Tranh cãi về bồi thường 10%/năm khi chậm hoàn thuế

(PLO)- Việc quy định mức bồi thường tiền lãi 10%/năm hay 0,03%/ngày không quan trọng bằng việc cơ quan thuế hoàn thuế đúng theo quy định.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Bộ Tài chính đề xuất bãi bỏ quy định mức tiền phải trả lãi theo Luật Quản lý thuế. Thay vào đó, người nộp thuế bị chậm hoàn thuế sẽ được bồi thường theo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước. Quy định này được đánh giá là khá công bằng cho doanh nghiệp nhưng vấn đề chậm hoàn thuế thì vẫn khó khả thi.

Doanh nghiệp chỉ mong được hoàn thuế đúng thời hạn

Luật Quản lý thuế nêu rõ người nộp thuế được nhận mức lãi 0,03% một ngày khi bị chậm hoàn thuế. Nhưng tại tờ trình Chính phủ về sửa Luật Quản lý thuế, Bộ Tài chính cho biết hiện nay chưa có quy định cụ thể về thẩm quyền, thủ tục và kinh phí để hoàn trả tiền lãi này. Điều này dẫn đến việc cơ quan thuế chưa có cơ sở thực hiện theo Luật Quản lý thuế. Vì vậy, Bộ Tài chính đề xuất bỏ quy định về việc trả lãi tại luật này.

Thay vào đó, Bộ Tài chính đề xuất các yêu cầu bồi thường của người nộp thuế liên quan đến tiền lãi phải trả của cơ quan thuế sẽ theo Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước năm 2017.

Cụ thể, theo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017, khoản tiền lãi phải trả cho người nộp thuế được tính theo lãi suất phát sinh do chậm trả tiền trong trường hợp không có thỏa thuận theo quy định của bộ luật Dân sự tại thời điểm thụ lý hồ sơ yêu cầu bồi thường. Tức lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm; trường hợp không rõ hoặc có tranh chấp về lãi suất thì lãi suất được xác định bằng 50% mức 20%/năm, tức 10%/năm.

Như vậy, khi cơ quan thuế giải quyết hoàn thuế chậm, người nộp thuế có thể được bồi thường với mức lãi suất không quá 10%/năm.

Trước đề xuất trên, bà Nguyễn Thanh Hoa - Giám đốc Công ty CP Eubiz Việt Nam - một công ty chuyên xuất khẩu hạt điều sang các thị trường nước ngoài, cho biết, bản thân các doanh nghiệp chỉ mong nhận được tiền hoàn thuế đúng theo thời gian quy định. Còn việc đòi cơ quan thuế tính tiền lãi để bồi thường khi bị chậm hoàn thuế là điều "xa vời".

"Tôi thấy nhiều doanh nghiệp trong ngành cao su, gỗ... bị chậm tiền hoàn thuế nhiều năm, lên đến hàng tỉ đồng mà không được bồi thường. Vậy nên, với doanh nghiệp chỉ cần được hoàn thuế đúng thời gian", bà Hoa nói.

chậm hoàn thuế
Doanh nghiệp chỉ mong nhận được tiền hoàn thuế đúng thời hạn. Ảnh: X.Đ

Tuy vậy, bà Hoa cũng hy vọng, Bộ Tài chính cũng như cơ quan thuế cần quy định rõ trách nhiệm của cán bộ thuế trong việc xác minh hóa đơn mua hàng của doanh nghiệp từ F1, F2, F3…; xác minh doanh nghiệp mua hàng cả ở nước ngoài.

Bởi theo bà Hoa, trong nhiều năm qua, việc hoàn thuế cho các doanh nghiệp bị chậm, kéo dài là vì công tác xác minh giấy tờ, hóa đơn của doanh nghiệp cung cấp cho cơ quan thuế rất mất thời gian.

Đồng tình với quan điểm trên, luật sư Hoàng Anh Sơn (Đoàn luật sư TP. HCM) cho rằng, việc quy định mức bồi thường tiền lãi 10%/năm hay 0,03%/ngày không quan trọng bằng việc cơ quan thuế hoàn thuế đúng theo quy định.

Bởi doanh nghiệp chỉ mong nhận lại được tiền hoàn thuế để giải quyết nguồn vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, mua nguyên vật liệu, thực hiện các đơn hàng, trả lương cho cán bộ công nhân viên... chứ không doanh nghiệp nào muốn rơi vào cảnh "sống dở chết dở".

Cũng theo ông Sơn, quy định trả lãi bồi thường 0,03%/ngày cho người bị hoàn thuế chậm chỉ là quy định về mặt hình thức, bởi nhiều năm nay, không có doanh nghiệp nào được bồi thường. Do đó, theo ông Sơn việc bãi bỏ quy định bồi thường này nhằm thống nhất với quy định Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước là điều cần thiết, bởi luật này nêu rõ nguồn bồi thường.

Thế nhưng, quy định này cũng chưa chắc đã giải quyết được việc chậm hoàn thuế cho doanh nghiệp.

Đặc biệt, ông Sơn đặt ra câu hỏi: Khi doanh nghiệp, cá nhân nợ thuế thì hệ thống của cơ quan thuế tự động nhảy lãi phạt chậm nộp. Vậy tại sao hệ thống của cơ quan thuế không ghi nhận trường hợp hồ sơ hoàn chậm và tự động nhảy lãi, tự động trả lãi cho doanh nghiệp?

Chính vì lẽ đó, theo ông Sơn cho rằng, các cơ quan quản lý nhà nước cần sửa đổi, bổ sung làm sao để có giải quyết được tình trạng chậm hoàn thuế, gây ách tắc như thời gian vừa qua.

Nhất là các quy định dưới luật khiến cho hồ sơ hoàn thuế của doanh nghiệp kéo dài. Chẳng hạn như quy định xác minh hóa đơn của F1, F2, F3…, xác minh người mua hàng có chính xác không, kể cả việc xác minh doanh nghiệp ở nước ngoài...

Vị này cũng cho rằng luật cần quy định rõ trách nhiệm của cán bộ thuế trong việc xác minh hóa đơn, chứng từ của doanh nghiệp. "Có như vậy thì hồ sơ hoàn thuế của doanh nghiệp mới được giải quyết nhanh và không còn tình trạng chậm hoàn thuế đến vài năm như thời gian vừa qua nữa".

Cần hoàn thuế tự động và chủ động hoàn thuế

Tuy nhiên, không phải ai cũng đồng tình với đề xuất mới của Bộ Tài chính. TS Nguyễn Ngọc Tú - chuyên gia về thuế, giảng viên trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ - cho rằng, không nên xóa bỏ quy định về việc trả lãi theo Luật Quản lý thuế cho người bị chậm hoàn thuế.

Bởi theo ông Tú, trong Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước cũng có nội dung liên quan đến vấn đề bồi thường. Tuy nhiên Luật này có đặc thù riêng và quy định nhiều thứ khắt khe hơn vì đối tượng áp dụng luật này chủ yếu là những người bị án oan sai.

Quá trình lấy lại tiền bồi thường theo Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước cũng rất khó khăn và gian truân, cộng thêm thời gian lâu dài, không phù hợp với việc hoàn thuế cho các doanh nghiệp.

Cho nên, nếu xóa bỏ nội dung trả lãi Luật Quản lý thuế, thay vào đó là Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước thì khi doanh nghiệp muốn bồi thường do bị chậm hoàn thuế sẽ gặp phải muôn vàn thủ tục khắt khe, đơn từ, chứng minh thiệt hại…

Do đó, theo ông Tú, nên giữ nguyên khoản 3 điều 75 tại Luật Quản lý thuế, tuy nhiên cần phải có hướng dẫn, cụ thể hóa, có quy định rõ ràng đưa vào luật. Cũng như cần cụ thể hơn trong nguồn tiền hoàn thuế, hoàn thuế tự động và chủ động hoàn thuế chứ không đợi doanh nghiệp "xin".

Ví dụ như, cơ quan thuế chủ động trả tiền bồi thường cho doanh nghiệp nếu cơ quan thuế chậm hoàn thuế cũng như khi doanh nghiệp chậm nộp thuế, có máy móc tính tiền chậm nộp.

Đồng thời theo ông Tú, cần quy định rõ khi doanh nghiệp bị chậm hoàn thuế thì ai chịu trách nhiệm. Và tiền bồi hoàn được lấy từ đâu, do ai chịu trách nhiệm. “Tiền bồi hoàn do chậm hoàn thuế được lấy từ ngân sách hay là từ cơ quan thuế, cán bộ thuế… Đấy cũng là điều phải làm rõ trong luật, có như vậy thì luật mới được thực hiện công khai, minh bạch”.

Và điều quan trọng nhất theo ông Tú là Bộ Tài chính cần làm sao thúc đẩy nhanh việc hoàn thuế cho doanh nghiệp, tránh để việc chậm hoàn thuế đến cả năm, gây khó khăn cho doanh nghiệp. “Có những doanh nghiệp bị chậm hoàn thuế đến cả trăm tỉ đồng, tồn từ năm nọ sang năm kia. Chậm hoàn thuế vậy thì doanh nghiệp lấy tiền vốn ở đâu để quay vòng. Nếu cứ như vậy thì doanh nghiệp khó lớn, khó phát triển”.

Thực tế, câu chuyện doanh nghiệp bị chậm hoàn thuế giá trị gia tăng và rơi vào tình trạng "sống dở chết dở" do khó khăn tài chính vẫn chưa có hồi kết. Hồi tháng 6, nhiều doanh nghiệp thuộc nhóm ngành như gỗ, giấy, cao su... liên tục phản ánh việc bị nợ hoàn thuế cả nghìn tỉ đồng tiền khiến sức khỏe doanh nghiệp kiệt quệ.

Theo báo cáo của Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính), trong sáu tháng đầu năm nay, cơ quan này đã ban hành 8.346 quyết định hoàn thuế VAT, tương ứng số tiền gần 61.000 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, cơ quan này cũng thanh, kiểm tra 2.446 quyết định hoàn, truy thu và phạt 105,5 tỷ đồng, chiếm chưa tới 0,2% tổng số tiền hoàn thuế.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm