Chiều ngày 2-6, Sở du lịch TP.HCM, Hội nhà báo TP.HCM, Hiệp hội du lịch Việt Nam tổ chức toạ đàm phát huy vai trò của truyền thông trong chương trình "Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam".
Cần giải quyết tâm lý e ngại dich của du khách
Ông Nguyễn Hữu Thọ, Chủ tịch Hiệp hội du lịch Việt Nam cho biết, theo các chuyên gia, du lịch thế giới mất 2.000 tỷ đô la vì dịch COVID-19 và có khoảng 75 triệu người thất nghiệp.
Tại Việt Nam, nếu tháng 6 khôi phục thị trường khách quốc tế, sẽ mất 2,3 tỷ USD. Thời điểm này tháng 5, tháng 6 nhưng vẫn chưa hồi phục nên dự kiến du lịch Việt Nam mất 5-7 tỷ USD.
"Đối với du lịch nội địa thì sẽ không mất như du lịch quốc tế. Tuy nhiên, tại sao khách du lịch chưa đi du lịch nhiều", ông Thọ đặt câu hỏi.
Theo ông Thọ, nguyên nhân do người dân còn e ngại với dịch, cộng với thực tế có những ca dịch bệnh lâu lâu xuất hiện. Thứ hai là nội dung chương trình dung kích cầu không đến được du khách, kích cầu chỉ nói chung chung chứ chưa làm cụ thể. Trong khi các nơi thành công vì họ làm cụ thể. Ví dụ DN tung ra tour hai đêm ba ngày giá vé may bay bao nhiêu tiền, ở đâu...Thứ ba là ngành du lịch mới thực hiện kích trong cầu ba tuần, thời gian ngắn.
Tuy vậy, khách cao cấp hưởng ứng du lịch kích cầu tốt. Chẳng hạn tại Hồ Tràm Beach vào ngày thường công suất 60%, cuối tuần đạt 70-80%. Còn khách trung cấp tâm lý chờ đợi, khách thu nhập thấp cũng đang chờ đợi.
Theo ông Thọ, để có khách du lịch nội địa thì nội dung kích cầu phải phù hợp với ba đối tượng khách cao cấp, trung lưu, thu nhập thấp. Quan trọng nhất là cần giải quyết tâm lý e ngại dich của du khách.
Ông Thọ đề xuất ngành du lịch TP.HCM nói riêng và du lịch Việt Nam nói chung thành lập nhóm nghiên cứu và hành động. Cụ thể là hình thành nhóm tái cơ cấu ngành du lịch.
"Ví dụ Thái Lan nghiên cứu giai đoạn đầu đón khách quốc tế nào, thị trường nào? Thứ hai hình thành nhóm du lịch nội địa. Thứ ba hình thành nhóm du lịch quốc tế, có nghiên cứu, đề xuất Chính phủ mở cho ai, khi nào mở đón khách quốc tế. Cuối cùng là hình thành nhóm truyền thông gắn chặt với DN", ông Thọ nói.
Quang cảnh buổi tọa đàm phát huy vai trò của truyền thông trong chương trình "Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam- Ảnh: Tú Uyên
Phát động Người Sài Gòn đi du lịch Sài Gòn
Ông Võ Anh Tài, Phó tổng giám đốc Saigontourist Group đề xuất bên cạnh chương trình Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam thì Sở du lịch TP.HCM chủ trì phát động người Sài Gòn đi du lịch Sài Gòn. Du lịch TP.HCM không giống như Nha Trang, Đà Nẵng... là nghỉ dưỡng quốc tế mà là thị trường gửi khách đi khắp nơi.
“TP.HCM có lợi thế là thị trường gửi khách, vậy tại sao chúng ta không có chương trình truyền thông định hướng thu hút người dân sống ở Sài Gòn đi du lịch Sài Gòn. Qua nghiên cứu nhiều năm cho thấy nhiều công nhân, người dân chưa biết nhiều về TP.HCM. Tham gia tour này du khách sẽ khám phá không chỉ lưu trú mà còn có những sản phẩm văn hoá ẩm thực, du lịch đường sông, du lịch sinh thái...”, ông Tài nói.
Đồng thời, ông Tài thống nhất cần truyền thông du lịch TP.HCM an toàn, không chỉ người Việt Nam mà người nước ngoài đang sống ở TP.HCM cảm thấy an toàn ra sao. Hiện nay bộ tiêu chí an toàn đã được ban hành thể hiện sư đảm bảo an toàn cho du khách đi du lịch an toàn. Qua đó, giúp tâm lí du khách không e ngại, có thể đi du lịch tại TP.HCM rồi du khách sẽ đến các tỉnh thành khác.
Bà Võ Thị Ngọc Thuý, Phó giám đốc Sở du lịch TP.HCM chia sẻ với khó khăn mà DN du lịch gặp phải. Đồng thời đánh giá cao một số DN lớn của TP.HCM dù giai đoạn dịch vô cùng khó nhưng không ngủ đông.
Theo bà Thuý, Thái Lan có chiến dịch "We love Thailand" thì TP.HCM sẽ giới thiệu chiến dịch truyền thông “Hello TP.HCM”, tập trung giới thiệu một số sản phẩm mới; tung ra gói kích cầu với sự tham gia của 24 DN với mức giảm 50%. Sở cũng yêu cầu DN không giảm chất lượng.
Đây cũng là chiến dịch quảng bá TP.HCM an toàn đến du khách, nhằm giải quyết vấn đề tâm lý cho du khách. Bên cạnh đó, hiện nay nhiều DN tung ra các gói kích cầu nhưng nếu tâm lý du khách chưa giải toả được thì không hiệu quả.
Do đó, giai đoạn một của chiến dịch Hello TP.HCM mục tiêu kích cầu du lịch nội địa. Với khoảng 10 triệu dân, nếu có 2/3 người dân đi du lịch thì TP.HCM có lượng khách lớn.
Bên cạnh đó, bà Thuý cho biết, Google đồng hành cùng Sở để truyền thông đến thị trường quốc tế ngay khi Việt Nam mở đường bay song phương. “Theo Google, hiện nay tìm kiếm “đi du lịch quốc tế” hạn chế, do đó chúng tôi tập trung du lịch nội địa. Google cam kết đồng hành cùng Sở du lịch và chúng tôi sẽ có chương trình đào tạo DN du lịch trên địa bàn thành phố có thể sử dụng marketing trực tuyến để trên nội dung của Sở, DN du lịch có thể truyền thông đến các thị trường quốc tế”, bà Thuý nói.