Để người Việt 'kết duyên' với xe điện

(PLO)- Chính phủ và doanh nghiệp sản xuất phải đồng hành, hợp tác xây dựng trạm sạc, hạ giá thành xe điện nhằm khuyến khích người dân mua sản phẩm nhiều hơn.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Dù không còn quá xa lạ nhưng thị hiếu về ô tô điện hay hybrid (xe sử dụng đồng thời động cơ đốt trong truyền thống và moteur điện) đối với người tiêu dùng Việt Nam cũng chưa thực sự phổ biến.

Chưa kể việc đầu tư cơ sở hạ tầng như trạm sạc hay các chính sách ưu đãi đối với dòng xe này còn nhiều hạn chế khiến người Việt vẫn đánh giá ô tô điện chỉ như là một mẫu xe dự phòng.

Thị trường vẫn ngần ngại

Tại thị trường Việt Nam, một trong những mẫu xe điện lưu hành phổ biến nhất là ô tô điện VinFast VF e34. Theo báo cáo của nhà sản xuất, tính từ đầu năm đến nay có hơn 2.000 xe đến tay khách hàng.

Bên cạnh đó, hai mẫu ô tô điện khác là Hyundai Ioniq 5 và Kia EV6 cũng đã được giới thiệu tại Việt Nam nhưng chưa chính thức mở bán. Trong đợt giới thiệu, các sản phẩm này cũng nhận được sự quan tâm của số đông người tiêu dùng. Điều này chứng tỏ xu hướng sử dụng ô tô điện đối với người Việt bắt đầu có sự thay đổi.

Để phát triển thị trường xe điện cần có những chính sách ưu tiên, khuyến khích cả nhà sản xuất và người tiêu dùng. Ảnh: THY NHUNG

Để phát triển thị trường xe điện cần có những chính sách ưu tiên, khuyến khích cả nhà sản xuất và người tiêu dùng. Ảnh: THY NHUNG

Tuy nhiên, thị trường ô tô điện tại Việt Nam vẫn chưa có sự bứt phá, số lượng xe chưa nhiều và tâm lý người dùng còn lo ngại về vấn đề trạm sạc, phạm vi di chuyển hay công nghệ sản xuất, giá cả của xe trong khi mẫu mã lại quá ít.

Anh Nguyễn Minh Long (quận Phú Nhuận, TP.HCM) chia sẻ: “Thực tế việc sử dụng ô tô điện ở nước ta chưa nhiều, các điểm sạc pin thường bị chiếm dụng, không thuận tiện. Vì vậy khi nào việc sạc pin dễ dàng hơn, nhiều người chạy xe điện hơn thì tôi mới đầu tư”.

Chủ nhân của một chiếc ô tô điện chia sẻ: “Hiện tôi đang sử dụng song song chiếc VinFast VF e34 và chiếc bán tải Ford Ranger. Khi cần đi xa thì tôi dùng chiếc bán tải chứ chưa dám đi ô tô điện”.

Đại diện Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) cũng nhìn nhận thị trường ô tô đang từng bước thay đổi, người tiêu dùng bắt đầu quan tâm và chọn xe điện nhưng mức độ thay đổi chưa cao. Theo số liệu từ các đại lý, đa số người mua ô tô điện hiện nay là mua chiếc xe thứ hai. Họ dùng ô tô điện để di chuyển gần, đi chơi, cà phê, dạo phố chứ không lựa chọn để đi một quãng đường xa.

“Đây là bước chập chững ban đầu, để xe điện thay thế hoàn toàn xe xăng thì còn phải mất một khoảng thời gian khá dài nữa” - vị này cho hay.

Bài toán trạm sạcgiáxe

Hiện nay, hàng loạt chính sách ưu đãi thuế về thuế tiêu thụ đặc biệt, nhập khẩu, thu nhập doanh nghiệp và lệ phí trước bạ đã được ban hành với kỳ vọng giúp phát triển thị trường ô tô điện.

Cụ thể như thuế tiêu thụ đặc biệt với xe điện chạy pin dưới chín chỗ chỉ còn 3% từ tháng 3 và áp dụng trong vòng năm năm, trong khi xe chạy xăng mức thuế này là từ 35% trở lên.

Ngoài ra, Nghị định 10/2022 quy định ô tô điện chạy pin trong vòng ba năm kể từ ngày 1-3-2022 được miễn lệ phí trước bạ lần đầu. Trong vòng hai năm tiếp theo, nộp lệ phí trước bạ lần đầu bằng 50% mức thu đối với ô tô chạy xăng dầu có cùng số chỗ ngồi.

Một số khó khăn đối với việc phát triển ô tô điện tại Việt Nam có thể kể ra: Thứ nhất là nguồn điện phải sạch; thứ hai là trạm sạc phải tiện lợi, rộng khắp; thứ ba là đường dẫn điện từ nhà máy điện sạch tới các trạm sạc. Thêm nữa là câu hỏi xe điện có giá hợp lý để người Việt mua được hay không bởi hiện nay mức giá vẫn còn khá cao.

Lộ trình sử dụng 100% xe điện tại Việt Nam

Ngày 22-7, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí carbon và khí mê-tan của ngành giao thông vận tải. Quyết định 876 này có hiệu lực từ ngày 22-7. Theo đó, lộ trình chuyển đổi năng lượng xanh đối với giao thông đường bộ được thực hiện như sau:

- Giai đoạn 2022-2030:

+ Thúc đẩy sản xuất các loại phương tiện giao thông đường bộ sử dụng điện, phấn đấu đến năm 2030, 100% phương tiện giao thông đường bộ sử dụng xăng E5.

+ Phát triển hạ tầng sạc điện đáp ứng nhu cầu người dân, doanh nghiệp.

- Giai đoạn 2031-2050:

+ Đến năm 2040, từng bước hạn chế và tiến tới dừng sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu ô tô, xe máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch sử dụng trong nước.

+ Đến năm 2050, 100% phương tiện giao thông cơ giới đường bộ chuyển sang sử dụng điện, năng lượng xanh; đồng thời hoàn thiện hạ tầng sạc điện để cung cấp năng lượng xanh trên toàn quốc.

“Công nghệ sản xuất cần được thúc đẩy để việc sạc xe nhanh, thời gian sạc 20 phút hay hàng tiếng đồng hồ là cả một vấn đề. Nếu giải quyết được hết những vướng mắc này thì chắc chắn xe điện sẽ được người tiêu dùng lựa chọn nhiều hơn” - đại diện VAMA nhận định.

VAMA cho rằng một trong những giải pháp là tập trung vào loại xe vừa đáp ứng được tiêu chí phát triển ngành ô tô vừa giảm phát thải. Ví dụ phát triển các loại xe hybrid, nhiên liệu sinh học để có lộ trình đa chiều, ứng dụng năng lượng xanh - sạch.

Ông Nguyễn Minh Đồng, chuyên gia ô tô, góp ý các nước trên thế giới đều ủng hộ người dân sử dụng xe điện bằng cách giảm thuế, bù chi phí. Ví dụ Trung Quốc chi tiền để xây dựng cơ sở hạ tầng, cho tiền để người dân đổi xe xăng sang xe điện mà hiện tại chỉ mới phát triển được khoảng 2%-3%.

“Muốn phát triển xe điện thì Chính phủ và doanh nghiệp sản xuất phải đồng hành, hợp tác để xây dựng trạm sạc, làm sao để giá thành xe điện rẻ hơn thì người dân sẽ mua nhiều hơn” - ông Đồng cho hay.

Chuyên gia này cũng đặt câu hỏi người dùng xe điện di chuyển một quãng đường xa hơn 300 km thì có bao nhiêu chỗ sạc điện? Người dân không thể mua nhiều chiếc xe để sử dụng cho nhiều hành trình khác nhau. Người tiêu dùng sẽ muốn mua xe điện nếu như chỉ cần ngồi cà phê 20 phút là có thể sạc được đầy pin xe.

“Kêu gọi người dân vì môi trường thì phải đầu tư cơ sở hạ tầng, công nghệ pin, thời gian sạc và giá thành xe là điều cốt lõi để chuyển thị trường sang 100% sử dụng xe điện” - ông Đồng nhấn mạnh.

TS MAI DUY THIỆN,
Chủ tịch Hiệp hội
Năng lượng sạch Việt Nam (VCEA):

Trạm sạc phải có ở cả thành thị vànông thôn

Hiện nay, Chính phủ đã có những chính sách ưu đãi để phát triển thị trường ô tô điện, nhiều doanh nghiệp lớn đã đi vào sản suất, phát triển sản phẩm này nhưng vướng mắc là giá thành xe còn cao. Các hãng xe phải làm sao giảm được chi phí sản xuất, sản xuất được xe có giá cả phải chăng, phù hợp với đại đa số người dùng. Thứ hai là chất lượng xe phải tốt, pin đạt tiêu chuẩn, chất lượng cao, chú trọng khâu bảo hành, bảo dưỡng sau bán hàng.

Đối với trạm sạc, hiện nay tại các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM có thể triển khai cơ sở trạm sạc. Cùng với đó, các tỉnh, thành khác kể cả khu vực nông thôn cũng cần có hạ tầng trạm sạc đáp ứng thì xe điện mới có thể phủ rộng. Hiện nay, giá xăng tăng cao, người dân ở nhiều khu vực nông thôn cũng có nhu cầu mua ô tô điện, đây chính là cơ hội.

Bên cạnh đó, các bộ, ngành, địa phương cũng phải vào cuộc, cùng với Chính phủ có những chủ trương kịp thời để phát triển ô tô điện, giảm tiêu hao năng lượng, giảm phát thải.

PGS-TSĐINH TRỌNG THỊNH, chuyên gia kinh tế:

Cần thêm nhiều biệt đãi cho ô tô điện

Ở Mỹ, ngoài khoản miễn thuế, nhiều tiểu bang còn áp dụng các ưu đãi như đỗ xe miễn phí, đi vào làn đường có mật độ cao. Chính phủ còn cam kết tài trợ cho doanh nghiệp lắp đặt thêm cơ sở hạ tầng các trạm sạc. Các mẫu ô tô điện bán ra tại Mỹ cũng được trợ giá cho đến khi hãng sản xuất đạt được doanh số nhất định.

Tại Trung Quốc, chính phủ nước này đã ban hành kế hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô năng lượng mới từ năm 2012, coi việc phát triển xe điện là một kế hoạch quốc gia. Vì thế, nhà sản xuất và người dùng ô tô điện được hưởng rất nhiều hỗ trợ, trong đó có các khoản trợ cấp cho nhà sản xuất, hỗ trợ để xây trạm sạc… Người dùng tại đây, ngoài được giảm giá xe còn được ưu đãi phí làm biển số, miễn phí khi đi cao tốc hay đẩy nhanh thời gian đăng ký xe

Vì vậy, để đẩy mạnh phát triển ô tô điện tại Việt Nam thì phải có thêm nhiều biệt đãi để người tiêu dùng thấy có nhiều lợi ích khi mua xe điện. Ví dụ, ô tô điện được ưu tiên dừng đỗ xe, di chuyển vào những tuyến đường nội đô bị hạn chế, miễn phí khi vào cao tốc, trạm thu phí… Phía Chính phủ, các địa phương cũng cần hỗ trợ đất để xây dựng trạm sạc, diện tích đủ để xe điện có thể dừng, đậu sạc pin. QUANG HUY

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm