Tham gia hội nghị có đại diện Ủy ban MTTQ Việt Nam TP; Liên đoàn Lao động TP, Thành đoàn; Hội Liên hiệp Phụ nữ TP; Hội Cựu chiến binh TP; Hội Nông dân TP; Hội Luật gia TP; Đoàn Luật sư TP; TAND TP; VKSND TP; báo cáo viên pháp luật và các sở, ban ngành TP.
TS Nguyễn Văn Tiến, Trưởng bộ môn Tố tụng dân sự Trường ĐH Luật TP.HCM, báo cáo những nội dung cơ bản của Bộ luật Tố tụng dân sự (BLTTDS) năm 2015, có hiệu lực từ ngày 1-7-2016.
"Áp dụng tập quán sẽ mang tính áp đặt"
Theo đó, luật không cho phép tòa án được từ chối giải quyết vụ việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng. Tòa án sẽ dựa vào tập quán, tương tự pháp luật, án lệ, lẽ công bằng để giải quyết. Theo ông Tiến, tập quán tại Việt Nam đang trong giai đoạn sơ khai, ông đặt ra câu hỏi rằng: Tập quán theo luật định hay tập quán do thẩm phán quyết định?
Ông ví dụ: Tại Điều 6 Nghị định 126/2014/NĐ-CP hướng dẫn Luật Hôn nhân gia đình năm 2014 có quy định: “Trong thời hạn ba năm kể từ ngày nghị định này có hiệu lực (15-2-2015), UBND cấp tỉnh có trách nhiệm xây dựng, trình HĐND cùng cấp phê duyệt danh mục các tập quán về hôn nhân và gia đình được áp dụng tại địa phương”.
Tuy nhiên, đã sắp hết thời hạn ba năm nhưng chưa có tỉnh/thành nào xây dựng được các tập quán hôn nhân tại địa phương. Ông Tiến cũng cho rằng việc áp dụng tập quán luật định sẽ mang tính áp đặt, không khuyến khích, phát huy được sự sáng tạo của thẩm phán.
TS Nguyễn Văn Tiến, Trưởng bộ môn Tố tụng dân sự Trường ĐH Luật TP.HCM, đang báo cáo. Ảnh: YC
"Thiện chí” hay tẩu tán tài sản?
Để bảo đảm thực hiện tốt nguyên tắc tranh tụng trong suốt quá trình giải quyết vụ án, BLTTDS cũng bổ sung và quy định chi tiết hơn quyền và nghĩa vụ của đương sự, trong đó phải kể đến nghĩa vụ “sử dụng quyền của đương sự một cách thiện chí”.
Ông Tiến nêu một ví dụ sinh động về sự “thiện chí” của đương sự: Hai vợ chồng phải trả nợ cho A 5 tỉ đồng theo bản án của tòa, tuy nhiên sau đó hai vợ chồng ly hôn, tài sản chung 20 tỉ đồng (mỗi người được 10 tỉ đồng), người vợ được quyền nuôi con và người chồng cấp dưỡng cho đứa con sáu tuổi 10 tỉ đồng của mình. Vậy người chồng có thiện chí hay không? Có đang tẩu tán tài sản của mình để trốn tránh trả nợ hay không? Rất đông ý kiến của mọi người trong khán phòng cho rằng người chồng đang tẩu tán tài sản vì số tiền 10 tỉ đồng rất lớn, không thể cấp dưỡng hết cho con được. Tuy nhiên, theo ông Tiến, luật không giới hạn tiền cấp dưỡng và tiền cấp dưỡng được ưu tiên thanh toán trước các khoản khác, vì vậy người chồng không vi phạm pháp luật.
Về quy định thuận tình ly hôn vẫn hòa giải
Theo ông Tiến, thuận tình ly hôn là việc dân sự, bản chất của việc dân sự là không tranh chấp, không cần hòa giải nên quy định này làm tăng thủ tục tố tụng.
Về các trường hợp vụ án không tiến hành hòa giải được, luật đã bổ sung trường hợp: “Một trong các đương sự đề nghị không tiến hành hòa giải”. Tuy nhiên, theo ông Tiến, luật vẫn chưa bao hàm được trường hợp chồng xin ly hôn người vợ đã bị tòa tuyên bố mất tích. Trong trường hợp này không thể hòa giải vì người vợ đã mất tích nhưng tại Điều 207 BLTTDS lại không có quy định trường hợp này.
Không có cơ hội xét xử… rút gọn Thể chế hóa đường lối cải cách tư pháp luật cho phép xét xử vụ án theo thủ tục rút gọn. Tuy nhiên, theo TS Nguyễn Văn Tiến, hầu như không có cơ hội để áp dụng thủ tục rút gọn. Bởi lẽ theo luật, muốn áp dụng phải thỏa mãn đủ ba điều kiện sau: Vụ án có tình tiết đơn giản, quan hệ pháp luật rõ ràng, đương sự đã thừa nhận nghĩa vụ; tài liệu, chứng cứ đầy đủ, tòa án không phải thu thập thêm; các đương sự đều có địa chỉ nơi cư trú, trụ sở rõ ràng; không có đương sự cư trú ở nước ngoài, tài sản tranh chấp ở nước ngoài. Theo ông Tiến, việc yêu cầu quá nhiều điều kiện khiến không có thẩm phán nào “dám” áp dụng thủ tục rút gọn. |