Theo dự thảo, “nạn nhân là người được cơ quan có thẩm quyền xác định bị mua bán trong vụ án mua bán người”. Bà Nguyễn Thị Hồng Hạnh, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, cho rằng nếu chỉ khu hẹp trong giới hạn “các vụ án mua bán người” thì quá hẹp. Bà Hạnh dẫn báo cáo Bộ Công an cho thấy có 60% nạn nhân được nhận diện khi giải thoát trở về - họ được thừa nhận là nạn nhân trong khi số nạn nhân chính thức theo vụ án chỉ là 15%.
Dự thảo quy định người được coi là nạn nhân trong vụ mua bán người phải có một trong những giấy tờ: giấy tờ của cơ quan có thẩm quyền điều tra xác nhận người đó là người bị hại trong vụ án mua bán người; bản kết luận của cơ quan điều tra; bản cáo trạng của VKS; bản án, quyết định của tòa án…
Nạn nhân trong vụ mua bán người sẽ được hỗ trợ các nhu cầu thiết yếu như chỗ ở tạm thời, ăn, mặc và các vật dụng cá nhân cần thiết khác. Nếu có nguyện vọng trở về địa phương thì được hỗ trợ tiền tàu xe và tiền ăn trong thời gian đi đường. Ngoài ra, nạn nhân còn được hỗ trợ chi phí khám, chữa bệnh; được hỗ trợ pháp lý; được trợ cấp khó khăn ban đầu và hỗ trợ vay vốn…
Theo dự thảo, người đến khai báo về việc mình là nạn nhân bị mua bán trong nước hoặc từ nước ngoài tự trở về thì UBND cấp xã là cơ quan đầu mối trong việc tiếp nhận, hỗ trợ ban đầu trong trường hợp cần thiết.
ĐỨC MINH