Tại cuộc gặp gỡ giữa lãnh đạo TP và DN du lịch năm 2017, các DN nêu những khó khăn cũng như góp ý nhằm giúp cho ngành du lịch TP phát triển.
Đau đầu vì bị nhái thương hiệu
Ông Trần Văn Long, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Truyền thông Du lịch Việt, bức xúc cho biết khi khách hàng tìm kiếm một thương hiệu du lịch uy tín trên mạng sẽ ra rất nhiều đường link dẫn đến website của công ty khác có tên tương tự. Điều này cho thấy các công ty nhỏ đang lợi dụng thương hiệu của công ty lớn, gây nhiễu loạn thông tin cho khách hàng. Nhiều công ty đặt tên gống đến 95% công ty đã có tiếng tăm nhưng vẫn được chấp nhận. Tên gọi các công ty du lịch hiện chưa được quản lý chặt chẽ.
Du lịch TP chưa tương xứng với tiềm năng
Nhiều DN đồng tình sản phẩm du lịch ở TP đang cạn kiệt. Bà Nguyễn Thị Khánh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP.HCM, nhận định cần có điểm nhấn cho các điểm đến. "Một điểm đến hấp dẫn thể hiện độ dài lưu trú, chúng tôi muốn khách đến TP.HCM lưu trú ba ngày nhưng con số này vẫn chưa đạt" - bà nói.
Trong khi đó vấn đề xúc tiến quảng bá du lịch được ông Ngô Minh Đức, Tổng Giám đốc HG Travel, thành viên Hội đồng Tư vấn du lịch Quốc gia, chia sẻ: "Chúng ta cần khách du lịch đến thì phải bỏ tiền làm quảng cáo ở các nước chứ không gói gọn trong nước như hiện nay. Ví dụ Mỹ là trong bốn nước miễn visa, khi làm việc với lãnh sự Mỹ, khách hỏi trang làm visa điện tử là trang nào? Theo tôi, các sứ quán, trang web của TP đều nên marketing trang đó".
Một vấn đề còn bỏ ngỏ trong cạnh tranh du lịch là "lượng khách lặp lại”. Trong khi ở Thái Lan tỉ lệ này là 50%-60% thì Việt Nam chỉ là 20%.
Tổng kiểm tra kinh doanh du lịch trên mạng
Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết đối với vấn đề thương hiệu trùng nhau Sở sẽ kiểm tra và xử lý theo quy định. Phó Chủ tịch UBND Trần Vĩnh Tuyến cho biết những vấn đề ảnh hưởng đến du lịch như giao thông, thuế, giá điện… TP sẽ có hướng giải quyết cụ thể, gỡ bớt khó khăn cho DN.
Rex Hotel là một trong những khách sạn nổi tiếng của TP.HCM.
TP.HCM đang triển khai thuê tư vấn xây dựng chiến lược phát triển du lịch TP tầm nhìn đến năm 2025. Đây không chỉ là tính toán việc phát triển du lịch TP mà chính là định hướng cho các DN biết TP có những thế mạnh chiến lược phát triển nào để đầu tư thích ứng.
“Tuần sau TP có kế hoạch cụ thể tổng kiểm tra các hoạt động kinh doanh du lịch trên mạng nhằm chống hành vi gian lận và giả mạo, vi phạm pháp luật, sẽ xử lý nghiêm nếu phát hiện vi phạm” - ông Tuyến nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM, đặt vấn đề tăng trưởng du lịch sẽ tác động kép đến các ngành khác. Ngành đặt mục tiêu có bảy triệu khách nhưng cái quan trọng hơn là họ sẽ chi dùng bao nhiêu tiền khi ở lại, điều ấy góp phần cho tăng trưởng kinh tế. Du lịch không chỉ giúp quảng bá hình ảnh quốc gia mà còn là điểm tựa cho đất nước hồi phục sau các khó khăn. Ví dụ nguồn thu du lịch của Nhật năm 2015 là hơn 3,4 tỉ USD, tương đương ngành công nghiệp xuất khẩu ô tô nước này. Số tiền ấy đã góp phần giúp khắc phục thảm họa sóng thần năm 2011 của nước này.
Ông Phong đề nghị Sở Du lịch phối hợp chặt chẽ với Hiệp hội Du lịch, phát huy vai trò các ngành nhằm đạt được mục tiêu 15 triệu khách quốc tế đến TP.HCM trong những năm tới; đưa ngành du lịch trở thành kinh tế mũi nhọn. TP cam kết sẽ tạo điều kiện hỗ trợ tốt nhất cho DN lớn mạnh trên sân nhà, vươn ra thế giới.