Giảm 2% thuế VAT: Tốt nhưng chưa đủ 'đô'

(PLO)- Theo các chuyên gia thì cần giảm thuế VAT 5% thay vì chỉ giảm 2% để giảm mạnh giá hàng hóa, người tiêu dùng thấy có lợi sẽ mua sắm nhiều hơn. 

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý với dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc giảm 2% thuế giá trị gia tăng (VAT) từ ngày 1-7-2024 đến hết ngày 31-12-2024. Mục tiêu của chương trình là để kích cầu tiêu dùng, phù hợp với bối cảnh kinh tế hiện nay. Qua đó thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh sớm phục hồi và phát triển để đóng góp trở lại cho ngân sách nhà nước cũng như nền kinh tế.

Tuy nhiều ý kiến doanh nghiệp, chuyên gia cho rằng trong bối cảnh sức mua đang sụt giảm thì mức giảm thuế VAT phải mạnh hơn với mức giảm 5% mới tác động đa chiều hơn, khả năng phục hồi nền kinh tế sẽ nhanh hơn.

Hưởng lợi nhưng cần mở rộng tất cả hàng hoá

Chính sách giảm 2% thuế VAT áp dụng trong năm 2023 và nửa đầu năm 2024 đã mang lại hiệu quả. Theo đó, vừa kích cầu tiêu dùng, giúp doanh nghiệp ổn định sản xuất, vượt qua giai đoạn khó khăn để hồi phục.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế cho rằng, việc giảm 2% thuế VAT cần tiếp tục được áp dụng vào nửa cuối năm 2024, góp phần làm giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm thông qua doanh nghiệp có hoạt động sản xuất kinh doanh hàng hóa, cung ứng dịch vụ được giảm thuế VAT.

Khi hàng hoá giảm giá bán cho người tiêu dùng, góp phần giảm trực tiếp chi phí của người dân trong việc tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ phục vụ đời sống nhân dân.

nguoi-tieu-dung.JPG
Chuyên gia đề xuất cần mở rộng giảm thuế VAT nhiều hàng hóa, dịch vụ khác, như cân nhắc tới giảm 2% VAT cho những nhóm hàng hóa, lĩnh vực đang chịu thuế suất VAT 5%. Ảnh: QH

Việc giảm thuế VAT cũng chính là tạo điều kiện cho người tiêu dùng có thể sử dụng, tiêu thụ hàng hóa hóa nhiều hơn. Trên cơ sở đó kích thích hoạt động sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp.

Tuy nhiên, theo ông Thịnh, cần đánh giá, xem xét kỹ những nhóm hàng hóa, ngành nghề nào cần được hỗ trợ giảm thuế VAT. Không chỉ đối với nhóm hàng hóa chịu thuế suất 10%, vị chuyên gia này đề xuất cần mở rộng nhiều hàng hóa, dịch vụ khác. Đơn cử như cân nhắc tới giảm 2% VAT cho những nhóm hàng hóa, lĩnh vực đang chịu thuế suất VAT 5%.

Ông Phạm Hải Long, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Agrex Sài Gòn, đánh giá cao chính sách giảm 2% thuế VAT, nhờ chính sách này, doanh nghiệp vừa giảm chi phí giảm, giá thành giảm, giá bán giảm. Và cái lợi là kích thích sản xuất lẫn tiêu dùng.

“Trong bối cảnh, chí phí đầu vào tăng cao, cước phí vận chuyển cũng tăng cao, giá bán doanh nghiệp Việt Nam rất khó giữ, tăng thì khó cạnh tranh, sức mua giảm. Do đó, những chính sách giảm thuế như giảm 2% VAT hay giãn thời gian nộp thuế là những trợ lực rất cần thiết để doanh nghiệp trong nước hồi phục”- ông Long chia sẻ.

giam-thue-VAT-tieu-dung.JPG
Giảm thuế VAT 6 tháng cuối năm 2024 giúp kích cầu tiêu dùng, kích thích sản xuất. Ảnh: QH

Nhưng ông Long cũng như nhiều doanh nghiệp khác kiến nghị Dự thảo Nghị quyết giảm thuế VAT có thể xem xét phương án giảm thuế VAT cho tất cả các loại hàng hoá, dịch vụ từ mức 10% xuống mức 8%. Trong thực tế, người dân, doanh nghiệp vẫn còn gặp khó khăn trong việc phân loại mặt hàng nào được giảm thuế VAT, mặt hàng nào không được giảm.

"Khi mức giảm thuế VAT mở rộng hơn thì thị trường tiêu dùng được trợ lực mạnh hơn, nhất là thời điểm này khi sức mua đang sụt giảm, thu nhập người tiêu dùng cũng đang bị ảnh hưởng bởi nền kinh tế khó khăn", ông Long phân tích.

Giảm thu ngân sách khoảng 4.000 tỉ đồng/tháng

Theo Bộ Tài chính, dự kiến số giảm thu ngân sách 6 tháng cuối năm 2024 khoảng 24.000 tỉ đồng nếu áp dụng chính sách giảm 2% thuế VAT. Dự kiến, giảm khoảng 4.000 tỉ đồng/tháng trong đó giảm ở khâu nội địa dự kiến là 2.500 tỉ đồng/tháng và giảm ở khâu nhập khẩu khoảng 1.500 tỉ đồng/tháng.

Cần giảm sâu 5% VAT để kích cầu

Dự thảo Nghị định chỉ đề xuất giảm 2% thuế suất thuế VAT, áp dụng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10% (còn 8%), trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ.

Tuy nhiên, tiến sĩ Lê bá Chí Nhân, chuyên gia kinh tế, cho rằng Bộ Tài chính nên mạnh dạn đề xuất giảm thuế VAT sâu hơn trong nửa cuối năm 2024, có thể giảm đến 5% thay vì chỉ giảm 2% như thời gian qua. Nếu thực hiện được điều này, chính sách giảm thuế VAT sẽ tác động quy mô hơn, khả năng phục hồi nền kinh tế sẽ nhanh hơn.

TS Nhân phân tích việc giảm thuế VAT từ 10% xuống 5% chỉ giảm nguồn thu trong ngắn hạn nhưng tạo cú hích mạnh mẽ giúp nền kinh tế phục hồi, tăng trưởng tốt hơn. Khi giảm thuế VAT thấp hơn thì giúp giá cả hàng hóa rẻ hơn, người tiêu dùng sẽ thấy có lợi hơn, họ mua sắm, sử dụng dịch vụ này nọ nhiều hơn.

giam-thue-VAT-hang-hoa.JPG
Việc giảm thuế VAT từ 10% xuống 5% chỉ giảm nguồn thu trong ngắn hạn nhưng tạo cú hích mạnh mẽ giúp nền kinh tế phục hồi, tăng trưởng tốt hơn. Ảnh: MINH LONG

“Khi đó, hàng hóa tiêu thụ tốt thì doanh nghiệp ổn định sản xuất, giảm chi phí, giảm giá thành, xoay vòng vốn nhanh hơn, giảm nhiều áp lực, có lợi nhuận. Như vậy về lâu dài, doanh nghiệp hồi phục tốt hơn, ngân sách tăng thu thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế tiêu thụ đặc biệt, thu thuế thu nhập cá nhân và các khoản thuế khác liên quan. Và quan trọng, người lao động ổn định công việc, kinh tế phát triển”- TS Nhân chia sẻ.

Đồng quan điểm, chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu, đề xuất giảm 5% thuế VAT cho mọi mặt hàng, dịch vụ trong năm 2024. Trong bối cảnh nền kinh tế chưa thực sự phục hồi, sản xuất và kinh doanh của doanh nghiệp còn khó khăn, tiếp tục xem xét giảm thuế VAT vào nửa cuối năm 2024 là cần thiết.

Giảm thuế VAT kích cầu tiêu dùng, giúp doanh nghiệp tiêu thụ hàng hóa nhanh chóng, giảm lượng tồn kho, hỗ trợ hoạt động kinh doanh. Giảm 5% thuế VAT từ 10% xuống 5%, thay vì chỉ giảm 2% xuống mức 8%, để tác động mạnh mẽ hơn.

giảm thuế VAT
Sức mua tiêu dùng hiện đang thấp, các chuyên gia, doanh nghiệp đề xuất giảm tất cả hàng hoá, dịch vụ. Ảnh: QH

Lý do, giảm thuế VAT thấp hơn nữa vì hiện nay sức mua của nền kinh tế rất thấp, người dân ít tiêu dùng, đã và đang ảnh hưởng đến các nhà sản xuất kinh doanh như ế hàng tồn kho, không có doanh thu, đóng cửa.

“Bên cạnh đó, chính sách giảm thuế VAT cần xem xét áp dụng nguyên năm tài chính để doanh nghiệp chủ động kế hoạch sản xuất, kinh doanh hơn. Và việc triển khai thực hiện về hóa đơn chứng từ, tính toán mức giá hàng hóa, dịch vụ sẽ thuận lợi, kích cầu tiêu dùng hiệu quả hơn” – chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu góp ý.

Chị Ánh Dương, quận Gò Vấp, TP.HCM: Cần giảm thuế thấp hơn với những mặt hàng thiết yếu

Người dân hoan nghênh chính sách giảm thuế VAT của Chính phủ để góp phần giảm giá hàng hóa, dịch vụ trong bối cảnh lạm phát tăng cao như hiện nay. Nhưng nói thật là mấy lần giảm thuế VAT trước, hay trong mấy tháng đầu năm nay, nói giảm thuế 2% nhưng người dân chưa cảm nhận được được tác động lớn đến giá cả hàng hóa tiêu dùng. Chưa thấy hàng hóa rẻ hơn, nên gia đình cũng tiết kiệm chi tiêu chỉ mua những thứ cần thiết phải mua vì thu nhập vợ chồng đều giảm, chi phí học tập, ăn uống đều tăng.

Do vậy, đối với những hàng hóa tiêu dùng thiết yếu như gạo, thịt, cá, trứng sữa, rau quả, gia vị… đến nước, điện, gas, xăng dầu… cần phải giảm thuế thấp hơn nữa thì mới giảm giá hàng hóa. Từ đó mới giữ được lạm phát, người dân mới bớt “thắt lưng, buộc bụng” dễ thở hơn, mới kích cầu tiêu dùng, doanh nghiệp mới sản xuất, kinh doanh tốt hơn.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm