Đức có kế hoạch chi hơn 5 tỉ USD để trang bị thêm hệ thống phòng không, theo hãng tin Bloomberg.
Cụ thể Đức sẽ mua 6 hệ thống phòng không IRIS-T với tổng chi phí ước tính khoảng 950 triệu euro (1 tỉ USD), và cũng đang xúc tiến mua hệ thống phòng không Arrow-3 của Israel với tổng giá trị lên tới gần 3,99 tỉ euro (4,3 tỉ USD).
IRIS-T được coi là một trong những hệ thống phòng không tiên tiến nhất thế giới. Ảnh: IMAGO |
Theo kế hoạch, hệ thống IRIS-T đầu tiên sẽ được giao vào năm 2024 và hệ thống thứ hai được giao vào năm 2025. Ba hệ thống khác dự kiến được cung cấp vào năm 2026 và hệ thống cuối cuối cùng dự kiến được giao vào năm 2027.
Theo hãng tin AFP, để mua hệ thống Arrow-3, chính phủ Đức đã đề nghị ủy ban ngân sách của Hạ viện đồng ý tạm ứng 560 triệu euro. Nếu thỏa thuận diễn ra theo đúng kế hoạch, hệ thống Arrow-3 dự kiến được giao cho Đức vào quý IV, năm 2025.
Hệ thống Arrow-3 mà Đức lên kế hoạch mua là hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo, do Israel và Mỹ cùng phát triển và sản xuất để đối phó với các mối đe dọa tầm xa. Arrow-3 được xem là một phần quan trọng trong hệ thống phòng thủ tên lửa nhiều tầng của Israel.
Hệ thống Arrow-3 có thể bắn hạ các tên lửa được bắn từ bên ngoài bầu khí quyển Trái Đất. Hệ thống này đủ mạnh để tạo nên vỏ bọc bảo vệ cho các quốc gia láng giềng của Đức thuộc Liên minh châu Âu.
Nguồn tiền để mua các hệ thống phòng không này được trích từ quỹ đặc biệt trị giá 100 tỉ euro. Quỹ trên được chính phủ Đức thành lập để giúp hiện đại hóa quân đội. Kế hoạch mua sắm này sẽ được ủy ban ngân sách của Hạ viện Đức xem xét tại cuộc họp ngày 14-6.
Hệ thống phòng không Arrow-3. Ảnh: BỘ QUỐC PHÒNG ISRAEL |
Trước đó, vào tháng 10-2022, 15 quốc gia, chủ yếu là thành viên NATO, đã ký một lá thư thể hiện ý định tham gia dự án tạo ra lá chắn chống tên lửa ở châu Âu.
Sáng kiến này được Thủ tướng Đức Olaf Scholz công bố trong một bài phát biểu tại Praha (Cộng hòa Czech) vào tháng 8-2022. Khi ấy, ông cho hay Đức sẽ đầu tư đáng kể vào hệ thống phòng không vì châu Âu có “rất nhiều việc phải làm”.
Đức cũng đã cung cấp 2 trong số các hệ thống phòng không IRIS-T tiên tiến cho Ukraine. Hệ thống này được công ty quốc phòng Diehl Defense của Đức sản xuất.
Sau khi xung đột tại Ukraine nổ ra, chính phủ của Thủ tướng Scholz đã từ bỏ chính sách không gửi vũ khí đến các vùng xung đột và là một trong những nhà cung cấp vũ khí hào phóng nhất cho Kiev. Ngoài ra, ông Scholz cũng tuyên bố thành lập quỹ trị giá 100 tỉ euro để củng cố lực lượng vũ trang của Đức.