Hoàn thuế giá trị gia tăng: Không thể 'trăm dâu đổ đầu tằm'

(PLO)- Nhiều chuyên gia cho rằng, cần giới hạn rõ trách nhiệm của công chức thuế, cán bộ thuế trong việc hoàn thuế giá trị gia tăng. Có như vậy, việc hoàn thuế mới diễn ra thuận lợi, nhanh chóng.

Nói về những vướng mắc trong việc hoàn thuế giá trị gia tăng tại Diễn đàn Pháp luật và kinh doanh năm 2024, tổ chức sáng nay, 9-10, bà Nguyễn Thị Cúc – Chủ tịch Hiệp hội Tư vấn Thuế cho hay, vấn đề hoàn thuế vẫn là vấn đề nóng dù cơ quan thuế hiện nay đang rất cố gắng khai, nộp thuế điện tử.

Không "cắt lớp" sẽ khó giải quyết vấn đề hoàn thuế

Theo báo cáo, tỉ trọng hoàn thuế giá trị gia tăng năm nay tăng 2% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên trong thực tế, một số vấn đề của các ngành gỗ, sắn... vẫn chưa được xử lý và gặp khó khăn trong việc hoàn thuế.

“Tại sao hoàn thuế lại khó khăn?”, bà Cúc đặt câu hỏi và cũng cho biết nguyên nhân là do hệ thống thể chế và quản lý.

Thuế giá trị gia tăng
Các đại biểu chia sẻ về vấn đề hoàn thuế giá trị gia tăng tại diễn đàn sáng 9-10. Ảnh: MINH TRÚC

Lấy ví dụ về thể chế, bà Cúc cho biết, khi doanh nghiệp sản xuất mua gỗ của doanh nghiệp thương mại, bên bán đã cung cấp hóa đơn, chứng từ đầy đủ và bên sản xuất đã thực hiện xuất khẩu đúng quy định của hải quan, hàng đã xuất khẩu, kê khai đủ thuế. Xét về mặt thủ tục, việc doanh nghiệp xuất khẩu là có thực, và cơ quan thuế phải hoàn thuế.

Nhưng thanh, kiểm tra thì phát hiện doanh nghiệp thương mại chuyên về xử lí gỗ đã mua gỗ đầu vào của doanh nghiệp sản xuất, hoặc nông dân nhưng không có hóa đơn, chứng từ. Từ đó, cơ quan thanh, kiểm tra loại trừ hoàn thuế giá trị gia tăng cho đơn vị xuất khẩu. Nếu lỡ hoàn thuế rồi thì cơ quan thuế sẽ bị kết luận là thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng...

“Rõ ràng ở đây, về mặt pháp lý, cơ quan thuế hoàn thuế khi có hóa đơn xuất khẩu và người sản xuất có sản phẩm xuất khẩu thì phải hoàn. Nhưng trong luật không có quy định là phải truy thu tất cả các khâu trước đó. Điều này làm cơ quan thuế hết sức băn khoăn lo lắng”, bà Cúc nói.

Do đó, theo bà Cúc để giải quyết vấn đề này trước hết cần làm rõ về mặt pháp lý. “Theo tôi cần cắt khúc ra, khi hoàn thuế giá trị gia tăng bên sản xuất có sản phẩm xuất khẩu, đủ thủ tục theo quy định. Và bên bán hàng đã kê khai nộp thuế giá trị gia tăng đầu vào thì là đủ điều kiện hoàn thuế. Cơ quan thuế hoàn thuế là đúng và doanh nghiệp được hoàn theo đúng chế độ”.

Còn nếu cơ quan khác truy ra đầu vào F1, F2, F3… không có hóa đơn, mua bán trôi nổi thì đó là trách nhiệm bên thương mại, chứ không thể đưa trách nhiệm tất cả các khâu đổ dồn lên doanh nghiệp xuất khẩu và cơ quan thuế.

“Có như vậy thì cơ quan thuế mới yên tâm hoàn thuế và doanh nghiệp mới được đảm bảo quyền lợi”.

Đồng tình, ông Nguyễn Văn Phụng – nguyên Vụ trưởng Vụ quản lý thuế doanh nghiệp lớn (Tổng cục Thuế) cho hay, một số cơ quan thuế đang sợ trách nhiệm trong việc xác định hoàn thuế giá trị gia tăng.

Ông Phụng cho hay, trước đây ngành thuế triển khai việc hoàn trước kiểm tra sau rất tốt. Nhưng sau nhiều vụ án xảy ra cán bộ ngành thuế rất sợ trách nhiệm. “Có những vụ án khi cơ quan thuế đã thu hồi đủ tiền thuế đã hoàn nhưng vẫn bị quy là thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Chính từ việc đó, tâm lý của cán bộ ngành thuế rất dè dặt, rất nhiều cán bộ thuế của Cục Thuế TP. HCM xin nghỉ việc”

Ông Phụng cho rằng, việc truy xuất từ F0 đến F3, F4… xong mới hoàn thuế, trong khi đó mỗi khâu truy xuất phải chờ 45 ngày, thì không doanh nghiệp nào có thể chờ đợi tiền hoàn thuế được.

Do đó, để giải quyết vấn đề “trăm dâu đổ đầu tằm”, ông Phụng kiến nghị trước mắt cần có chỉ đạo xuyên suốt giữa các bộ, địa phương; thống nhất giữa cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp trong nhìn nhận sự việc. “Tôi cũng cho rằng cần cắt lớp vấn đề này để chia rõ trách nhiệm giải quyết”.

Theo ông Phụng, trong hoàn thuế, một là đẩy mạnh hoàn trước kiểm sau. Hai là thực hiện như đề xuất của TP. HCM. Đó là yêu cầu doanh nghiệp cam kết, cơ quan thuế hoàn theo cam kết đó. Nếu sau này phát hiện cam kết sai thì sẽ xử lý sau.

Và khi thực hiện rà soát rủi ro thì chỉ truy xuất từ F0 đến F1 và dừng ở đó để hoàn thuế. Từ F2, F3, F4… là khâu kinh doanh nội địa, lúc này cơ quan thuế bằng hệ thống quản lý sẽ chỉ đạo cơ quan thuế địa phương tổng rà soát các doanh nghiệp có nghi vấn.

Tiếp theo, ông Phụng cho rằng, khi sửa Luật Quản lý thuế cần giới hạn rõ trách nhiệm của công chức thuế, cán bộ thuế trong việc hoàn thuế. Tức là cán bộ thuế chỉ chịu trách nhiệm về hồ sơ mà doanh nghiệp gửi đến.

Rà soát, trình sửa đổi các cơ chế chính sách phù hợp với thực tiễn

Kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Lê Thành Long đánh giá cao những ý kiến đóng góp tại diễn đàn mang tính khoa học, các đại biểu đã thẳng thắn nêu vấn đề và đề xuất các giải pháp.

Phó Thủ tướng yêu cầu các cơ quan, đơn vị thực hiện tốt quan điểm đổi mới tư duy trong xây dựng và hoàn thiện thể chế, chuyển từ tư duy quản lý sang tư duy khơi thông nguồn lực; phân cấp, phân quyền một cách thực chất; đảm bảo đủ khả năng để những người được phân cấp, phân quyền thực hiện được công việc.

IMG_0060.JPG
Phó Thủ tướng Lê Thành Long phát biểu bế mạc diễn đàn. Ảnh: MINH TRÚC

Ghi nhận các ý kiến đóng góp tại diễn đàn, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Tư pháp tổng hợp các ý kiến; đồng thời tham mưu Chính phủ giao việc cho các bộ, ngành rà soát, trình sửa đổi các cơ chế chính sách phù hợp với thực tiễn.

Các bộ, ngành nghiên cứu “cầu thị, xem những cái gì tiếp thu được thì chỉnh lý đưa vào văn bản, cái gì không được thì giải trình một cách thoả đáng và nghe được”. Đồng thời, Phó Thủ tướng mong muốn các doanh nghiệp, doanh nhân thực hiện nghiêm túc các yêu cầu, nhiệm vụ trong quá trình sản xuất kinh doanh theo quy định của pháp luật.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm