Du lịch Việt áp dụng công nghệ để vượt khó

Việt Nam (VN) được Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO) xếp nằm tốp 6 trong 10 quốc gia có tốc độ phát triển du lịch nhanh nhất thế giới. Thế nhưng dịch COVID-19 xảy ra đã chặn đứng đà tăng trưởng của ngành du lịch VN với mức bình quân 22,7%/năm trong năm năm qua (2015-2019).

Trong bối cảnh dịch vẫn còn diễn biến phức tạp, năm 2021 ngành du lịch đưa ra những giải pháp nào để vượt qua thách thức? Pháp Luật TP.HCM trao đổi cùng Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu (ảnh) về vấn đề này.

Tiên phong chuyển đổi số để thích nghi

. Phóng viên: Thưa ông, năm 2020 ngành du lịch VN thiệt hại 408.000 tỉ đồng. Vậy năm 2021, chiến lược để du lịch dần phục hồi được đặt ra thế nào?

+ Ông Hà Văn Siêu: Theo dự báo của Tổ chức Du lịch Thế giới thì cuối quý III, quý IV-2021 du lịch quốc tế mới bắt đầu quay lại. Trong bối cảnh như vậy, ngành du lịch VN đã sớm triển khai chương trình hành động phục hồi du lịch sau dịch COVID-19, tập trung vào một số giải pháp theo hướng tái cơ cấu ngành để thích ứng với bối cảnh bình thường mới.

Điển hình như thu hút những dòng đầu tư mới vào điểm đến mới, những dịch vụ và liên kết nhằm hình thành một cấu trúc mới về thị trường sản phẩm, điểm đến. Ngành du lịch cũng lấy người dân, du khách làm trung tâm nhằm đảm bảo quá trình phát triển bền vững.

Song song đó, ngành du lịch tiếp tục đẩy mạnh hợp tác công tư, đẩy mạnh đầu tư ở khu vực tư nhân. Qua đó giúp du lịch VN có một bản sắc riêng, có sức cạnh tranh mới, tạo ra sự khác biệt, đứng vững trước khó khăn cũng như cạnh tranh với du lịch thế giới.

Ngành du lịch cũng tăng cường liên kết giữa các vùng miền để tạo ra chuỗi cung ứng mới. Bởi sự phục hồi của du lịch sẽ tạo ra sự lan tỏa, phục hồi cho các ngành nghề khác và nền kinh tế.

. Để thích ứng với tình hình dịch bệnh, rất nhiều ngành đã thành công với việc chuyển đổi số. Ngành du lịch thì sao, thưa ông?

+ Hiện nay chúng tôi đang khẩn trương đồng bộ quá trình chuyển đổi số trong du lịch. Hơn bao giờ hết, lĩnh vực du lịch sẽ tiên phong trong chuyển đổi số. Cụ thể, Tổng cục Du lịch cùng các địa phương, các công ty đầu tàu thực hiện chuyển đổi số trên mọi mặt nhằm tạo ra cơ sở dữ liệu lớn cũng như phát triển nhiều ứng dụng để du lịch thuận tiện hơn, thông minh hơn.

Bằng việc chuyển đổi số và áp dụng công nghệ, ngành du lịch sẽ đưa ra các chùm tour mới với sản phẩm đa dạng. Người dân tận dụng công nghệ để chọn lựa các sản phẩm hấp dẫn, phù hợp. Hơn nữa, mỗi vùng miền với đặc thù riêng khi kết nối với nhau nhờ ứng dụng công nghệ sẽ tạo nên sự hoàn hảo trong chuỗi cung ứng du lịch.

Ngoài ra, chúng tôi đang theo dõi thường xuyên diễn biến dịch trên thế giới và VN để khi điều kiện có thể sẽ phát động ngay chương trình kích cầu du lịch nội địa; quảng bá VN là điểm đến an toàn, hấp dẫn với du khách quốc tế.

Các công ty du lịch đang tập trung phát triển nhiều sản phẩm mới đa dạng. 
Trong ảnh: Du khách trải nghiệm tour ngắm Sài Gòn trên du thuyền.
Ảnh: TÚ UYÊN

312.000 tỉ đồng là tổng thu từ khách du lịch đạt được năm 2020, giảm 408.000 tỉ đồng so với năm 2019. Bên cạnh đó, trong năm 2020, khách du lịch quốc tế đến VN chỉ đạt 3,7 triệu lượt, giảm 79,5%; khách du lịch nội địa đạt 56 triệu lượt, giảm 34,1%. 

Sáng tạo sẽ quyết định thành công

. Có ý kiến cho rằng nếu tiếp tục chương trình kích cầu du lịch nội địa như năm 2020 sẽ không hấp dẫn du khách, bởi chương trình này chủ yếu là giảm giá tour. Ông nghĩ sao về nhận xét này?

+ Có thể thấy từ khi dịch xảy ra đến nay, nhiều người dân bị giảm thu nhập và “sức khỏe” của các công ty du lịch cũng có hạn. Vì vậy, để thu hút du khách trong tình hình mới, bên cạnh đảm bảo yếu tố an toàn trong chuỗi cung ứng dịch vụ, việc giảm giá tour không còn quan trọng. Nói cách khác, chính việc các công ty sáng tạo, đổi mới để mang đến nhiều sản phẩm đáp ứng cho từng đối tượng khách hàng mới là yếu tố quyết định thành công.

Bởi thực tế cho thấy nhiều người dân thu nhập giảm nhưng vẫn muốn đi du lịch thì các công ty lữ hành cần có sản phẩm phù hợp với đối tượng này. Cũng có những người không bị ảnh hưởng thu nhập, muốn trải nghiệm các khu nghỉ dưỡng cao cấp và có thể làm việc online ngay trong kỳ nghỉ thì các công ty lữ hành cần có sản phẩm đáp ứng đối tượng này.

. Nhưng dịch COVID-19 khiến nhiều công ty du lịch phải rời bỏ thị trường, số còn lại “sức khỏe” rất yếu, nguồn lực có hạn. Vậy cơ quan chức năng làm gì để tiếp sức cho họ vượt qua khó khăn, thưa ông?

+ Thời gian qua Bộ VH-TT&DL, Tổng cục Du lịch đã lắng nghe và tổng hợp các kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp để trình Chính phủ ban hành các chính sách hỗ trợ về tài chính, thuế, điện… Qua đó tháo gỡ một phần khó khăn cho các công ty du lịch.

Tuy nhiên, trong điều kiện hiện nay, điều quan trọng là Nhà nước cần khơi thông thị trường; định hướng thị trường, tránh tình trạng các doanh nghiệp khai thác ồ ạt một thị trường dẫn đến việc cạnh tranh không lành mạnh; thực hiện nghiêm chủ trương không giảm giá quá mức, bán phá giá hoặc quảng cáo không đúng sự thật gây mất niềm tin với du khách.

. Đó là với du lịch nội địa, còn thị trường khách du lịch quốc tế thì sao, thưa ông?

+ Trong giai đoạn này du lịch nội địa đóng vai trò vô cùng quan trọng để các đơn vị trong chuỗi cung ứng như nhà hàng, khách sạn, vận tải… mở cửa hoạt động được.

Song để ngành du lịch phục hồi hoàn toàn thì cần có cả du lịch quốc tế và du lịch nội địa. Hiện nay du lịch quốc tế vẫn chưa thể dự báo trước được điều gì nhưng ngành du lịch sẵn sàng đón khách quốc tế khi điều kiện cho phép.

. Xin cám ơn ông.

Bắt tay với “ông lớn” quảng bá du lịch VN

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu cho hay: Hồi tháng 10-2020, video “Why Not Viet Nam” được phát sóng trên đài CNN nhằm thu hút khách quốc tế sau COVID-19. Đây không phải là lần đầu tiên du lịch VN được quảng bá đến khách quốc tế qua các kênh truyền thông lớn của thế giới.

Mới đây nhất, vào tháng 1-2021, Tổng cục Du lịch phối hợp với Google ra mắt dự án “Google Arts and Culture - Kỳ quan VN”. Tại đây có hơn 1.300 bức ảnh tuyệt đẹp… giúp du khách tìm hiểu lịch sử, văn hóa, ẩm thực VN. Nó cũng mang đến cho du khách cảm giác như đang khám phá những di sản, kỳ quan, điểm đến nổi tiếng của VN.

“Thời gian tới ngành du lịch VN sẽ tiếp tục đẩy mạnh quảng bá đến các thị trường trọng điểm trên các kênh truyền hình lớn thế giới. Bên cạnh đó, chúng tôi đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, mạng xã hội và kinh tế chia sẻ, biến cộng đồng khách du lịch trở thành lực lượng truyền thông đắc lực” - ông Siêu cho hay.


Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

ĐHĐCĐ 2024 Tập đoàn GELEX diễn ra thành công

ĐHĐCĐ năm 2024 Tập đoàn GELEX diễn ra thành công

(PLO)- Sáng 28-3, Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2024 của Công ty cổ phần Tập đoàn GELEX đã diễn ra tại Hà Nội. Với sự đồng thuận và nhất trí cao, Đại hội đã thông qua toàn bộ các báo cáo, tờ trình và nhiều nội dung quan trọng khác.

Giá vàng miếng SJC bất ngờ 'nóng' trở lại

Giá vàng miếng SJC bất ngờ 'nóng' trở lại

(PLO)- Thị trường vàng trong nước có phiên tăng giá thứ hai liên tiếp. Đáng nói là trong khi vàng nhẫn tăng không đáng kể thì vàng miếng SJC lại có bước nhảy vọt, vượt mốc 81 triệu đồng/lượng.