Du lịch y tế TP.HCM: Tiềm năng tỉ đô chờ khai thông

(PLO)- Để du lịch y tế phát triển mạnh mẽ, ngành du lịch TP.HCM cần liên kết với các ngành khác, tăng cường quảng bá truyền thông và cần có chính sách phù hợp hơn.

Các chuyên gia đánh giá TP.HCM nói riêng và Việt Nam nói chung rất có tiềm năng và điều kiện để triển khai du lịch y tế. Tuy nhiên, đến nay ngành du lịch vẫn chưa khai thác hết thế mạnh của loại hình du lịch này.

Thiếu lựa chọn và chất lượng

Cục Du lịch quốc gia Việt Nam cho biết lượng khách du lịch đến Việt Nam khám chữa bệnh tăng dần theo mỗi năm, doanh thu khoảng 2 tỉ USD/năm. Trung bình mỗi năm có khoảng 300.000 khách nước ngoài đến khám chữa bệnh, trong đó có tới 40% lượng khách tập trung tại TP.HCM.

ThS Nguyễn Quốc Thệ, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Y dược Vạn Hạnh, nhận định để du lịch y tế phát triển, ngành chức năng cần thực hiện có bài bản để tạo sự chuyên nghiệp. Bởi hiện tại không có trường đào tạo chuyên ngành về du lịch sức khỏe hay du lịch trị liệu, cũng chưa có mã ngành đào tạo về lĩnh vực này.

Với lợi thế trên, Sở Du lịch TP.HCM đã kết nối với hơn 50 đơn vị là bệnh viện (BV), công ty lữ hành… để triển khai hơn 30 sản phẩm du lịch y tế. Điểm chung của các sản phẩm là sử dụng dịch vụ chăm sóc sức khỏe tại các BV uy tín; ăn uống, mua sắm, nghỉ dưỡng kết hợp tham quan các di tích, điểm đến nổi tiếng của TP.

Ông Nguyễn Ngọc Tấn, Giám đốc Công ty Saco Travel, thông tin: Công ty đã xây dựng nhiều sản phẩm phù hợp, trong đó có tour du lịch kết hợp khám sức khỏe toàn diện, kết nối các điểm đến Tây Ninh - TP.HCM (Việt Nam) và Phnôm Pênh, Siêm Riệp (Campuchia).

Ông Trần Quang Duy, CEO Công ty CP Chim Cánh Cụt, cho biết công ty đang thiết kế các sản phẩm theo loại hình du lịch nha khoa với tour “Quận 10 ngày tỏa nắng”. Ông Duy cũng cho rằng du lịch y tế ở Việt Nam đang thiếu cả lựa chọn và chất lượng so với tiềm năng sẵn có. Việc thu hút khách trong và ngoài nước lựa chọn tour du lịch y tế không phải là điều dễ dàng.

Cụ thể, về nguồn khách còn rất nhiều hạn chế vì loại hình du lịch này mang tính đặc thù, không phải ai cũng sẵn sàng sử dụng dịch vụ vừa đi du lịch vừa khám chữa bệnh. Dẫn chứng như dòng khách cao cấp thường không đi tour du lịch để chăm sóc sức khỏe hay điều trị bệnh, dòng khách trung bình muốn đến thẳng BV và công ty lữ hành hỗ trợ về di chuyển, nơi ở.

Ngoài ra, chính sách truyền thông quảng bá, sự liên kết giữa điểm đến (cơ sở y tế) với sở, ban ngành chưa có sự thống nhất. Cơ sở y tế có thể phục vụ khách du lịch được lại không được sự ủng hộ của chính quyền, còn những cơ sở y tế đang quá tải thì lại được quảng bá rộng rãi.

P8_hinhbai (1).jpg
Tour du lịch kết hợp tìm hiểu các vấn đề về đông y ở quận 10, TP.HCM. Ảnh: THU TRINH

Gia tăng sự liên kết

Ông Nguyễn Minh Mẫn, Giám đốc tiếp thị - truyền thông Công ty TST Tourist, cho rằng: Để phát triển sản phẩm du lịch y tế cần gia tăng sự liên kết, tập huấn kiến thức cho các BV lẫn các công ty lữ hành; tiếp tục phát triển sản phẩm, đầu tư nâng chất kết hợp quảng bá mạnh tiềm năng du lịch y tế.

Bên cạnh đó, cơ quan chức năng đẩy mạnh truyền thông và du lịch y tế là mục tiêu ưu tiên phát triển như một số nước khu vực Đông Nam Á và châu Á đã thực hiện. Điển hình, Hàn Quốc phát triển chăm sóc sắc đẹp, thẩm mỹ; Singapore phát triển khám, điều trị các bệnh lý...

Về phía các cơ quan y tế, đại diện BV Từ Dũ cho hay đối với loại hình du lịch này, BV sẽ phối hợp với ngành du lịch và thực hiện theo quy trình. Cụ thể, đoàn khách du lịch phải có lịch hẹn trước, BV nắm bắt số lượng đoàn bệnh nhân đến khám để chuẩn bị về cơ sở vật chất, nhân sự, dịch vụ khám...

Trong khi đó, Viện Tim TP.HCM cho biết đã xây dựng kế hoạch phân luồng dành riêng cho du khách tham gia tour du lịch, còn đối với trường hợp điều trị nội trú để phẫu thuật sẽ có kế hoạch cho khách nhập viện theo chương trình. Về quảng bá, BV phối hợp vớicông ty lữ hành truyền thông đến các thị trường tiềm năng như châu Âu, Mỹ, đặc biệt là khách Việt kiều có nhu cầu tầm soát bệnh lý tim mạch.

Bà Bùi Thị Ngọc Hiếu, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM, kỳ vọng: Sở Du lịch rất kỳ vọng các BV, cơ sở y tế, doanh nghiệp lữ hành, cơ sở lưu trú, dịch vụ đạt chuẩn… sẽ tiếp tục học hỏi kinh nghiệm của nước ngoài. Đồng thời, các đơn vị cần nghiên cứu để xây dựng, làm mới và giới thiệu những gói sản phẩm du lịch với dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe hấp dẫn. Để từ đó thu hút thêm nhiều khách du lịch đến TP.HCM trải nghiệm những dịch vụ đẳng cấp.

“Với sản phẩm du lịch y tế, TP.HCM sẽ tập trung vào thị phần du khách tầm trung và cao cấp nhằm tăng trải nghiệm, kéo dài thời gian lưu trú và tăng mức chi tiêu khi kết hợp du lịch nghỉ dưỡng cùng với du lịch y tế” - bà Hiếu nhấn mạnh.•

Kết hợp công nghệ nâng tầm du lịch y tế

Bà Lê Hoàng Yến, Chủ tịch HĐQT Công ty CP TATINA, đánh giá: TP.HCM là trung tâm khám chữa bệnh lớn nhất cả nước, tập trung BV, bác sĩ hàng đầu cả nước. Do đó, TP có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch y tế.

Công ty đã ứng dụng công nghệ vào việc kết nối các BV, bác sĩ gần hơn với người bệnh. Ưu điểm của sàn bán tour du lịch y tế là du khách có nhiều lựa chọn về gói du lịch với nhiều mức giá khác nhau. Thay vì công ty du lịch nhận yêu cầu từ khách hàng thì sàn công nghệ sẽ kết nối trực tiếp khách hàng với nhà cung cấp. Điều này giúp tiết kiệm chi phí nhân sự và thời gian trong quá trình tạo ra các sản phẩm.

P8_hinhBOX.jpg
Du lịch y tế là một trong những loại hình được TP.HCM đẩy mạnh phát triển trong giai đoạn hiện nay. Ảnh: THU TRINH

“Chúng tôi còn kết hợp công ty công nghệ kết nối với du khách có yêu cầu chữa trị đến với 60 bác sĩ, cơ sở cung cấp dịch vụ nhằm cung cấp cho người bệnh các sản phẩm du lịch y tế chỉn chu và chất lượng hơn. Dịch vụ này cũng giúp giải quyết tình trạng quá tải ở các BV trong thời gian qua” - bà Yến nói.

Đại diện Công ty CP Công nghệ du lịch Enet cũng cho rằng phần mềm này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho du khách và giúp TP phát triển theo hướng công nghệ số. Công ty đã kết hợp 30 phòng khám và hơn 200 y bác sĩ trên khắp cả nước tham gia, du khách có thể đặt lịch và làm việc riêng với từng phòng khám, từng bác sĩ phù hợp.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm