Cử tri kiến nghị xem xét bỏ thuế giá trị gia tăng điện và nước sinh hoạt

(PLO)-Cử tri kiến nghị Bộ Tài chính nghiên cứu trình Quốc hội khi thông qua dự thảo Luật Thuế GTGT sửa đổi xem xét bỏ thuế giá trị gia tăng điện và nước sinh hoạt.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Bộ Tài chính vừa có công văn trả lời cử tri tỉnh An Giang, Tiền Giang gửi tới trước kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV.

Nội dung kiến nghị: Trong tình hình hiện nay, việc áp dụng thuế giá trị gia tăng (GTGT) 8% đối với một số mặt hàng vật tư nông nghiệp, xăng dầu, điện, nước sinh hoạt là cao hơn so với mức thu nhập trung bình của người dân.

Đề nghị tiếp tục điều chỉnh giảm thuế giá trị gia tăng riêng cho các mặt hàng phục vụ sản xuất nông nghiệp, điện nước sinh hoạt theo Nghị quyết 110/2023 của Quốc hội.

Bên cạnh đó, hiện nay thuế GTGT 10%, đề nghị nghiên cứu trình Quốc hội khi thông qua dự thảo Luật Thuế GTGT (sửa đổi) giảm dưới 10% các sản phẩm có nguồn gốc nông nghiệp. Đồng thời xem xét bỏ thuế giá trị gia tăng điện và nước sinh hoạt.

Bộ Tài chính cho biết, thuế suất thuế giá trị gia tăng đối với hàng hóa dịch vụ chịu thuế GTGT được quy định cụ thể tại Luật Thuế GTGT (thuộc thẩm quyền của Quốc hội). Luật không có quy định về việc miễn, giảm thuế giá trị gia tăng.

Thuế giá trị gia tăng thu theo hàng hóa, dịch vụ, không phân biệt theo mục đích, đối tượng sử dụng hàng hóa, dịch vụ; quy định ba mức thuế suất là 0%, 5%, và 10%.

thuế giá trị gia tăng
Theo cử tri, thuế giá trị gia tăng 8% đối với xăng dầu, điện, nước sinh hoạt là cao so với thu nhập bình quân của người dân. Ảnh: TÚ UYÊN

Theo quy định hiện hành, điện thuộc đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng 10%; nước sạch phục vụ sản xuất và sinh hoạt chịu thuế GTGT 5%.

Ngoài ra, theo Luật Điện lực, các văn bản hướng dẫn, Bộ Công thương là cơ quan quản lý chuyên ngành về lĩnh vực điện trong đó có giá điện.

Song song với việc điều chỉnh giá điện từng bước để tiến tới thực hiện theo cơ chế giá thị trường, Nhà nước đã có chính sách hỗ trợ phù hợp cho người thụ hưởng. Cụ thể, hộ sinh hoạt có mức sử dụng điện không quá 50 kWh/tháng được áp dụng giá bán bằng khoảng 92% giá điện bình quân.

Các hộ sử dụng không quá 100 kWh/tháng được áp dụng mức giá bán điện khoảng 95% giá điện bình quân. Các hộ thuộc diện nghèo, hộ chính sách xã hội theo tiêu chí do Thủ tướng Chính phủ quy định, được hỗ trợ tiền điện tương đương tiền điện sử dụng 30 kWh tính theo mức giá bán lẻ điện sinh hoạt bậc 1 hiện hành.

Đối với vật tư nông nghiệp và các sản phẩm có nguồn gốc từ nông nghiệp, Luật Thuế GTGT đã quy định ưu đãi ở mức cao.

Cụ thể, Luật Thuế GTGT hiện hành quy định sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thuỷ sản nuôi trồng, đánh bắt chưa qua chế biến thành các sản phẩm khác. Hoặc chỉ qua sơ chế thông thường của tổ chức, cá nhân tự sản xuất đánh bắt bán ra và ở khâu nhập khẩu thuộc diện không chịu thuế GTGT.

Hàng hoá chủ yếu dùng cho đầu vào hoặc liên quan đến dịch vụ cung cấp cho sản xuất nông nghiệp cũng thuộc diện không chịu thuế hoặc áp dụng mức thuế suất ưu đãi 5% (quặng để sản xuất phân bón; thuốc phòng trừ sâu bệnh và chất kích thích tăng trường vật nuôi, cây trồng).

Hàng hoá xuất khẩu trong đó có sản phẩm từ nông, lâm, thuỷ sản được phép xuất khẩu, áp dụng thuế suất GTGT 0 %. Các cơ sở sản xuất kinh doanh xuất khẩu được hoàn lại số thuế GTGT đầu vào nếu đáp ứng điều kiện theo quy định.

Doanh nghiệp, hợp tác xã mua sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản nuôi trồng, đánh bắt chưa chế biến thành các sản phẩm khác hoặc chỉ qua sơ chế thông thường. Sau đó, bán cho doanh nghiệp, hợp tác xã khác thì không phải kê khai, tính nộp thuế GTGT nhưng được khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào.

Trường hợp bán cho hộ, cá nhân kinh doanh và các tổ chức, cá nhân khác phải kê khai, tính nộp thuế GTGT theo mức thuế 5% hoặc theo tỉ lệ 1% trên doanh thu.

Có đại biểu đề nghị tăng thuế suất GTGT nhưng...

Cử tri tỉnh Bạc Liêu kiến nghị trình xem xét, sửa đổi, bổ sung lại Luật Thuế GTGT (sửa đổi), việc người tiêu dùng phải chịu 10% thuế GTGT trong khi đã trả phí tiêu dùng. Như vậy, không phù hợp, gây thiệt thòi cho người dân.

Theo Bộ Tài chính, thuế GTGT được cấu thành trong giá cả hàng hóa, dịch vụ và do người tiêu dùng chịu khi mua hàng hóa, sử dụng dịch vụ.

Qua tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện Luật Thuế GTGT cho thấy chính sách này thời gian qua đã góp phần điều tiết vĩ mô nền kinh tế.

Trong hệ thống chính sách thuế hiện nay, thuế GTGT là nguồn thu quan trọng, bảo đảm tỉ lệ động viên ổn định hợp lý cho ngân sách nhà nước (NSNN).

Số thu thuế GTGT chiếm tỉ lệ cao trong tổng số thu về thuế. Năm 2022 khoảng 24,5%, năm 2023 khoảng 23%.

Qua tham khảo kinh nghiệm quốc tế cho thấy các nước phát triển và đang phát triển đều thực hiện cơ cấu lại thu NSNN theo hướng tăng cường vai trò của thuế GTGT, coi thuế GTGT là nguồn thu chủ yếu cho NSNN.

Bên cạnh đó, xu thế tăng thuế suất GTGT diễn ra phổ biến.

Thống kê của Quỹ Tiền tệ Quốc tế về mức thuế suất của 164 quốc gia, vùng lãnh thổ năm 2020, có thể thấy mức thuế GTGT phổ thông 10% của Việt Nam tương đối thấp.

Cụ thể, có 122 nước có mức thuế suất phổ thông từ 13%- 27%; 26 nước có mức thuế suất phổ thông 10% đến dưới 13%...

Các nước láng giềng như Lào, Indonesia, Campuchia cũng có mức thuế suất phổ thông là 10%...

Ngoài ra, khi thảo luận về dự án Luật Thuế GTGT (sửa đổi), có một số đại biểu đề nghị Chính phủ nghiên cứu lộ trình tăng thuế suất thuế GTGT.

Tuy nhiên, Chính phủ sẽ tiếp tục nghiên cứu thời điểm thích hợp thực hiện mục tiêu này để trình Quốc hội xem xét quyết định trong giai đoạn thực hiện tiếp theo của Chiến lược cải cách hệ thống thuế.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm