Mong chờ thuế xăng dầu, VAT giảm mạnh hơn

(PLO)- Để tạo động lực kích cầu kinh tế tăng trưởng, nhiều chuyên gia đề xuất vừa giảm thuế VAT vừa có chính sách miễn, giảm thuế thu nhập cá nhân.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn, đề xuất của Bộ Tài chính giảm 2% thuế giá trị gia tăng (VAT) trong sáu tháng đầu năm 2024 và tiếp tục giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu được đánh giá là cần thiết, kỳ vọng sẽ thúc đẩy tổng cầu tiêu dùng nội địa. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng cần giảm sâu hơn và kéo dài hơn kèm nhiều chính sách khác để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp (DN) vượt qua khó khăn.

Giảm thuế VAT, lợi nhiều bề

Bộ Tài chính vừa cho biết đang lấy ý kiến của các bên liên quan về việc tiếp tục giảm thuế VAT 2% đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10% (giảm còn 8%) nhằm hỗ trợ DN và người dân. Thời gian áp dụng từ ngày 1-1 đến 30-6-2024.

mua-sam.jpg
Giảm thuế VAT giúp doanh nghiệp tăng doanh số bán hàng, người tiêu dùng được mua hàng hóa với giá thấp hơn. Ảnh: TÚ UYÊN

Đồng thời, Bộ Tài chính cũng vừa có công văn gửi các bên liên quan lấy ý kiến cho dự án nghị quyết về thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu, mỡ nhờn. Theo đó, Bộ Tài chính đề xuất áp dụng mức giảm thuế như quy định tại Nghị quyết 30/2022, tương ứng giảm 50%. Cụ thể, thuế bảo vệ môi trường với xăng là 2.000 đồng/lít; nhiên liệu bay, dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn là 1.000 đồng/lít; mỡ nhờn là 1.000 đồng/kg; dầu hỏa là 600 đồng/lít.

Đây là mức thuế bảo vệ môi trường đang áp dụng hiện tại và sẽ hết hiệu lực vào cuối năm 2023. Vì vậy, để đảm bảo tính liên tục và kịp thời, Bộ Tài chính đề nghị nghị quyết có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2024.

Hầu hết các ý kiến đều đồng tình ủng hộ hai đề xuất trên. Theo bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực, thực phẩm TP.HCM, giảm 2% thuế VAT là hợp lý vì tình hình thị trường vẫn còn nhiều khó khăn. Bà Chi cho rằng nhờ chính sách giảm 2% thuế VAT trong năm 2023 mới giúp nhiều công ty ổn định được sản xuất, kinh doanh như hiện nay.

“Giảm thuế VAT vừa giúp DN tiết giảm được một phần chi phí sản xuất, tạo điều kiện để họ giảm giá thành sản phẩm khi đến tay người tiêu dùng, từ đó kích cầu mua sắm, góp phần tăng doanh thu bán hàng. Ngoài ra, giảm thuế VAT còn tạo hiệu ứng rất tích cực cho người tiêu dùng, vì khi giá hàng hóa giảm thì bà con sẽ tích cực đi mua sắm” - bà Chi phân tích.

Ông Tạ Quang Huyên, Tổng Giám đốc Công ty CP Hoàng Sơn 1, cũng cho rằng tiếp tục giảm 2% thuế VAT sẽ giúp kích cầu thị trường trong nước, nhất là thời điểm cuối năm, lễ, Tết sắp tới. Sản phẩm có đầu ra, doanh số bán hàng tăng thì DN mới phục hồi sản xuất, kinh doanh, giữ chân được người lao động.

Ngoài ra, theo ông Huyên, việc tiếp tục giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu sẽ hỗ trợ nền kinh tế, người dân và DN rất nhiều, nhất là khi chi phí logistics trong thời gian qua tăng cao. “Giữ được giá nhiên liệu xăng dầu trong năm 2024 sẽ ổn định tâm lý, đời sống sinh hoạt của người dân cũng như hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN” - ông Huyên đánh giá.

Cần kết hợp nhiều chính sách

Nhiều ý kiến đề nghị cần kéo dài thời gian giảm 2% thuế VAT đến hết năm 2024, thay vì chỉ đến giữa năm 2024 như đề xuất của Bộ Tài chính. Đồng thời, để tạo thuận lợi khi triển khai chính sách này, Quốc hội nên cho phép áp dụng với toàn bộ hàng hóa, dịch vụ có thuế VAT 10% thay vì chỉ một số nhóm mặt hàng như hiện nay.

Luật sư Nguyễn Đức Nghĩa, Phó Giám đốc Trung tâm hỗ trợ pháp lý DN nhỏ và vừa thuộc Hiệp hội DN TP.HCM, cho rằng kéo dài thời gian áp dụng giảm thuế VAT đến hết năm sau mới mang lại hiệu quả thiết thực là hỗ trợ người dân, DN và thúc đẩy tiêu dùng.

Cũng theo luật sư Nghĩa, cần triển khai sớm chính sách này vì chỉ còn vài tháng nữa là hết năm 2023, chưa kể DN đang chuẩn bị nguồn hàng để mở bán thị trường cuối năm, lễ, Tết. Hơn nữa, triển khai sớm thì các tỉnh, thành mới có thời gian để thông tin, tuyên truyền về việc giảm thuế VAT cho người dân, DN để kích cầu tiêu dùng cuối năm.

Ngoài ra, ông Nghĩa cũng đề xuất giảm thuế thu nhập cá nhân (TNCN) cho người dân với mức 30% cho cả năm 2024, hoặc giảm 50% thuế TNCN trong sáu tháng của năm sau. Khi thuế TNCN giảm, cộng thêm giá hàng hóa, dịch vụ hạ nhờ giảm 2% thuế VAT thì mới thực sự kích cầu tiêu dùng, người dân mới có thêm tiền để đi mua sắm.

Đồng tình với ông Nghĩa, TS Lê Bá Chí Nhân, chuyên gia kinh tế, cho rằng giảm 2% thuế VAT chưa đủ kích cầu nền kinh tế mà cần xem xét giảm 5% để giá cả hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng có thể giảm sâu hơn nữa. Vì hiện nay tình hình sản xuất, kinh doanh thực sự đang khó khăn, thu nhập giảm trong khi nhiều chi phí khác đang đè nặng lên người dân như chi phí học hành của con cái, điện nước, viện phí, thuốc men, thuê nhà…

Bên cạnh đó, TS Nhân cho rằng cần phải xem xét miễn, giảm thuế TNCN cho người dân. Bởi việc giảm thuế TNCN giúp người làm công ăn lương có thêm tiền để chi tiêu, từ đó gián tiếp kích cầu, tái tạo dòng tiền. Đặc biệt, cơ quan soạn thảo dự thảo Luật Thuế TNCN sửa đổi cần sớm đưa ra lấy ý kiến góp ý điều chỉnh nâng mức giảm trừ gia cảnh đối với người nộp thuế và người phụ thuộc. Đồng thời, tính toán các chi phí sinh hoạt thiết yếu của người dân có hóa đơn được khấu trừ khi tính thuế TNCN.

Cùng quan điểm này, nhiều chuyên gia đề xuất cần thêm các chính sách bổ trợ khác như giãn, giảm thuế thu nhập DN giúp họ có dòng tiền để xoay xở trong lúc khó khăn. Song song đó nên tính toán miễn, giảm các loại phí, thuế khác với xăng dầu như thuế tiêu thụ đặc biệt để tránh cú sốc tăng giá với mặt hàng này. Các chính sách khi cộng hưởng sẽ tạo nên hiệu quả cao nhất trên thực tế.

Thu ngân sách giảm trước mắt nhưng có lợi về lâu dài

Ngoài đề xuất tiếp tục xem xét giảm thuế VAT và xem xét giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, Bộ Tài chính còn đề xuất tiếp tục rà soát giảm mức thuế suất thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu để hỗ trợ sản xuất, kinh doanh trong nước; giảm mức thu một số khoản phí, lệ phí.

Đánh giá tác động đến thu ngân sách nhà nước, Bộ Tài chính cho biết việc thực hiện chính sách giảm 2% thuế VAT trong sáu tháng đầu năm 2024 dự kiến sẽ giảm thu ngân sách nhà nước khoảng 25.000 tỉ đồng, tương đương khoảng 4.200 tỉ đồng /tháng.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng giảm thuế VAT làm giảm nguồn thu ngân sách trước mắt nhưng về lâu dài vẫn tăng thu ngân sách. Bởi lẽ nhờ các tác động tích cực từ chính sách này và áp dụng thêm các biện pháp khác giúp DN phục hồi sản xuất, kinh doanh, người lao động có việc làm thì thu ngân sách thậm chí có thể dôi dư, vượt xa con số hụt thu do giảm thuế VAT.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm