Dự thảo thông tư hướng dẫn mới về thuế: Quá rối

Ngày 22-3, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VN) - VCCI phối hợp với Tổng cục Thuế tổ chức hội thảo về dự thảo Thông tư hướng dẫn Nghị định 126/2020 về quản lý thuế. “Khi nhận được dự thảo thông tư, tôi rất choáng vì nội dung rất đồ sộ” - ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI, mở đầu hội thảo. 

Điều ông Tuấn nói là có cơ sở bởi dự thảo thông tư có tới 11 chương, 98 điều; chứa đựng rất nhiều nội dung và tác động rất nhiều đối tượng. Điều đó cũng giải thích vì sao ngay cả các chuyên gia về thuế cũng thấy… khó hiểu. 

Người dân và doanh nghiệp làm thủ tục thuế tại Cục Thuế TP.HCM.
Ảnh: HOÀNG GIANG

Liệu có thu được thuế từ YouTube, Facebook, Amazon 

Một trong những nội dung đáng chú ý trong dự thảo thông tư này là quy định: Các tổ chức, cá nhân có trách nhiệm trong việc đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng số như YouTube, Facebook, Amazon…

Bà Virginia Foote, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Hoa Kỳ tại VN (AmCham), tỏ ra băn khoăn khi cho rằng quy định này tạo ra mạng lưới phức tạp về thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng, thu nhập khấu trừ… Trong khi đó, dự thảo thông tư lại chưa giải quyết sự khác nhau giữa các hiệp định thuế mà VN đã tham gia ký kết.

“Chúng tôi cũng băn khoăn khái niệm: Hiệp định về thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng số. Theo chúng tôi, khái niệm này quá rộng… Rất mong các quy định trong thông tư này không đi ngược với các điều khoản trong nước quy định thế nào là cơ sở thường trú, chuẩn mực thuế quốc tế, các điều khoản VN đã ký” - đại diện AmCham nói.

Về trách nhiệm nhà cung cấp nước ngoài phải kê khai và nộp thuế trong dự thảo, đại diện AmCham đề nghị Tổng cục Thuế làm rõ quy định hiện tại và quy định tại dự thảo đối với nhà thầu nước ngoài để áp dụng nhất quán, đồng thời kiến nghị các nhà cung cấp nước ngoài được bảo hộ thì không có nghĩa vụ thuế thu nhập doanh nghiệp và không phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp tạm nộp.

“Các hội viên trong AmCham hoạt động ở nhiều quốc gia nên chúng tôi mong quy định có tính liên tục, đơn giản để tuân thủ, bởi hiện tại chi phí tuân thủ thuế ở VN đã khá cao. Mong rằng khái niệm mới trong thông tư phải tường minh để tuân thủ và giảm tối đa tính phức tạp và không rõ ràng của quy định” - đại diện AmCham nói.

Bà Đỗ Khánh Ly, Liên minh Internet quốc tế AIC, cho rằng: Do tiến trình soạn thảo đang căng nên có thể dời lại chương này (đánh thuế hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng số - PV), chưa ban hành vội để thảo luận thêm. Theo đó, chỉ yêu cầu các nhà cung cấp nước ngoài nộp thuế giá trị gia tăng, còn thuế thu nhập doanh nghiệp thì nên áp dụng khi có sự hòa hợp với khung thuế toàn cầu của các nước G20 và Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) mà VN là thành viên. Khung thuế này dự kiến sẽ được hoàn thành giữa năm 2021.

Phản hồi, ông Lưu Đức Huy, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế, Tổng cục Thuế, cho biết ghi nhận các ý kiến góp ý. Tuy nhiên, ông Huy cũng cho hay: “Nội dung liên quan tới kinh doanh thương mại điện tử và nhà cung cấp nước ngoài chúng tôi sẽ rà soát lại, kể cả với nhà thầu nhưng vẫn phải đảm bảo quyền đánh thuế của nước chủ nhà. Các hiệp định quốc tế cũng quy định về chống xói mòn thuế”.

Tập đoàn dầu khí… tá hỏa

Đại diện cho Tập đoàn Dầu khí quốc gia VN (PVN), bà Nguyễn Tuấn Anh cho biết tập đoàn “bất ngờ lớn” khi dự thảo được công bố. Bà cho hay trước đây ngành dầu được áp dụng cơ chế thuế khác biệt theo Thông tư 36/2016 và Thông tư 56/2008, trong đó quy định nộp thuế bằng tiền đồng bán hàng tại thời điểm bán.

“Doanh nghiệp, nhà thầu dầu khí bán được hàng và thu vào đồng tiền nào thì nộp cho chủ nhà đồng tiền đó. Điều này thực hiện đã lâu và rất thuận lợi. Dầu khí khác với ngành khác là hợp đồng mua bán khí rất phức tạp: Thăm dò, vận chuyển qua đường ống, bán cho người mua, bán cho EVN và EVN bán cho người tiêu dùng. Giá bán được Chính phủ phê duyệt” - đại diện Tập đoàn Dầu khí quốc gia VN cho biết.

Bà Tuấn Anh cũng cho biết trong hợp đồng với các nhà thầu bao gồm điều khoản đảm bảo quyền lợi cho họ. Khi thay đổi chính sách thì họ có quyền đàm phán lại để đảm bảo quyền lợi của mình. Tuy nhiên, trong dự thảo mới, nghĩa vụ thuế mới đều áp dụng bằng ngoại tệ, trừ thuế xuất khẩu.

“Không hiểu sao lại thay đổi đồng tiền nộp thuế? Họ thu tiền là tiền đồng, nếu quy định nộp thuế bằng USD thì họ phải đi mua để nộp thuế. Điều này sẽ ảnh hưởng tới chi phí, thời gian đi mua, cũng như ảnh hưởng tới hiệu quả làm việc của họ” - bà Tuấn Anh nói.

Đại diện Tập đoàn PVN thông tin thêm: Ngay sau khi có dự thảo, các nhà thầu dầu khí đã nghiên cứu và lập tức phản hồi tới tập đoàn và Tổng cục Thuế. Họ yêu cầu tập đoàn phải thay đổi nội dung hợp đồng để đảm bảo quyền lợi.

“Nếu thông tư giữ nguyên điều khoản như dự thảo thì dẫn tới tất cả hợp đồng phải điều chỉnh, trong đó có những hợp đồng đã đàm phán 7-10 năm mới đi đến thống nhất. Đề nghị xem xét có nhất thiết bắt họ nộp bằng ngoại tệ không. Vì về bản chất, không khác gì khi họ cũng nộp theo tỉ giá quy định” - bà Tuấn Anh nhấn mạnh.

Phản hồi, bà Lê Thị Duyên Hải, Vụ trưởng Vụ Kê khai và kế toán thuế, Tổng cục Thuế, cho biết: Tổng cục Thuế ghi nhận ý kiến đóng góp và sẽ có buổi làm việc trực tiếp với PVN, các đơn vị có vướng mắc tương tự liên quan tới việc kê khai và quyết toán thuế bằng ngoại tệ như dự thảo đã đưa ra.

Dự thảo thông tư hướng dẫn mới về thuế: Quá rối ảnh 2
 

Nguyên phó cục trưởng thuế cũng không hiểu được

Các đại biểu cho rằng: Nếu không đọc kỹ và không có người hướng dẫn thì sẽ rất dễ xảy ra tình trạng đọc trước quên sau đối với dự thảo thông tư này. Bà Hà Thị Tường Vy, Phó Chủ tịch Hiệp hội Kế toán và Kiểm toán VN, nói “Bản thân tôi đọc mãi cũng không thể hiểu hết” và kiến nghị nên tách thành hai thông tư. 

Ông Hoàng Đàm, Hội Các nhà quản trị doanh nghiệp VN, rào đón rằng mình góp ý mang tính xây dựng. “Hình thức thông tư chưa phù hợp với tình hình thực tế, tính khả thi chưa cao, khó đi vào đời sống. Nội dung quá phức tạp, điều chỉnh nhiều nội dung nhưng chưa thật sự rõ ràng” - ông Đàm nói. 

Ông Đàm nói tiếp: “Doanh nghiệp rất cần có thông tư về thuế nhưng thông tư quá phức tạp thì chúng tôi rất khổ. Tôi mong muốn ban soạn thảo giảm bớt sự cồng kềnh, phức tạp để thông tư ngắn gọn, dễ hiểu, có tính khả thi để dễ đi vào đời sống xã hội”. 

Ngay cả bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn thuế VN, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, nhận xét có nhiều điều khó hiểu. Bà dẫn chứng một số quy định về kê khai thuế giá trị gia tăng với xây dựng vãng lai mà “tôi và các doanh nghiệp đến nay vẫn chưa hiểu được, kể cả ở các văn bản cũ”. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm