Nâng cao chất lượng tranh tụng trong các phiên tòa hình sự, dân sự, hành chính… được coi là khâu đột phá của hoạt động tư pháp. Đó cũng để cụ thể hóa nguyên tắc tranh tụng trong xét xử được bảo đảm quy định tại khoản 5 Điều 103 Hiến pháp 2013. Các phiên xử hình sự thì đã rõ vì tranh tụng được ví là “xương sống” của phiên tòa. Hiện nay BLTTDS năm 2015, Luật Tố tụng hành chính 2015 cũng đã bổ sung nguyên tắc: “Bảo đảm tranh tụng trong xét xử” .
Tranh tụng tại phiên tòa dân sự, hành chính bao gồm việc trình bày chứng cứ, hỏi, đối đáp, trả lời và phát biểu quan điểm, lập luận về đánh giá chứng cứ, tình tiết của vụ án. Ngoài ra, nó còn là quan hệ pháp luật tranh chấp và pháp luật áp dụng để giải quyết yêu cầu của các đương sự trong vụ án. Việc tranh tụng tại phiên tòa được tiến hành theo sự điều khiển của chủ tọa. Chủ tọa phiên tòa không được hạn chế thời gian tranh tụng, tạo điều kiện cho những người tham gia tranh tụng trình bày hết ý kiến...
Song cạnh đó BLTTDS 2015 và Luật Tố tụng hành chính 2015 lại bổ sung quy định cho phép tòa được xét xử vắng mặt tất cả các bên đương sự trong vụ án. Đó là những phiên tòa xử vắng mặt tất cả đương sự, kể cả đại diện VKS, tức là không có phần tranh tụng. Tòa án căn cứ vào tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ để xét xử vắng mặt đương sự, người tham gia tố tụng khác theo quy định của pháp luật.
Cụ thể, tòa án xét xử vắng mặt, người tham gia tố tụng khác khi đáp ứng đủ ba điều kiện. Thứ nhất, nguyên đơn (hoặc người khởi kiện), người đại diện hợp pháp của nguyên đơn (hoặc người khởi kiện) đề nghị tòa xét xử vắng mặt. Thứ hai, bị đơn (hoặc người bị kiện), người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan; người đại diện hợp pháp của bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có đơn đề nghị xét xử vắng mặt hoặc đã được triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vẫn vắng mặt. Thứ ba, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn (hoặc người khởi kiện), bị đơn (hoặc người bị kiện), người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có đơn đề nghị xét xử vắng mặt hoặc đã được triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vẫn vắng mặt.
Chẳng hạn, vụ án hành chính trong lĩnh vực đất đai, bên bị kiện là chủ tịch hoặc UBND cấp huyện, chủ tịch hoặc UBND cấp tỉnh sẽ có đơn đề nghị xử vắng mặt họ. Trong khi chủ thể của tranh tụng là người khởi kiện và người bị kiện. Lúc này người khởi kiện và người bảo vệ quyền lợi của đương sự không có cơ hội để tranh tụng khi người bị kiện vắng mặt, tức là nguyên tắc tranh tụng khi xét xử không còn cơ sở thực hiện.
Việc cho phép tòa xử vắng mặt như trên khiến phần tranh tụng đều bị bỏ qua vì sẽ không có phần trình bày, phần hỏi và tranh luận, đối đáp giữa các bên. Phiên tòa lúc này về hình thức không khác gì một phiên họp giải quyết việc dân sự. Chủ tọa chỉ thực hiện việc công bố lý do đương sự vắng mặt hoặc đơn của đương sự đề nghị vắng mặt và công bố tóm tắt nội dung vụ án và tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án. Chỉ có HĐXX thảo luận về những vấn đề cần giải quyết trong vụ án, kiểm sát viên phát biểu ý kiến của VKS (trong trường hợp có mặt), cuối cùng là HĐXX tiến hành nghị án và tuyên án.