Từ đầu tháng 11-2020 đến nay, các công ty lữ hành đã triển khai bán tour tết với nhiều chương trình khuyến mãi hấp dẫn và đạt được kết quả tích cực. Đang khấp khởi kỳ vọng mùa tết sẽ giúp du lịch sáng sủa hơn sau một năm khó khăn thì dịch COVID-19 bùng phát trở lại.
Trước diễn biến mới này, hàng loạt khách du lịch hủy, trả tour tết. Điều này khiến các công ty du lịch như “ngồi trên lửa”.
Hủy, trả tour vì sợ dịch phức tạp
Bà Nguyễn Nguyệt Vân Khanh, Phó Giám đốc Ban tiếp thị Công ty Du lịch Vietravel, cho biết: Từ ngày 29-1 (18 âm lịch) đến 17-2 (mùng 5 tết), đơn vị có hơn 100 tour, tương đương với hơn 2.500 khách lưu trú hoặc tham quan tại Quảng Ninh. Hiện phần lớn du khách đều muốn hủy và hoãn tour.
“Đối với khách hàng đã đăng ký tour có hành trình tham quan ở Hạ Long khởi hành từ 29-1 trở đi, công ty chủ động liên hệ với khách hàng và thông báo chuyển hướng tuyến tham quan khác thay thế hoặc hoàn bằng coupon du lịch có thời hạn đến 30-4” - bà Khanh thông tin.
Công ty Du lịch Liên Bang cùng chung cảnh ngộ. Ông Từ Quý Thành, Giám đốc công ty này, thông tin trong dịp tết công ty có năm đoàn khách khởi hành từ TP.HCM đi các tỉnh Đông Bắc và Tây Bắc. Hiện các đoàn khách đều muốn hủy tour vì nhận thấy tình hình dịch diễn biến phức tạp nên không dám tiếp tục đi du lịch như đã đăng ký.
Ông Thành nói: “Chúng tôi khuyến khích khách không nên hủy mà hãy đổi hành trình sang các điểm đến khác chưa có dịch, vì nếu hủy tour sẽ phải chịu phạt theo hợp đồng. Một số khách đồng ý chờ đến phút 89 (tức cận tết) nhưng nhiều khách hàng muốn hủy tour và hoàn tiền 100%”.
Lãnh đạo Công ty Du lịch Liên Bang thông tin thêm, trong đợt dịch này các hãng hàng không chưa có thông báo về việc dừng chuyến bay hay đón khách đến các địa phương chưa có dịch. Do đó, việc khách hủy tour là do tự hủy, hãng bay không hoàn tiền cọc lại cho công ty du lịch. Chính vì vậy, các đơn vị du lịch phải đi vay khắp nơi để hoàn trả tiền nhằm đảm bảo uy tín với khách hàng.
“Dịch COVID-19 khiến trong năm qua du lịch rất thê thảm, ai cũng suy nghĩ mùa tết sẽ gỡ gạc, bù đắp được phần nào. Vậy mà dịch bệnh lại giáng tiếp một đòn nặng nữa. Ở thời điểm này, các đơn vị kinh doanh du lịch như cơ thể vốn đã suy yếu đang phải truyền nước biển lại gặp trận dịch mới càng khó gượng lại hơn” - ông Thành thở dài.
Tuy vậy, tình hình tại Công ty Lữ hành Saigontourist có vẻ khả quan hơn. Bà Đoàn Thị Thanh Trà, Giám đốc tiếp thị truyền thông Saigontourist, nêu rõ: Mùa tết năm nay, khi bán tour cho khách, công ty yêu cầu nhân viên thông tin về các chính sách hoàn, hủy tour trong điều kiện có dịch xảy ra. Vì vậy, khách rất bình tĩnh, số khách hàng liên lạc để hủy tour không nhiều.
Bên cạnh đó, tùy theo từng tour mà công ty có chính sách hoàn, hủy, đổi khác nhau nên khách hàng có thể chọn một hành trình khác hoặc hoãn chuyến đi chờ dịp khác…“Trước mắt, chúng tôi đang theo dõi sát tình hình và sẽ linh động giải quyết theo yêu cầu của khách hàng” - bà Trà chia sẻ.
Ngành du lịch tiếp tục gặp khó khăn trước đợt dịch mới. Trong ảnh: Du khách đón năm mới trên du thuyền tại sông Sài Gòn. Ảnh: TU
Cấp tốc hỗ trợ du lịch
Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM Nguyễn Thị Ánh Hoa cho biết sở đã có công văn gửi các cơ quan chức năng về việc hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Cụ thể, sở đã ghi nhận phản ánh của các công ty lữ hành về việc du khách hủy hàng loạt chương trình du lịch đến các địa phương có dịch bệnh. Thậm chí, ngay cả chương trình du lịch đến những địa phương chưa có dịch cũng bị hủy.
Bên cạnh đó, hầu hết khách hàng yêu cầu các công ty lữ hành hoàn tiền 100%; chỉ có một số khách đồng ý hoãn chuyến đi vào một thời điểm thích hợp khác khi dịch bệnh được khống chế.
“Các công ty kinh doanh dịch vụ lữ hành đang chịu áp lực rất lớn khi thực hiện hoàn tiền cho khách. Ngược lại, họ lại không được hoàn trả các khoản ứng trước, đặt cọc hoặc các khoản đã thanh toán dịch vụ cho các nhà cung ứng như vận chuyển, lưu trú, nhà hàng, đặc biệt là các hãng hàng không” - bà Hoa nhấn mạnh.
Trước khó khăn kép trên, Sở Du lịch TP.HCM kiến nghị các đơn vị liên quan, đặc biệt các tỉnh, thành có dịch bệnh hỗ trợ các công ty lữ hành được hoàn tiền cọc; chuyển cọc sang thời gian thích hợp trên tinh thần thỏa thuận hợp tác và cùng chia sẻ tổn thất, thiệt hại, cùng nhau vượt khó trong giai đoạn này.
Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP.HCM Nguyễn Thị Khánh cũng cho hay trước những thiệt hại dồn dập và nặng nề, nguyên vọng của các công ty du lịch TP.HCM là được miễn hoặc giảm 50% thuế giá trị gia tăng đến hết năm 2021; miễn tiền thuê đất trong năm 2021 và 2022; tạo điều kiện cho các công ty du lịch tiếp cận gói vay ưu đãi lãi suất 0% để giữ chân người lao động cũng như đẩy nhanh tiến độ phục hồi.
Bên cạnh đó, các công ty du lịch mong muốn được kéo dài thời gian trả nợ ngân hàng đến hạn để không rơi vào phát sinh nợ xấu; giảm giá điện đối với các cơ sở kinh doanh nhà hàng, khách sạn trong năm 2021; cho phép công ty du lịch, người lao động chậm nộp bảo hiểm xã hội năm 2021 đến hết tháng 6-2022; đối với mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng, tăng tỉ lệ thay thế từ 60% lên 80%...
“Đây là nguyện vọng tha thiết của nhà kinh doanh, hiệp hội. Rất mong nhận được sự hỗ trợ từ cơ quan quản lý nhà nước và các ngành chức năng kịp thời đề xuất Chính phủ nhằm tiếp sức cho doanh nghiệp vượt khó” - bà Khánh tha thiết đề nghị.
Khó khăn vẫn phải đóng đủ thuế Hiệp hội Du lịch TP.HCM đánh giá thời gian qua, các chính sách ứng phó của Chính phủ với đại dịch đã thu được nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, thực tiễn triển khai cho thấy vẫn đang phát sinh một số bất cập, hạn chế. Cụ thể, các doanh nghiệp du lịch trong đợt dịch tháng 3-2020 được áp dụng quy định giãn thời gian nộp thuế giá trị gia tăng sáu tháng, hiện nay vẫn phải đóng đủ, đúng thời gian. Đối với thuế thu nhập doanh nghiệp, do hoạt động lỗ nên cũng không áp dụng chính sách này. Đối với thuế thu nhập cá nhân cũng chưa nhận được chính sách hỗ trợ nào, vẫn phải đóng đủ và đúng thời gian. Đối với bảo hiểm xã hội, hiện Nhà nước cho giãn nộp với điều kiện phải cắt giảm trên 50% lao động, công ty nào không cắt giảm lao động thì xem như vẫn đóng bình thường. Ngoài ra, việc giảm giá điện đối với cơ sở kinh doanh nhà hàng, khách sạn chỉ áp dụng đến hết năm 2020. Nghĩa là ở thời điểm hiện nay họ vẫn phải đóng đầy đủ… Trước những thiệt hại nặng nề bởi dịch, Hiệp hội Du lịch TP.HCM kiến nghị các ngành chức năng có chủ trương linh hoạt hơn nữa để các doanh nghiệp cầm cự vượt qua đại dịch. |