Tại tọa đàm về thực tiễn thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính (XLVPHC) 2012 do Bộ Tư pháp vừa phối hợp tổ chức với Sở Tư pháp TP.HCM, bà Huỳnh Thị Hon (Phó Viện trưởng VKSND TP) cho hay từ năm 2015 đến nay, các tòa quận, huyện tại TP đã giải quyết 21.043 trường hợp đề nghị đưa người nghiện ma túy vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Tuy nhiên, quyết định bị TAND TP hủy, sửa chiếm tỉ lệ khá cao (23%). Trong đó, hầu hết trường hợp TAND TP hủy quyết định của tòa cấp dưới là do kết quả xác minh nơi cư trú của người bị đề nghị ở một số địa phương còn thiếu chính xác.
Hiểu thế nào là “thường xuyên sinh sống”?
Về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Kim Liên (Trưởng phòng Công tác thi hành pháp luật và quản lý XLVPHC, Sở Tư pháp TP) nhận xét theo Điều 96 Luật XLVPHC 2012, người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên, không có nơi cư trú ổn định là đối tượng bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Khoản 1 Điều 2 Nghị định số 221/2013 của Chính phủ ngày 30-12-2013 quy định chế độ áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, nơi cư trú ổn định là nơi người vi phạm thường trú hoặc tạm trú nhưng phải là nơi người đó hiện thường xuyên sinh sống.
Vấn đề là hiện nay chưa có tiêu chí cụ thể xác định như thế nào là “thường xuyên sinh sống” dẫn đến cách hiểu, áp dụng khác nhau ở nhiều địa phương hoặc nhiều trường hợp khi xác minh, địa phương trả lời chung chung, mâu thuẫn, gây khó khăn trong công tác lập hồ sơ.
Ông Nguyễn Tuấn Anh (Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội, Sở LĐ-TB&XH TP) nhìn nhận điều này. Theo ông Tuấn Anh, Thông tư 05/2018 của Bộ Công an có giải thích về nơi cư trú ổn định là nơi người vi phạm thường trú hoặc tạm trú nhưng phải là nơi người đó hiện thường xuyên sinh sống… Nhưng cuối cùng thông tư này cũng không giải thích được thế nào là “thường xuyên sinh sống”.
Trong khi đó, việc xác định nơi cư trú của người nghiện rất quan trọng để xác định xử lý họ theo hình thức nào. Ví dụ, ông A là người nghiện ma túy có nơi cư trú ổn định thì phải trải qua biện pháp cai nghiện tại gia đình, cộng đồng trong thời gian 6-12 tháng, xử lý giáo dục tại xã, phường, thị trấn trong thời gian 3-6 tháng. Nếu ông A vẫn còn nghiện thì mới áp dụng biện pháp hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Trường hợp ông A không có nơi cư trú ổn định thì sẽ áp dụng biện pháp hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc ngay.
Đại diện Công an TP.HCM phát biểu tại tọa đàm. Ảnh: KP
Thời hạn xác minh quá ngắn?
Ông Hoàng Huy Dương (Phó Trưởng phòng Pháp chế Công an TP.HCM) chia sẻ: Quy định về xác minh tình trạng cư trú của người vi phạm là 15 ngày theo điểm c khoản 1 Điều 8 Nghị định 221/2013 của Chính phủ. Tuy nhiên, kết quả xác minh thực hiện được trong thời hạn này rất hạn chế (nhất là đối với các trường hợp người nghiện khai không đúng về lai lịch, thân nhân, khai sinh sống ở nhiều nơi, nhiều tỉnh). Nghị định 221/2013 cũng không quy định rõ trách nhiệm của cơ quan trả lời xác minh khi không thực hiện trả lời xác minh trong thời hạn nêu trên.
Ông Nguyễn Tuấn Anh thông tin thêm, thời gian qua TP rất lúng túng trong việc thực hiện quy định về bàn giao người nghiện. Bởi lẽ Nghị định 221/2013 quy định nếu người vi phạm có nơi cư trú không thuộc xã, phường, thị trấn nơi xảy ra vi phạm thì bàn giao người và biên bản vi phạm cho cơ quan công an cấp xã (nơi người vi phạm cư trú) để tiến hành lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Tuy nhiên, hiện nay chưa có quy định về hình thức bàn giao, trách nhiệm của các bên có liên quan trong việc bàn giao.
Từ đó, nhiều đại biểu kiến nghị bộ, ngành liên quan sớm có hướng dẫn cụ thể, thống nhất về cách xác định nơi cư trú đối với người nghiện ma túy. Đồng thời, cần quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan chức năng khi tiếp nhận yêu cầu xác định nơi cư trú của người nghiện. Trường hợp cơ quan đã gửi văn bản xác minh nơi cư trú tới các cơ quan chức năng (nơi đối tượng nghiện cư trú) nhưng hết thời hạn 15 ngày mà không có văn bản trả lời thì xử lý sao, có được xem là trường hợp không có nơi cư trú ổn định không…
Sau khi trốn, người nghiện “hoàn lương”, tính sao? Khoản 4 Điều 132 Luật XLVPHC 2012 quy định thời gian người đã có quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc bỏ trốn không được tính vào thời hạn chấp hành quyết định áp dụng biện pháp này. Tuy nhiên, thực tế có một số trường hợp trốn thi hành, chấp hành quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc một thời gian dài. Khi cơ quan chức năng tìm thấy thì họ đã tiến bộ, có công ăn việc làm, có gia đình ổn định, không còn nghiện nữa nhưng luật lại chưa quy định cách xử lý trong trường hợp này. Bà NGUYỄN THỊ KIM LIÊN, Trưởng phòng Công tác thi hành pháp luật và quản lý XLVPHC, Sở Tư pháp TP.HCM |