Dự thảo thi tốt nghiệp 2025: Phù hợp với chương trình mới

(PLO)- Các giáo viên tại TP.HCM đánh giá dự thảo phương án thi tốt nghiệp THPT đến năm 2025 phù hợp với việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Vừa qua, Bộ GD&ĐT đã công bố dự thảo phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 để lấy ý kiến xã hội.

Tán thành lịch sử là môn thi bắt buộc

Trong dự thảo có nội dung đáng chú ý lịch sử là môn thi bắt buộc.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 dự kiến giữ ổn định như năm 2022 và diễn ra vào cuối tháng 6, thay vì đầu tháng 7 như các năm trước. Cụ thể: Ngày 27-6, thí sinh làm thủ tục dự thi; ngày 28 và 29-6 thí sinh làm bài thi; ngày 30-6 dự phòng.

Là giáo viên (GV) dạy lịch sử, thầy Thiều Quang Thịnh, GV Trường THPT Long Thới, huyện Nhà Bè, bày tỏ niềm vui khi lịch sử có thể thành môn thi bắt buộc trong thời gian tới.

Theo thầy Thịnh, phương án này phù hợp và đúng với mục tiêu chương trình giáo dục phổ thông 2018 coi trọng giáo dục lịch sử.

“Phương án này khá hay và không gây áp lực cho thí sinh vì ngay từ lớp 10, các em đã được giáo dục định hướng. Với chương trình học hiện nay, các em hoàn toàn tự tin đáp ứng yêu cầu của kỳ thi tốt nghiệp THPT. Theo tôi nghĩ, từ sau năm 2025, tính chất của kỳ thi tốt nghiệp sẽ không còn áp lực như hiện nay. Thay vào đó, kỳ thi đánh giá năng lực hoặc kỳ thi riêng của các trường ĐH mới là điều các em đáng quan tâm hơn” - thầy Thịnh nói thêm.

Đồng tình, bà Hoàng Thị Hảo, Hiệu trưởng Trường THPT Đào Sơn Tây, TP Thủ Đức, cho rằng nếu không cho học sinh học lịch sử, không đưa lịch sử vào các kỳ thi thì rất khó để khiến các em yêu thích môn học quan trọng này.

“Việc tổ chức kỳ thi với bốn môn bắt buộc và hai môn tự chọn không gây áp lực vì hiện tại các em cũng đang thi sáu môn, chỉ có điều ba môn bắt buộc và ba môn tự chọn. Khi lịch sử là môn bắt buộc, kiến thức sẽ phổ thông hơn, không nặng như khi lịch sử là môn lựa chọn trong tổ hợp khoa học xã hội hiện nay” - bà Hảo nói thêm.

ThS Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và quan hệ doanh nghiệp, Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, góp ý cần phải đổi mới việc ra đề thi lịch sử bằng cách tăng những câu hỏi mang tính suy luận, hạn chế yêu cầu thí sinh phải nhớ số liệu, dữ kiện quá nhiều. Đồng thời, trường học cũng phải thay đổi cách giảng dạy môn học này vì đây là môn học rất hay, rất cần thiết nhưng vì cách học còn nặng về học thuộc dữ liệu khiến khó thu hút học sinh.

Thi trên máy tính là xu hướng tất yếu

Ông Sơn cũng ủng hộ việc thi tốt nghiệp THPT trên máy tính. Đầu tiên là tỉnh, huyện nào có điều kiện thì thi tốt nghiệp trên máy tính trước, địa phương nào chưa có điều kiện thì thực hiện sau. Tuy nhiên, đến năm 2030, nội dung này nên được bắt buộc cho tất cả thì các tỉnh mới tập trung đầu tư thiết bị, phần mềm để tổ chức thi.

“Khi tổ chức thi, việc xây dựng ngân hàng đề thi phải phong phú, có tính mở, thời sự và chính xác. Định kỳ hằng năm, Bộ GD&ĐT rà soát xét lại ngân hàng đề thi, tìm kiếm những chuyên gia, những GV giỏi để đánh giá đề thi và đưa vào ngân hàng đề, từ đó có bộ đề thi chất lượng” - ông Sơn nói thêm.

Một tiết học của học sinh lớp 12 Trường THPT Nguyễn Du, quận 10. Ảnh: TP
Một tiết học của học sinh lớp 12 Trường THPT Nguyễn Du, quận 10. Ảnh: TP

Tương tự, ông Võ Nu, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Hữu Cầu, huyện Hóc Môn, cho biết việc tổ chức thi trên máy tính là phù hợp với xu hướng hiện nay. Tuy nhiên, ngay từ bây giờ các địa phương cần phải đầu tư về cơ sở hạ tầng cũng như hệ thống mạng thì mới có thể thực hiện được.

Trong khi đó, bà Hảo lại băn khoăn: “Việc tổ chức thi trên máy tính trong giai đoạn 2025-2030 cần phải tính toán kỹ và chuẩn bị chu đáo vì phụ thuộc nhiều yếu tố. Bởi hiện nay, nhiều trường còn chưa cho học sinh thi trên máy tính được thì làm sao vài năm nữa có thể tổ chức thi cấp ngành”.

Còn ông Hoàng Sơn Hải, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Chí Thanh, quận Tân Bình, TP.HCM, cho rằng nên đưa kỳ thi tốt nghiệp THPT về cho các tỉnh, thành thực hiện, coi như là hoàn thành bậc phổ thông. Trong trường hợp nếu Bộ GD&ĐT tổ chức kỳ thi chung nên sớm công bố phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 để ngành giáo dục, thầy cô, phụ huynh, học sinh nắm, tránh gây hoang mang, bất ngờ.

Hơn nữa, việc công bố sớm cũng giúp các địa phương chuẩn bị về mặt cơ sở vật chất, trang thiết bị vì thực tế nếu tổ chức thi trên máy tính thì nhiều địa phương đang gặp khó về phương tiện. Học sinh, GV cũng cần được biết sớm cấu trúc đề thi để có phương án xây dựng ngân hàng câu hỏi ôn tập phù hợp.

“Việc tổ chức thi trên cơ sở kế thừa những thành công của kỳ thi tốt nghiệp được xây dựng và thực hiện từ năm 2020 đến nay. Đồng thời thực hiện theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 với mục tiêu nhằm giúp học sinh củng cố và phát triển những kết quả của giáo dục THCS, hoàn thiện học vấn phổ thông...” - ông Hải góp ý.

Thí điểm thi tốt nghiệp THPT trên máy tính giai đoạn 2025-2030

Kỳ thi tốt nghiệp THPT gồm các môn học bắt buộc là văn, toán, ngoại ngữ, lịch sử (đối với giáo dục phổ thông); ngữ văn, toán, lịch sử (đối với giáo dục thường xuyên) và các môn lựa chọn ở bậc THPT gồm: Vật lý, hóa học, sinh học, địa lý, giáo dục kinh tế và pháp luật, tin học và công nghệ.

Môn ngữ văn, thí sinh thi tự luận, các môn còn lại thi trắc nghiệm.

Giai đoạn 2025-2030, vẫn giữ phương thức thi trên giấy đồng thời tăng cường ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin, từng bước thí điểm trên máy tính đối với các môn thi trắc nghiệm ở các địa phương có đủ điều kiện (có thể kết hợp giữa thi trên giấy và trên máy tính).

Giai đoạn sau năm 2030, phấn đấu đến khi tất cả địa phương có đủ điều kiện tổ chức thi trên máy tính sẽ chuyển sang tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT trên máy tính đối với các môn thi trắc nghiệm.

(Theo dự thảo phương án tổ chức thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm