Đưa xe máy điện vào giao hàng, các hãng công nghệ toan tính điều gì?

Đưa xe máy điện vào giao hàng, các hãng công nghệ toan tính điều gì?

(PLO)- Đưa xe điện vào hoạt động giao hàng, các đơn vị giao hàng kỳ vọng sẽ mang lại nhiều lợi ích kinh tế cho doanh nghiệp và xã hội.

Hiện nay, xu hướng chuyển đổi từ xe xăng sang xe điện trong lĩnh vực giao vận đang ngày càng phát triển. Các doanh nghiệp vận tải và logistics tại nhiều quốc gia như Thái Lan, Đài Loan và Indonesia đều đang đẩy mạnh các phương án phát triển xe điện và có lộ trình chuyển đổi sang xe điện 100% cho tới năm 2035.

Tại hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc lần thứ 26 - COP26, Việt Nam cũng đã cam kết giảm lượng khí thải ròng bằng 0 cho tới năm 2050, mở ra thời đại của các phương tiện giao thông điện thông minh. Theo đó, những tháng cuối năm 2022, một số đơn vị giao vận đã bắt đầu công cuộc xanh hóa bằng việc đưa xe điện vào hoạt động giao hàng cũng như vận chuyển hành khách, thay cho xe xăng thông thường.

Xe máy điện được doanh nghiệp vận tải đưa vào hoạt động giao hàng nhằm hướng tới việc giảm KHÍ thải

Xe máy điện được doanh nghiệp vận tải đưa vào hoạt động giao hàng nhằm hướng tới việc giảm thiểu những tác động xấu tới môi trường. ẢNH: AHAMOVE

Nhiều đơn vị đưa xe điện để giao hàng

Trong tháng 9 và cuối tháng 11 vừa qua, Ahamove, một doanh nghiệp vận tải, đã bắt tay cùng ông lớn VinFast cho ra mắt dịch vụ vận chuyển công nghệ và chở khách bằng xe điện, thực hiện thí điểm đầu tiên tại Đà Nẵng. Mô hình hoạt động theo hướng khuyến khích phát triển và sử dụng năng lượng sạch, bảo vệ môi trường, đồng thời gia tăng trải nghiệm cho khách hàng và thu nhập cho đối tác tài xế.

Ahamove kết hợp cùng VinFast để đưa xe máy điện vào dịch vụ giao hàng và chở khách. Ảnh: Ahamove

Ahamove kết hợp cùng VinFast để đưa xe máy điện vào dịch vụ giao hàng và chở khách. Ảnh: Ahamove

Cũng trong xu thế này, ngày 29-12 vừa qua, Lazada Logistic (thuộc sàn thương mại điện tử Lazada Việt Nam) đã bắt tay hợp tác cùng Salex Motors, một công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực xe điện thông minh để đưa 100 chiếc xe máy điện vào hoạt động giao hàng tại thị trường Việt Nam trong năm 2023.

Theo đơn vị này, những chiếc xe này đều là mẫu xe máy điện “bán tải” đầu tiên ở Đông Nam Á, với năng lực vận tải vượt trội nhờ vào thiết kế độc đáo và khả năng tiết kiệm chi phí vận chuyển so với các phương tiện truyền thống, tính trên cùng một quãng đường. Ngoài ra, xe được quản lý thông minh, ứng dụng công nghệ IoT và có chi phí bảo trì thấp hơn so với các dòng xe máy xăng phổ thông.

Trước đó vào năm 2017, Lazada Logistics cũng thí điểm đưa xe đạp điện vào hoạt động giao hàng tại Việt Nam. Theo đó, mỗi chiếc xe đạp điện sẽ có thùng hàng với sức chứa gấp 2 - 3 lần thùng hàng trên xe máy truyền thống, di chuyển lên đến 20 km, và thực hiện được hơn 100 đơn hàng cho mỗi lần sạc. Mặc dù việc thí điểm không kéo dài những đã tạo đòn bẩy cho việc ứng dụng xe máy điện vào giao hàng như hiện nay.

Hay vào hồi đầu năm, Honda Việt Nam và Bưu điện Việt Nam (Vietnam Post) đã bắt tay hợp tác để triển khai thử nghiệm khoảng 70 xe vào việc giao hàng bằng mẫu xe máy điện Honda Benly e:.

Xe điện giải quyết bài toán chi phí nhiên liệu cho doanh nghiệp

Rõ ràng theo các đơn vị giao vận, việc giao hàng bằng xe điện đem lại nhiều lợi ích kinh tế cho doanh nghiệp và xã hội.

Ông Vũ Đức Thịnh, Giám đốc Lazada Logistics khẳng định việc đưa xe máy điện tham gia thị trường giao vận Việt Nam góp phần giảm thiểu lượng khí thải ra môi trường mà vẫn đem lại hiệu suất giao vận tối ưu.

Sàn TMĐT Lazada đưa xe máy điện vào hoạt động giao hàng nhằm giảm thiểu lượng khí thải mà vẫn đem lại hiệu suất giao vận cao. ẢNH: THU HÀ
Sàn TMĐT Lazada đưa xe máy điện vào hoạt động giao hàng nhằm giảm thiểu lượng khí thải mà vẫn đem lại hiệu suất giao vận cao. ẢNH: THU HÀ

Theo tính toán của sàn TMĐT này, giao hàng bằng xe điện không chỉ giúp tiết kiệm chi phí nhiên liệu so với các phương tiện truyền thống mà chi phí bảo trì thấp hơn so với các dòng xe máy xăng phổ thông. Ngoài ra việc di chuyển bằng xe điện góp phần bảo vệ môi trường và đem lại nhiều lợi thế cho hoạt động kinh doanh và vận hành của doanh nghiệp. Đơn cử như với thiết kế thùng hàng lớn, chứa được nhiều hàng hơn, đặc biệt là hàng cồng kềnh, từ đó đẩy nhanh tiến độ giao hàng, tiết kiệm thời gian quay về kho lấy hàng cho các nhân viên giao hàng (shipper).

Bên cạnh đó, việc quản lý vận hành cũng trở nên dễ dàng cho doanh nghiệp khi có sẵn hạ tầng các trạm đổi pin tự động, được quản lý thông minh, ứng dụng công nghệ IoT.

Ông Phạm Hữu Ngôn, CEO Ahamove cũng tự tin khẳng định: “Lựa chọn xe điện công nghệ trong vận chuyển hàng hóa và chở khách, Ahamove mong muốn hạn chế đến mức tối thiểu tác động xấu tới môi trường, đảm bảo an toàn và mang trải nghiệm mới tuyệt vời đến người sử dụng. Chiến lược này cũng góp phần tiết kiệm ngân sách nhà nước trong việc xử lý khí thải, giảm tình trạng quá tải của hệ thống y tế vì tai nạn giao thông gia tăng…”.

PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế đánh giá việc sử dụng xe điện cho mục đích giao hàng cũng như các hoạt động giao thương khác là xu hướng tốt và có ảnh hưởng đáng kể đến tăng trưởng phát triển kinh tế xanh trong tương lai.

Theo ông Thịnh hiện nhà nước cũng có chính sách, chủ trương phát triển năng lượng xanh đối với ngành giao thông vận tải khi phấn đấu đến 2050 là 100% phương tiện giao thông cơ giới đường bộ chuyển sang sử dụng điện, năng lượng xanh, đồng thời, hoàn thiện hạ tầng sạc điện để cung cấp năng lượng xanh trên toàn quốc.

Tuy nhiên để thúc đẩy sự phát triển này một cách nhanh chóng, theo ông Thịnh cần có thêm nhiều cơ chế, ưu đãi và tính toán cân đối nguồn năng lượng để đảm bảo cho hoạt động của lĩnh vực xe điện. Bên cạnh đó cũng cần có các ưu đãi về thuế sử dụng phương tiện điện, ưu tiên mặt bằng cho việc xây dựng nhà máy pin, các trạm sạc, về nơi đỗ, địa bàn lưu thông… hay những ưu đãi liên quan đến nguồn vốn cho các doanh nghiệp sản xuất ô tô, xe máy điện, sản xuất bộ lưu trữ điện, các điểm sạc…

Đọc thêm

Rào chắn bao quanh cửa hàng xăng dầu. ẢNH: TÚ UYÊN

TP.HCM: 18 cửa hàng xăng dầu tạm ngưng hoạt động

(PLO)- Theo Sở Công thương TP.HCM, các cửa hàng xăng dầu này tạm ngưng với các lý do để sữa chữa nâng cấp, do giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu hết hạn, đang thực hiện thủ tục theo quy định.

TKV: Doanh thu, lợi nhuận vượt kế hoạch, lương bình quân tăng

TKV: Doanh thu, lợi nhuận vượt kế hoạch, lương bình quân tăng

(PLO)- Với doanh thu năm 2023 đạt trên 170.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 7.800 tỷ đồng, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) tiếp tục giữ ổn định các hệ số tài chính quan trọng và đủ khả năng thanh toán các khoản nợ đến hạn.