Lái xe công nghệ có phải đối tượng tham gia BHXH bắt buộc ?

(PLO)- Bộ LĐ-TB&XH cho biết lái xe công nghệ hiện rất đông, sẽ tiếp tục nghiên cứu để xem xét đưa nhóm này vào tham gia BHXH bắt buộc.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Trong dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) đang lấy ý kiến, Bộ LĐ-TB&XH đề xuất bổ sung một số đối tượng tham gia BHXH bắt buộc.

Cụ thể, cơ quan soạn thảo đề xuất bổ sung đối tượng tham gia là người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ một tháng (quy định hiện hành là đủ ba tháng), kể cả trường hợp hai bên thỏa thuận bằng tên gọi khác (biên bản, giao kèo) nhưng nội dung thể hiện về việc làm có trả công, tiền lương và sự quản lý, điều hành, giám sát của một bên.

Bộ LĐ-TB&XH cũng bổ sung đối tượng tham gia là người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn; chủ hộ kinh doanh, người quản lý doanh nghiệp, người quản lý, điều hành hợp tác xã không hưởng tiền lương, người lao động làm việc không trọn thời gian.

Hiện nay có hàng nghìn tài xế lái xe công nghệ chưa thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc. Ảnh: V.LONG

Hiện nay có hàng nghìn tài xế lái xe công nghệ chưa thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc. Ảnh: V.LONG

Góp ý cho đề xuất trên, đại diện BHXH Việt Nam cho rằng việc xác định đối tượng tham gia BHXH bắt buộc như dự luật vẫn còn chưa cụ thể, gây khó khăn cho cơ quan BHXH thực hiện khi xác định đối tượng tham gia BHXH bắt buộc. Điển hình như đội ngũ lái xe taxi công nghệ, các đại lý chuyên nghiệp, thuộc đối tượng tham gia, nhưng hiện nay giao kết hợp đồng kinh tế, dân sự lại không thuộc đối tượng đóng BHXH bắt buộc.

“Đây là những trường hợp đang có dấu hiệu “lách luật” để trốn đóng BHXH bắt buộc…”- BHXH Việt Nam nhận định.

Còn một số chuyên gia trong lĩnh vực an sinh – xã hội, cho rằng quy định như trên vẫn bỏ sót một lượng lớn người lao động lái xe công nghệ. Vì hiện nay, hàng trăm nghìn tài xế chạy Grab, Gojek, Be, Baemin.. hầu như không ai được tham gia BHXH, bảo hiểm y tế, trong khi đây là nghề nguy hiểm, thường xuyên đối diện rủi ro trên đường.

Trả lời PLO về vấn đề này, ông Nguyễn Duy Cường, Phó Vụ trưởng vụ BHXH (Bộ LĐ-TB&XH), cho biết hiện đã có nước buộc các công ty công nghệ phải đóng BHXH cho tài xế, tuy nhiên mô hình này chưa được nhân rộng vì nhiều nguyên nhân.

Còn tại Việt Nam, vừa qua Bộ Tư pháp có báo cáo Thủ tướng về vấn đề trên và cho rằng “rất khó để coi lái xe công nghệ là quan hệ lao động”, tức là chưa xác định ai là người sử dụng lao động và người lao động. “Tuy nhiên, vấn đề này hiện chúng tôi đang tiếp tục nghiên cứu, đánh giá để tăng tính bao phủ của chính sách BHXH…”- ông Cường cho hay.

Cũng theo Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội, trong dự luật, ban soạn thảo đã cập nhật thêm các quy định mới của Bộ luật Lao động 2019, trong đó có quy định tất cả các trường hợp, cho dù có thỏa thuận tên khác, không gọi là hợp đồng lao động nhưng có các tiêu chí nhận diện là quan hệ lao động vẫn thuộc trách nhiệm tham gia BHXH bắt buộc.

“Đây là tinh thần mới của Bộ luật Lao động và lần này được thể hiện cụ thể trong dự luật này”- ông Cường nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm