Đừng chế biến sai cách 5 loại thực phẩm này

Có những thực phẩm mang lại nhiều giá trị dinh dưỡng cho cơ thể, tuy nhiên, chúng có thể gây ngộ độc nếu bạn chế biến và bảo quản sai cách. Dưới đây là một số thực phẩm, chúng ta cần lưu ý khi sử dụng.

Thịt chưa chín

Theo Litverse, thịt đỏ, gia cầm sống, rất dễ chứa vi khuẩn Campylobacter, Salmonella, E.coli... Khi bạn rửa thịt sống, các vi khuẩn này có thể lây lan sang nhiều thực phẩm, dụng cụ và bề mặt nấu ăn, dẫn đến ngộ độc. Nấu chín thịt có thể tiêu diệt các vi khuẩn này.

Chế biến khoai tây mọc mầm

Mầm khoai tây chứa nhiều solanine và chaconine, hai loại của chất độc glycoalkaloids có thể gây hại cho hệ thống thần kinh. Trong đó Solanin có thể gây ngộ độc chết người với liều lượng 0,2 -0,4 g trên 1kg trọng lượng cơ thể.

Không nên ăn khoai tây mọc mầm. Ảnh: YB

Do đó, khi chế biến khoai tây người tiêu dùng nên chú ý quan sát. Trong trường hợp củ khoai mới nảy 1-2 mầm nhỏ, nếu ta bỏ cả đi thấy phí thì phải bỏ hết mầm mà còn phải khoét bỏ hết chân mầm, đồng thời gọt bỏ vỏ để loại bỏ hầu hết chất solanin tập trung ở đây rồi mới được nấu ăn. Tuy nhiên, tốt nhất bạn vẫn nên loại bỏ khoai tây mọc mầm ra khỏi thực đơn của gia đình. 

Chế biến hải sản chưa chín kỹ

Các loài thủy sinh có vỏ như tôm, hàu, ngao... rất dễ bị vi khuẩn Vibrio vulnuficus sống ký sinh, đây là loại vi khuẩn được mệnh danh là "vi khuẩn ăn thịt người", có thể gây hoại tử cân cơ người nhiễm rất nhanh.

PGS-TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên giảng viên Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, ĐH Bách Khoa Hà Nội cảnh báo, người tiêu dùng khi ăn hải sản sống hoặc nấu chưa chín kỹ, đặc biệt là hàu sẽ có nguy cơ nhiễm bệnh rất cao. Một thống kê trên 180 bệnh nhân nhiễm loại vi khuẩn nguy hiểm này cho thấy có gần 93% có ăn hàu sống trong 2 ngày trước đó.

Ăn nấm không rõ nguồn gốc

Hàng năm có rất nhiều vụ ngộ độc do ăn nấm. Hầu hết mọi người đều không biết phân biệt các loại nấm, nhất là nấm dại. Ngay cả các chuyên gia cũng có thể nhầm lẫn nấm ăn được với nấm dại. Nấm độc chứa các chất gây hại như orellanine, gyromitrin, alpha-amanitin. Nếu ăn phải nấm độc hoặc chưa nấu chín, bạn có thể chết vì suy gan.

Chỉ nên ăn các loại nấm thông dụng, và cần nấu chín nấm. Ảnh:Yêu Bếp

Do đó, tuyệt đối không ăn nấm lạ, nấm không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Không ăn nấm quá già, hay hái nấm non để ăn, vì chưa thấy hết đặc điểm cấu tạo của nấm nên không xác định rõ loại nấm.

Bên cạnh đó, nấm tươi mới hái hoặc mua về nên sơ chế và sử dụng ngay, vừa đảm bảo an toàn vừa giúp các chất dinh dưỡng trong nấm không bị mất đi. Nếu để nấm lâu ngày, không bảo quản cẩn thận, nấm bị ôi và nát cũng có thể chuyển thành nấm độc.

Chế biến măng tươi

Măng chứa nhiều dinh dưỡng nếu chế biến sai cách sẽ gây ngộ độc, thậm chí tử vong. Trong măng tươi có hàm lượng HCN (acid cyanhydric) cao, chất này gây hại cho cơ thể. Với liều 50-60 mg (vào khoảng 200 g măng tươi chưa luộc), HCN sẽ gây tử vong, bắt đầu với các triệu chứng khó thở, mất tri giác, liệt cơ, co giật, ngừng thở... Để hạn chế thấp nhất độc chất trong măng, khi mua măng tươi về người ta thường luộc kỹ nhiều lần trước khi chế biến.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm