Dự luật NDAA 2019 chứa đựng rất nhiều chính sách trực tiếp nhắm vào Trung Quốc (TQ) trong bối cảnh Washington tiến hành cuộc chiến thương mại căng thẳng với Bắc Kinh. Các nguồn lực sẽ được phân bổ để ngăn chặn: (a) Các hoạt động xâm chiếm biển, đảo của TQ trong vùng biển Đông Nam Á; (b) Các hoạt động gián điệp của TQ chống lại Mỹ và quốc tế; (c) Các kế hoạch của TQ làm suy yếu Mỹ.
14 hành động cứng rắn với TQ
Dự luật cho phép cung cấp tài chính cho 14 hành động cứng rắn đối với TQ. Trong đó phải kể đến (1) hỗ trợ sáng kiến ổn định khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương; (2) xây dựng chiến lược rõ ràng về TQ và bắt buộc báo cáo lại cho quốc hội; (3) tăng cường khả năng sẵn sàng của lực lượng phòng vệ Đài Loan; (4) nâng cấp Sáng kiến An ninh hàng hải Đông Nam Á cũ để bao trùm khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Về thực địa, Mỹ sẽ (5) diễn tập phòng thủ tên lửa tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương; (6) tập trận và hợp tác quân sự trong khuôn khổ Tứ giác Kim cương; (7) trao quyền cho Tư lệnh Bộ chỉ huy Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Về hợp tác an ninh, Mỹ (8) giới hạn kinh phí tài trợ cho các chương trình tiếng phổ thông TQ; (9) mở rộng hợp tác quốc phòng và an ninh với Ấn Độ; (10) cho phép chuyển giao tàu hải quân cho Nhật Bản; (11) yêu cầu báo cáo thường niên cho quốc hội về các hoạt động quân sự, hàng hải và hàng không của TQ ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương; (12) cho phép tiếp xúc quốc phòng cao cấp với Đài Loan; (13) hạn chế khả năng của Tổng thống Trump trong việc cắt giảm lực lượng Mỹ tại Hàn Quốc; (14) tăng cường hợp tác phòng thủ tên lửa với các đối tác tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Tổng thống Trump (phải) tiếp tục duy trì thế trận nhắm vào chính quyền ông Tập Cận Bình. Ảnh: AP
Cấm vĩnh viễn tập trận RIMPAC
NDAA cấm TQ tham gia cuộc tập trận hải quân lớn nhất thế giới mang tên “Vành đai Thái Bình Dương” (RIMPAC) cho đến khi Bắc Kinh chấm dứt các hoạt động quân sự hóa ở biển Đông. Lệnh cấm sẽ được dỡ bỏ khi TQ dừng lại tất cả hành động xâm chiếm biển, đảo và loại bỏ các hệ thống vũ khí ra khỏi các tiền đồn biển Đông. Quy định này về cơ bản tương đương với lệnh cấm vĩnh viễn.
Các hoạt động ảnh hưởng đến truyền thông, các tổ chức văn hóa, doanh nghiệp cũng như cộng đồng học thuật và chính sách của TQ cũng sẽ được cân nhắc. Ví dụ, việc dạy tiếng TQ có thể được tài trợ, sẽ hạn chế cho các trường đại học có Viện Khổng Tử. Ủy ban Đầu tư nước ngoài cũng được giao trách nhiệm tăng cường giám sát các khoản đầu tư của TQ và phải báo cáo tác động của các khoản đầu tư này đến lợi ích an ninh quốc gia Mỹ.
Greg Poling, một chuyên gia nghiên cứu TQ tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS), cho biết: “NDAA đã bày tỏ lập trường vốn không thay đổi từ trước giờ của Mỹ - đối đầu với TQ”. Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao TQ Cảnh Sáng nói “Mỹ không được để dự luật chứa đựng những nội dung tiêu cực về TQ thế này trở thành luật”. Vị này nhấn mạnh Mỹ đang liều lĩnh “hủy hoại quan hệ và hợp tác Trung-Mỹ”.
Giữa cuộc chiến thương mại đang ngày càng gay gắt giữa Mỹ và TQ, dự luật quốc phòng mới của Mỹ lại như “đổ thêm dầu vào lửa” quan hệ hai cường quốc. Trong khi đó, với các chính sách rất cụ thể về khu vực châu Á-Thái Bình Dương, mà đặc biệt là biển Đông, Mỹ đang cho thấy một động thái vừa gây sức ép với TQ, vừa thể hiện quyết tâm tăng cường ưu thế và sự hiện diện quân sự của mình ở khu vực.
Đảm bảo sự cơ động của quân đội Mỹ Theo NDAA, tổng cộng 717 tỉ USD được Quốc hội ủy quyền và ưu tiên tài trợ cho Bộ Quốc phòng, bao gồm các hoạt động quân sự và xây dựng, cũng như các quy định cho năm tài chính 2019. NDAA nhắm đến việc hoạt động tăng cường đào tạo - tiến hành 20 đợt luân chuyển tại Trung tâm Huấn luyện chiến đấu, trong đó có bốn đợt cho lực lượng Vệ binh quốc gia. Quân đội cũng được phép tổ chức hai đợt huấn luyện an ninh cấp lữ đoàn một năm, kể cả lực lượng thủy quân lục chiến. Tài trợ cho huấn luyện bay tăng 24,2 triệu USD và gần 83 triệu USD cho các hoạt động đào tạo khác. Ngoài ra, thêm 58,9 triệu USD để cải thiện và hiện đại hóa các cơ sở chiến đấu và thử nghiệm. Đối với không quân, NDAA đề xuất chi 2,8 tỉ USD để mua phụ tùng của không quân, tăng thêm 100 triệu USD riêng cho phụ tùng của lớp máy bay F-35 Joint Strike Fighter. Dự luật cũng chi thêm 65 triệu USD cho chương trình thay thế cánh A-10 và xem xét sử dụng các hợp đồng dài hạn nhằm cân đối chi phí. NDAA cũng yêu cầu hải quân Mỹ phải có kế hoạch sự nghiệp rõ ràng cho các quân nhân. Thời gian đóng tàu ở nước ngoài không được quá 10 năm và mở lại cảng sửa chữa ở Guam nhằm duy trì khả năng sửa chữa tàu ở Tây Thái Bình Dương. Dự luật giúp hỗ trợ tăng tốc đóng tàu sân bay lớp Ford thứ tư, đóng thêm hai tàu chiến bờ biển và hai tàu ngầm tấn công thuộc lớp Virginia trong những năm 2022 và 2023. Xây dựng quân đội hiện đại - tăng chi phí trang bị các trang bị hiện đại như 360 triệu USD cho xe chiến đấu Stryker A1, xe tăng hạng 135 M1 Abrams, 60 xe chiến đấu Bradley, 197 xe đa dụng bọc thép, 38 xe phục hồi cải tiến và 3.390 xe chiến thuật chung, 77 máy bay F-35 Joint Strike Fighter, thêm 85 triệu USD cho các máy bay trực thăng UH-60M Black Hawk, 150 triệu USD cho các yêu cầu phát triển kỹ thuật. |