Đề nghị giảm thuế VAT xuống 8% cho tất cả hàng hoá, dịch vụ

(PLO)- Theo Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, việc tiếp tục giảm thuế VAT là hết sức cần thiết, góp phần hỗ trợ doanh nghiệp lấy lại đà tăng trưởng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa có công văn gửi Bộ Tài chính góp ý đề xuất giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) từ 10% xuống 8% trong sáu tháng đầu năm 2024.

Nhiềudoanh nghiệp mất hợp đồng do không thống nhất mức thuế

Theo VCCI, kinh tế vĩ mô của Việt Nam năm 2023 gặp nhiều khó khăn, thách thức và dự đoán tiếp tục kéo dài trong giai đoạn năm 2024.

Vì vậy, việc nới lỏng chính sách tài khoá, thông qua việc tiếp tục giảm thuế VAT là hết sức cần thiết, góp phần hỗ trợ doanh nghiệp (DN) lấy lại đà tăng trưởng, tạo việc làm.

Biện pháp giảm thuế VAT đã được thực hiện trong năm 2022, 2023 mang lại nhiều tác động tích cực đối với DN và nền kinh tế, đặc biệt giúp tăng tiêu dùng nội địa.

Tuy nhiên theo ghi nhận của VCCI, các DN gặp khá nhiều vướng mắc khi áp dụng chính sách này, chủ yếu từ việc phân loại hàng hoá nào phải chịu thuế 10%, hàng hoá nào được giảm thuế xuống 8%.

Bên cạnh đó, dù Chính phủ đã ban hành Nghị định 15/2022, Nghị định 44/2023 nhằm hướng dẫn việc thực hiện nhưng trên thực tế việc phân loại hàng hoá, dịch vụ vào các mức thuế suất khác nhau vẫn còn nhiều lúng túng.

Nhiều trường hợp DN tra cứu phụ lục của Nghị định 15 và 44 nhưng không dám khẳng định hàng hoá, dịch vụ của mình thuộc diện thuế suất 10% hay 8%.

Nhiều DN hỏi cơ quan thuế, cơ quan hải quan nhưng các cơ quan này cũng không dám khẳng định cho DN vì sợ sai. Nhiều DN phải thuê thêm người làm kế toán để điều chỉnh hoá đơn và sổ sách cho đúng với mức thuế mới.

Có DN phản ánh tình trạng đàm phán mua bán hàng hoá, thoả thuận xong hết với khách hàng về số lượng, chất lượng, giá cả nhưng không thống nhất về mức thuế 8% hay 10% nên không ký được hợp đồng.

Với những lý do trên, đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc phương án giảm thuế VAT cho tất cả các loại hàng hoá, dịch vụ từ 10% xuống mức 8%.

giam-VAT.jpg
Siêu thị thông báo nhóm hàng hóa được áp dụng VAT 8% sẽ kéo dài đến 31-12. ẢNH: TÚ UYÊN

Lý do Bộ Tài chính không chọn giảm thuế VAT 8% cho tất cả hàng hóa dịch vụ

Trong báo cáo đánh giá tác động xây dựng dự án Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế VAT, Bộ Tài chính đưa ra hai giải pháp.

Giải pháp một: Giảm 2% thuế VAT đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng thuế VAT 10%, trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ như đã áp dụng trong sáu tháng cuối năm 2023 theo Nghị quyết 101/2023 của Quốc hội về Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV.

Giải pháp này người dân, các DN sản xuất, kinh doanh hàng hóa, cung ứng dịch vụ chịu VAT 10% sẽ được hưởng lợi khi chính sách được ban hành.

Tác động tiêu cực, dự kiến số thu ngân sách nhà nước giảm khoảng 4,175 ngàn tỉ đồng/ tháng, nếu áp dụng trong sáu tháng đầu năm 2024 giảm tương đương khoảng 25 ngàn tỉ đồng.

Về thủ tục hành chính, quy định loại trừ một số nhóm hàng hoá, dịch vụ như tại Nghị quyết số 101/2023/QH15 tăng chi phí tuân thủ cho người nộp thuế và chi phí hành thu của cơ quan thuế (nhiều loại hàng hoá, dịch vụ khi xác định đối tượng không được giảm thuế cần có sự phối hợp của nhiều Bộ, ngành liên quan).

Giải pháp hai: Giảm 2% VAT đối với tất cả các hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng áp dụng thuế suất 10%; giảm 20% mức tỉ lệ % để tính VAT đối với cơ sở kinh doanh (bao gồm cả hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh) khi thực hiện xuất hóa đơn đối với tất cả các hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế VAT 10%.

Giải pháp này giải quyết được những vướng mắc nêu tại giải pháp một; giảm thiểu chi phí tuân thủ thuế của người nộp thuế, chi phí quản lý thuế của cơ quan thuế; giảm giá thành hàng hóa, dịch vụ…Tác động tiêu cực, dự kiến số thu ngân sách giảm khoảng 6,18 ngàn tỉ đồng/tháng, nếu áp dụng trong sáu tháng đầu năm, tương đương giảm khoảng 37,1 ngàn tỉ đồng.

Bộ Tài chính đề nghị thực hiện theo giải pháp một để phù hợp với khả năng cân đối, hỗ trợ của ngân sách nhà nước cũng như bối cảnh kinh tế xã hội hiện nay.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm