Nhà Trắng hôm 1-8 (giờ Mỹ) đã lên tiếng xác nhận đang xem xét tăng thuế 25% đối với một danh sách hàng hóa Trung Quốc (TQ) dự kiến lên đến 200 tỉ USD.
Căng thẳng tiếp tục leo thang
Tờ Bloomberg hôm 1-8 cũng cho biết các quan chức thương mại Mỹ và TQ đang nỗ lực khởi động lại các cuộc đàm phán để ngăn chặn một cuộc chiến tranh thương mại toàn diện. Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin và Phó Thủ tướng TQ Lưu Hạc dự kiến sẽ có cuộc gặp riêng nhằm tìm kiếm các biện pháp đàm phán giữa hai bên. Hai quan chức cao cấp cho biết hiện chưa có quyết định về lộ trình đàm phán cụ thể, các vấn đề cần thảo luận và mô hình các cuộc đàm phán. Tuy nhiên, cả Mỹ và TQ đều đồng thuận nguyên tắc chung rằng cần phải tổ chức nhiều hơn các chương trình thảo luận song phương.
Tuy nhiên, khi nỗ lực tái kết nối đàm phán chưa thành thì ông Trump đã tung ra thông báo áp thuế 200 tỉ USD. Tổng thống Mỹ dọa “Nếu TQ có hành động trả đũa, sẽ có thêm 400 tỉ USD hàng hóa của nước này bị đánh thuế”. Động thái này, sau khi Mỹ đình chiến với EU, cho thấy ông Trump quyết nhắm vào đại kế hoạch “Made in China 2025” nói riêng và hệ thống thương mại bị cho là “thiếu công bằng” của TQ nói chung. Bloomberg dẫn lời một số nguồn tin thân cận với Mỹ cho rằng Nhà Trắng đang dồn ép Bắc Kinh nhằm đạt được một số nhượng bộ và nếu TQ chấp thuận thì ông Trump sẽ ngừng đánh thêm thuế; trái lại, rất có khả năng căng thẳng tiếp tục leo thang.
Một ngày trước khi Mỹ ra thông báo kế hoạch 200 tỉ USD, phía TQ khẳng định các hành vi “tống tiền và gây áp lực” sẽ không bao giờ có hiệu quả với TQ. Các nhà hoạch định chính sách TQ cho thấy họ sẽ tập trung nhiều hơn vào việc hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế như một đối sách, qua đó cho thấy phần nào sự “bế tắc” trong giải pháp trả đũa mà Bắc Kinh áp dụng với Washington.
Bộ Thương mại TQ hôm qua (2-8) tuyên bố TQ đã chuẩn bị đầy đủ và sẽ phải “trả đũa” để bảo vệ vị thế quốc gia cũng như các lợi ích của nhân dân nước này; bảo vệ nền thương mại tự do và hệ thống (quốc tế) đa phương, đồng thời bảo vệ các lợi ích chung của tất cả quốc gia. Cơ quan này khẳng định “chiến thuật cây gậy và củ cà rốt” (đe dọa và mua chuộc) nhằm thay đổi hành vi của phía TQ sẽ không đạt được kết quả.
Mỹ và Trung Quốc đang dần bước vào một cuộc chiến thương mại toàn diện. Ảnh: INTERNET
Vượt ranh giới “cuộc chiến thương mại”
Căng thẳng Mỹ-Trung đến nay đã vượt qua giới hạn cả một cuộc mâu thuẫn thương mại. Nó bao hàm cả cuộc chiến về bản sắc. Trong tình hình hiện nay, sẽ khó có một thỏa hiệp có thể làm hài lòng cả Mỹ và TQ.
Về phía Mỹ, ông Trump vẫn đang trên đường hiện thực hóa lời hứa ứng cử “khiến nước Mỹ vĩ đại trở lại” mà đối trọng TQ là một phần quan trọng trong lời hứa đó. Cuộc chiến với Bắc Kinh càng quan trọng với ông Trump khi bầu cử giữa kỳ sẽ diễn ra trong vòng 100 ngày sắp tới. Ông Trump dường như quan tâm quá nhiều đến các phân tích quá phức tạp trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế Mỹ quý II đạt kỷ lục kể từ năm 2014. Khi mối quan hệ với EU được xoa dịu, càng có đủ lý do và động lực để ông tấn công vào Bắc Kinh. Những gì đã diễn ra đối với TQ thời gian qua cho thấy không phải lúc nào tuyên bố cứng rắn trên Twitter của ông Trump cũng chỉ là những “đòn gió”.
Trong khi đó, ông Tập cũng vướng vào thế trận “không thể quay đầu”. Bản sắc “giấc mộng Trung Hoa” được ông Tập xây dựng từ khi trở thành lãnh đạo khó có thể khiến ông chần chừ hoặc lép vế trước những đe dọa của người đồng cấp Mỹ. Tất nhiên, TQ yếu thế hơn trong việc trả đũa bằng phương pháp đánh thuế vì TQ là nước xuất khẩu với thặng dư vượt xa Mỹ. Nhưng tình hình TQ và tác động kinh tế thực tế cho phép ông Tập đối phó Mỹ để bảo đảm các “quyền lợi cốt lõi” của nước này.
Bên cạnh đó, là một trung tâm sản xuất của thế giới, TQ đóng vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng hàng hóa của các doanh nghiệp (DN), bao gồm cả Mỹ. Nếu lệnh đánh thuế 200 tỉ USD của Mỹ có hiệu lực, về mặt lý thuyết, tăng trưởng GDP của TQ có thể giảm 1,7%. Nhưng trong đó có rất đông sự góp mặt của các DN Mỹ tại TQ nên thiệt hại ước tính mà TQ phải chịu chỉ là 0,43%. Cùng với các thiệt hại liên quan, TQ có thể mất đi 1,12% tăng trưởng GDP. Con số này là hoàn toàn có thể chấp nhận được với một quốc gia tăng trưởng nóng hằng năm như TQ.
TQ còn có thể dùng các biện pháp chống lưng DN nội, chống lại các DN Mỹ hoạt động tại TQ, siết chặt dịch vụ du lịch từ TQ qua Mỹ, tác động vào giá đồng nhân dân tệ để điều chỉnh xuất khẩu, bán trái phiếu nợ của Mỹ và thậm chí là can dự mạnh vào vấn đề Triều Tiên - một mục tiêu quan trọng của Mỹ.
Sẽ không có thỏa thuận nào giữa Mỹ và TQ nhằm ngừng cuộc chiến thương mại trước năm 2019. KRISHNA GUHA, Phó Chủ tịch Tổ chức nghiên cứu tài chính Evercore ISI tại Anh |