp luật TP.HCM nhận định.
Theo ông Phước, Sở du lịch TP.HCM phải tham mưu cho UBND TP.HCM đưa ra những quy định, các hành lang pháp lý. Trong đó có những quy định phối hợp giữa các ngành như ngân hàng, giao thông, công thương, y tế... để đảm bảo môi trường cạnh tranh lành mạnh giữa các DN du lịch, người dân đi du lịch an toàn.
Ông Phước cho rằng du lịch TP.HCM không chỉ có địa đạo Củ Chi, bảo tàng Chiến tích Chiến tranh... mà còn nhiều sản phẩm thú vị khác. Ví dụ phở, bánh mì Việt Nam đã có mặt trên bản đồ ẩm thực thế giới.
Khi du khách đến TP.HCM hãy đưa họ trải nghiệm làm bánh mì, nấu phở; hay đưa khách xuống Bình Dương trải nghiệm học làm gốm... giúp du khách không chỉ nhìn thấy, nghe mà sờ tận tay.
"Bên cạnh đó, Sở du lịch phối hợp với các DN, địa phương để xây dựng các sản phẩm mới hấp dẫn khách đến với TP.HCM", ông Phước nói.
Tổng biên tập báo Pháp Luật TP.HCM góp ý tại toạ đàm
Cũng theo ông Phước, hiện nay các cơ quan báo chí rất muốn kết hợp với ngành du lịch để truyền thông. Thứ nhất là thông tin về những chủ trương chính sách, quy định hỗ trợ ngành du lịch. Thứ hai tuyên truyền những tour giảm giá, sản phẩm mới của DN du lịch. Thứ ba là thông tin về những hành động đẹp trong du lịch, lên án những hành vi cạnh tranh không lành mạnh.
"Nếu có sự phối hợp tốt giữa cơ quan truyền thông với ngành du lịch thì người dân sẽ càng yên tâm đi du lịch, giúp du lịch nội địa phục hồi", ông Phước nhận định.
Trong khi đó, ông Nguyễn Hữu Thọ, Chủ tịch Hiệp hội du lịch Việt Nam cho biết hiện nay ngành du lịch mới làm kích cầu được ba tuần. Thời điểm này khách du lịch đăng kí khá đông. Tuy nhiên, do dịch bệnh chưa hoàn toàn được loại bỏ nên rất cần phát huy vai trò của truyền thông.
Theo ông Nguyễn Quốc Kỳ, Tổng giám đốc công ty du lịch Vietravel, để khôi phục du lịch nội địa, Chính phủ cần xác định mục tiêu từ nay đến đến cuối năm ngành du lịch phải đón bao nhiêu khách quốc tế, khách nội địa, phải có con số, TP.HCM cũng vậy. Từ đó các DN sẽ xây dựng các kế hoạch rõ ràng.
Thứ hai nhà nước cần có chính sách riêng với ngành du lịch. Vừa qua, nhà nước ban hành chính sách cho du lịch nhưng chỉ mỗi DN lưu trú hưởng lợi về giá điện tháng 5 tháng 6, các DN khác chưa được hưởng gì cả.
Thứ ba là chương trình "Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam" được người dân quan tâm tốt nhưng chủ đề chưa mới, chưa thúc đẩy mạnh mẽ người dân đi du lịch.
“Nếu được, tôi đề xuất I love Việt Nam, hastag gắn trên hệ thống truyền thông đa phương tiện. Cùng với bài hát Việt Nam ơi ai cũng thuộc thì hiệu quả truyền thông mạnh mẽ hơn"- ông Kỳ gợi ý.
Ông Ngô Minh Đức, Chủ tịch HĐQT HG Holdings, cho rằng bộ tiêu chí an toàn phòng chống dịch COVID-19 đối với hoạt động du lịch đã được ban hành. “Chúng ta quản lý tốt và cần có cái nhìn tích cực nếu không du lịch sẽ khó phát triển được"- ông Đức chia sẻ.