Dừa Việt Nam nổi tiếng nhưng công ty dừa lại 'ngồi trên đống lửa' vì... nhập khẩu

(PLO)- Do thiếu nguyên liệu, một số công ty Việt Nam phải nhập khẩu tới 100 container dừa mỗi tháng để đáp ứng các đơn hàng đã ký kết. Đáng lo ngại hơn, từ ngày 1 tháng 1 năm 2025, Indonesia sẽ áp thuế xuất khẩu dừa khô lên đến 80%.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Việt Nam nổi tiếng là một trong những quốc gia xuất khẩu dừa hàng đầu thế giới, với công nghiệp chế biến chiếm 70% giá trị xuất khẩu của ngành dừa Việt Nam. Tuy nhiên, gần đây, một số doanh nghiệp buộc phải nhập khẩu dừa từ Indonesia. Vì sao lại có chuyện này?

Pháp Luật TP.HCM đã trao đổi với bà Nguyễn Thị Kim Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Dừa Việt Nam về vấn đề trên.

thuế xuất khẩu dừa
Bà Nguyễn Thị Kim Thanh, Chủ tịch Hiệp hội dừa Việt Nam

Dừa tươi Việt Nam là một trong những thức uống cao cấp thịnh hành tại Trung Quốc

- Phóng viên: Mới đây, dừa tươi Việt Nam được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, đây là tin vui đối với ngành dừa. Tuy nhiên, doanh nghiệp chế biến dừa lại thiếu nguyên liệu sản xuất. Xin bà chia sẻ cụ thể về điều này?

+ Bà Nguyễn Thị Kim Thanh: Nói đến dừa, chúng ta cần phân biệt rõ hai loại là dừa xiêm và dừa ta. Dừa xiêm là loại dừa có cơm mỏng, độ dầu không cao, chỉ được dùng tươi để giải khát.

Còn dừa ta là loại dừa để khô mà chúng ta thường thấy ở ngoài chợ, dùng để nấu xôi, chè, các loại bánh… Do cơm dừa dày, lượng dầu cao, dừa ta là nguyên liệu của ngành công nghiệp chế biến dừa Việt Nam.

Đồng bằng sông Cửu Long là nguồn nguyên liệu lớn của ngành công nghiệp chế biến dừa Việt Nam. Bến Tre là một trong những địa phương có diện tích trồng dừa lớn nhất cả nước, với khoảng 78.000 ha.

Tuy nhiên, do người nông dân trồng theo cảm tính, hầu hết trong một vườn dừa có ít nhất hai loại. Cùng với tình trạng sâu đầu đen vẫn đang hoành hành, chưa kể ảnh hưởng xâm nhập mặn khiến chất lượng và năng suất dừa thiếu ổn định.

Dừa tươi Việt Nam là một trong những thức uống cao cấp đang rất thịnh hành tại Trung Quốc, nhưng phải cạnh tranh về giá hết sức gay gắt với dừa Thái Lan. Bên cạnh đó, dừa nguyên liệu của Việt Nam cũng đang được xuất sang Campuchia, Thái Lan và Trung Quốc với thuế suất 0%.

Vì vậy, giá dừa nguyên liệu của Việt Nam đang biến động mạnh. Hiện tại, giá dừa đang dao động 120.000-150.000 đồng/chục, nhưng có lúc chỉ còn 12.000 đồng/chục tại nhà vườn, tương đương mỗi trái dừa chỉ 1.000 đồng.

Trước bối cảnh thiếu nguyên liệu, giá dừa bấp bênh, có doanh nghiệp lớn của Việt Nam phải dừng hoạt động cả tháng nay. Ngay cả nhà máy của doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư để sơ chế các sản phẩm như nước dừa cô đặc, nước cốt dừa đông lạnh… cũng chỉ hoạt động 30% - 40% công suất.

Một số công ty Việt Nam đang hoạt động cầm chừng 10% - 15% công suất, buộc phải nhập khẩu dừa Indonesia. Có đơn vị nhập cả 100 container/tháng để đáp ứng đơn hàng đã ký kết với khách hàng. Đáng lo hơn, từ 1-1-2025, Indonesia áp thuế xuất khẩu dừa khô lên đến 80% để thúc đẩy đầu tư vào ngành công nghiệp chế biến dừa trong nước.

- Theo Quyết định 431/2024 của Bộ NN&PTNT, diện tích trồng dừa đến năm 2030 sẽ đạt 200.000 ha, nhưng đến nay đã gần xấp xỉ. Bên cạnh đó, Sở Nông nghiệp tỉnh Bến Tre khẳng định nguồn nguyên liệu không thiếu. Vậy phải chăng tình trạng trên là do sự cam kết của các bên trong chuỗi liên kết ngành dừa có vấn đề?

+ Bà Nguyễn Thị Kim Thanh: Thực tế cho thấy mối liên kết giữa người nông dân và doanh nghiệp ngành dừa chưa chặt chẽ. Ví dụ, doanh nghiệp đang ký hợp đồng bao tiêu giá 10 đồng/trái, nhưng khi có đơn vị khác thu mua giá cao hơn, người nông dân sẵn sàng hủy bỏ cam kết. Để đảm bảo sự công bằng với các hộ trồng dừa khác, doanh nghiệp sẽ không trở lại thu mua của những hộ không coi trọng uy tín của mình.

Hoặc, khi giá dừa nguyên liệu tăng cao, doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn khi chào hàng cho khách. Lúc dừa giảm giá sâu do thị trường đóng băng, nhiều doanh nghiệp cũng không có khả năng mua dự trữ, nên xảy ra tình trạng dừa nguyên liệu nằm ngoài chuỗi liên kết bị ứ đọng.

Vì vậy, vai trò hợp tác xã thu mua và sơ chế dừa nguyên liệu để cung cấp cho nhà máy chế biến hết sức quan trọng.

- Theo bà, làm sao để hài hòa được lợi ích của các bên?

+ Bà Nguyễn Thị Kim Thanh: Để đảm bảo hài hòa lợi ích giữa người nông dân với doanh nghiệp, giải pháp nâng cao chuỗi giá trị trong ngành dừa là vô cùng cần thiết. Đó là chế biến sâu hơn những phụ phẩm của dừa như xơ dừa, mụn dừa, gáo dừa.

Tại Trà Vinh đã có công ty bao tiêu khoảng 80% nguồn than gáo dừa của Bến Tre để chế biến thành than hoạt tính, than BBQ, than shisha. Nhưng xơ dừa và mụn dừa hiện tại xuất thô còn khá nhiều.

Thực tế cho thấy, cùng là dừa khô tại Bến Tre, có hộ nông dân bán được 90.000-100.000 đồng/chục, nhưng có gia đình chỉ bán được 40.000-50.000 đồng/chục do vùng sâu vùng xa, cơ sở hạ tầng chưa phát triển, rất khó khăn khi vận chuyển.

Để đảm bảo giá ổn định, một số doanh nghiệp đang tính toán tiến tới thống nhất đưa ra mức giá sàn tối thiểu thu mua dừa tại vườn 70.000-75.000 đồng/chục.

thuế xuất khẩu dừa
Dừa tươi Việt Nam được giới thiệu xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc.

Indonesia áp thuế xuất khẩu dừa khô, Việt Nam cần hành động ngay

- Ngành chế biến dừa Việt Nam sẽ ứng phó thế nào trước chính sách thuế xuất khẩu của Indonesia thưa bà ?

+ Bà Nguyễn Thị Kim Thanh: Ngành công nghiệp chế biến dừa quyết định kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành dừa. Những năm qua, với mức thuế suất 0%, dừa khô của Việt Nam “chảy” nhiều sang Trung Quốc, Campuchia, Thái Lan, nên nguyên liệu đầu vào cho ngành công nghiệp chế biến dừa Việt Nam gặp khó khăn lớn về giá cả.

Hiện nay, các quốc gia như Philippines, Thái Lan đã áp dụng chính sách thuế xuất khẩu để phát triển ngành công nghiệp chế biến dừa của họ, và Indonesia sắp áp dụng. Nếu Việt Nam không đưa ra hàng rào thuế quan, hàng rào kỹ thuật, ngành chế biến dừa Việt Nam sẽ khó tồn tại.

Do đó, chúng tôi sắp trình kiến nghị lên Chính phủ là cần ban hành ngay chính sách tăng thuế xuất khẩu dừa khô, cấp bách ngay trong tháng 1-2025. Song song đó là lộ trình áp thuế đối với nguyên liệu dừa đã sơ chế, riêng những sản phẩm chế biến sâu xuất khẩu sẽ hưởng ưu đãi thuế.

- Thưa bà, trước đây thuế xuất khẩu dừa là 3%, nhưng do dừa rớt giá mạnh, các Bộ Tài chính, Công Thương đã quyết định giảm thuế xuống 0%. Vậy, hàng rào thuế quan có phải là giải pháp khả thi?

+ Bà Nguyễn Thị Kim Thanh: Chính sách thuế xuất khẩu dừa giảm 0% được ban hành thời điểm đó là giải pháp tình thế. Thực tế hiện nay, nếu Việt Nam ban hành chính sách thuế xuất khẩu đối với dừa như chúng tôi dự kiến kiến nghị, thì những doanh nghiệp nước ngoài hiện chỉ đầu tư sản xuất thô có thể quay sang đầu tư chế biến sâu ngay tại Việt Nam, sẽ tạo công ăn việc làm cho người lao động địa phương.

Như vậy, vừa bảo vệ được vùng nguyên liệu dừa trong nước, vừa thu hút được nhiều doanh nghiệp đầu tư hơn, giúp gia tăng giá trị cho ngành dừa Việt Nam.

- Dừa đã được ngành Nông nghiệp xác định là một trong sáu cây công nghiệp chủ lực, hiệp hội đề xuất giải pháp nào để ngành dừa phát triển bền vững?

+ Bà Nguyễn Thị Kim Thanh: Hiệp hội Dừa Việt Nam thiết tha mong muốn có Đề án phát triển vùng nguyên liệu cho ngành dừa. Chúng ta phải có vùng nguyên liệu trong tay mới ổn định được sản xuất. Việc xây dựng mô hình cánh đồng mẫu lớn cho cây dừa gặp nhiều thách thức hơn so với các loại cây trồng khác do đặc điểm vườn dừa thường phân tán, xen kẽ trong khu dân cư.

Để khắc phục vấn đề này, Nhà nước cần đóng vai trò chủ đạo thông qua các hành động cụ thể. Chẳng hạn, Nhà nước nên quy hoạch và xây dựng mô hình tập trung thí điểm với quy mô khoảng 500-1.000 hecta, có chính sách tái định cư hợp lý cho người dân trong vùng quy hoạch. Đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp vay vốn ưu đãi để đầu tư cơ giới hóa, áp dụng công nghệ cao vào sản xuất cũng như nhằm chuyển đổi người nông dân sang công nhân nông nghiệp để đảm bảo thu nhập ổn định, tạo công ăn việc làm bền vững.

Chỉ khi người nông dân thấy được lợi nhuận, sự ổn định họ mới sẵn sàng tham gia vào mô hình này. Vì vậy, nếu không có sự hỗ trợ mạnh mẽ từ Nhà nước trong việc xây dựng và phát triển vùng nguyên liệu tập trung, ngành dừa nói riêng và các ngành nông nghiệp khác nói chung sẽ khó đạt được quy mô sản xuất lớn và phát triển bền vững.

Xin cảm ơn bà!

Tại Trung Quốc, dừa tươi Việt Nam cao hơn dừa Thái Lan

Dự kiến năm nay, dừa tươi Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc thu về khoảng 250 triệu USD, đóng góp 25% kim ngạch xuất khẩu của ngành dừa. Tuy nhiên, dừa tươi Việt Nam chịu cạnh tranh rất lớn tại thị trường Trung Quốc. Khi dừa Việt Nam vừa có mặt tại thị trường này, dừa Thái Lan đã giảm giá ngay xuống khoảng 30%, nhờ công nghệ chế biến hiện đại hơn Việt Nam nên giá thành sản phẩm của họ rất thấp.

Cụ thể, dừa Việt Nam giá xuất xưởng 13.500 đồng/trái, trong khi tại Quảng Châu, dừa tươi Thái Lan chỉ có giá 16.000 đồng và sau đó giảm thêm khoảng 30%. Sắp tới là mùa đông nên xuất khẩu dừa tươi sang thị trường Trung Quốc sẽ "chững lại".

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm