Đưa dân di cư tự do ở Đắk Nông ra khỏi vùng lõi rừng phòng hộ

(PLO)- UBND tỉnh Đắk Nông hoàn thiện xây dựng phương án đưa người dân di cư tự do ở vùng lõi rừng, rừng phòng hộ đến nơi ở mới định canh định cư.

Ngày 27-9, trao đổi với PLO một lãnh đạo UBND tỉnh Đắk Nông cho biết, UBND tỉnh vừa có báo gửi Bộ NN&PTNT về kết quả bố trí ổn định di dân tự do và di dân định cư ở các dự án thủy lợi, thủy điện.

Đường vào cụm dân cư số 8, xã Đắk R'măng. Ảnh: VL

Theo vị này, hiện có hơn 38.000 hộ với gần 174.000 dân di cư đến tỉnh Đắk Nông, trong đó chủ yếu người Kinh, Mông, Tày, Nùng, Thái, Dao, Mường… Vẫn còn 7.300 hộ với hơn 34.000 khẩu (trong đó có hơn 3.100 hộ với hơn 15.500 khẩu) nằm trong các dự án di dân đã được UBND tỉnh Đắk Nông phê duyệt và đang triển khai thực hiện.

Còn lại khoảng hơn 4.100 với hơn 18.800 khẩu đang sinh sống ở vùng thiên tai, khu vực biên giới, rừng phòng hộ… chưa được, không được quy hoạch khu dân cư.

Vẫn theo vị lãnh đạo UBND tỉnh Đắk Nông, việc bố trí, sắp xếp dân cư vào các dự án dân cư tập trung góp phần đảm bảo an ninh trật tự, điều kiện cho địa phương quản lý được dân cư. Hạn chế việc phá rừng, sử dụng tài nguyên đất đai ngày càng hợp lý. Xây dựng được các cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ đời sống, sản xuất, văn hóa, tinh thần cho người dân. Từ đó làm cho đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần của người dân được nâng lên, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội.

Cụm dân cư số 8, xã Đắk R'măng nhìn từ trên cao. Ảnh: VL

Từ 2005 đến nay, có 13 dự án dự án di cư tự do đã triển khai trên địa bàn tỉnh Đắk Nông, với tổng số tiền đã được phê duyệt hơn 939 tỉ đồng.

UBND tỉnh Đắk Nông cũng kiến nghị Trung ương, ưu tiên bố trí hơn 540 tỉ đồng để thực hiện bốn dự án bố trí, sắp xếp ổn định di dân tự do giai đoạn 2016-2020 và 2021-2025.

Huyện Đắk G'long là địa bàn cũng có lượng dân di cư tự do nhiều nhất, trong đó nhiều hộ dân đang sinh sống ở vùng lõi rừng phòng hộ.

UBND tỉnh Đắk Nông vừa phê duyệt danh mục dự án đầu tư thuộc chương trình mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025.

Trong đó, tại địa bàn huyện Đắk G’long có các Dự án ổn định dân cư vùng đặc biệt khó khăn, dân di cư tự do xã Đắk R'măng; Dự án bố trí dân cư vùng đặc biệt khó khăn xã Quảng Sơn; Dự án ổn định dân cư vùng đặc biệt khó khăn, dân di cư tự do xã Quảng Hoà.

Mục tiêu của các dự án này nhằm ổn định, sắp xếp, bố trí dân tại chỗ, xây dựng hạ tầng đồng bộ phục vụ đời sống, sản xuất giao thương cho đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.

Tính đến hết tháng 4-2022, trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đã thực hiện giao đất ở, đất sản xuất cho 1.078 hộ dân di cư tự do với diện tích đất ở được 41,84 ha(bình quân 400 m2/hộ), đất sản xuất được 500 ha (bình quân 01 ha /hộ) và hỗ trợ 1.078 hộ làm nhà ở với tổng kinh phí hơn 10 tỉ đồng (bình quân10 triệu đồng/hộ).

Trước đó, Pháp luật TP.HCM đã đăng bài viết "Lớp học đặc biệt dưới ánh đèn pin đội đầu" phản ánh về việc người dân di cư tự do ở cụm dân cư số 8, 9, 11 và 12 của xã Đắk R’Măng đi học lớp xóa mù chữ vào ban đêm.

Những hộ này nằm trong vùng rừng phòng hộ, thuộc Ban quản lý rừng phòng hộ Đắk R’Măng.

Ông Đoàn Văn Phương, Phó chủ tịch UBND huyện Đắk G’long cho biết cụm dân cư số 8, 9, 11 và 12, xã Đắk R’măng có khoảng 400 hộ dân là người di cư tự do đến từ các tỉnh phía Bắc. Trong đó, cụm dân cư số 9, 11 và 12 không thể kéo điện lưới vì nằm trong vùng rừng phòng hộ, thuộc Ban quản lý rừng phòng hộ Đắk R’măng.

Ông Đoàn Văn Phương cho biết thêm, tới đây những hộ dân (nêu trên) sẽ được di dời, sinh sống ổn định tại thôn 8, theo đề án di dân tự do UBND tỉnh. “Khi dự án triển khai, điện đường, trường, trạm sẽ được triển khai. Lúc đó đời sống của người dân được cải thiện, giảm thiếu tối đa về các vụ hủy hoại rừng”-ông Phương cho hay.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới