Đừng đập bỏ ‘dinh Thượng thơ của lòng dân’!

Cuộc tranh luận phá bỏ hay giữ lại dinh Thượng thơ, tức tòa nhà 59-61 Lý Tự Trọng, quận 1, TP.HCM, đã kéo dài hơn hai tháng. Đáng mừng là lần đầu tiên có một cuộc tranh luận công khai ở TP về việc phá bỏ một tòa nhà xưa cùng với cảnh quan xung quanh nó, trước khi “sự đã rồi”.

Dinh của dân - quyền lợi của dân

Việc người dân và công luận quan tâm chuyện phá hay giữ dinh Thượng thơ đã và đang cho thấy tòa nhà này và các vấn đề liên quan, đích thực là dinh thự của dân - tài sản của dân và quyền lợi của dân.

Thật vậy, nhiều ý kiến đồng thuận không phá bỏ tòa nhà là vì để giữ lại ký ức Sài Gòn xưa cũng chính là giá trị quý báu cho người dân TP hiện tại và cho con cháu mai sau. Thêm nữa, nó còn là lợi ích và tài sản nhân văn, lợi ích và tài sản kinh tế khi TP này không thể chỉ làm du lịch dựa trên mua sắm hay ẩm thực, trong khi tài nguyên lịch sử có không ít nhưng bị lãng quên hay phí phạm. Đặc biệt, cần cảnh báo nguy cơ mật độ giao thông gia tăng và cây xanh hiện hữu bị phá khi xây dựng trung tâm hành chính mới ở trung tâm đô thị cũ. Nhiều người đã đồng thuận đẩy mạnh cải cách hành chính, áp dụng chính quyền điện tử, xây dựng đô thị thông minh mới là giải pháp căn cơ và tổng thể để bộ máy công vụ hoạt động hiệu quả chứ không cần phải tăng thêm diện tích nhà làm việc và nhân sự cho bộ máy vốn đã cồng kềnh! Mặt khác, trong lúc ngân sách đang kiệt quệ thì không thể coi việc xây dựng những công sở hoành tráng như thế là việc đem lại lợi ích cấp thiết cho người dân.

Ngay cả khi chính quyền dự định việc xây dựng sẽ thực hiện theo hình thức hợp tác công-tư thì xã hội càng phải quan tâm, giám sát chặt chẽ việc xây dựng có được thực hiện thông qua đấu thầu minh bạch hay không. Việc trả tiền cho nhà đầu tư bằng đất có được thực hiện thông qua đấu giá đúng luật hay không.

Dinh Thượng thơ - ký ức đẹp về Sài Gòn xưa, nay là trụ sở Sở TT&TT và Sở Công Thương. Ảnh: HOÀNG GIANG

Di sản kiến trúc vô giá của quốc gia

Dinh Thượng thơ - cái tên mộc mạc mà người Sài Gòn xa xưa đã gọi để chỉ trụ sở của Nha hành chính nội vụ Nam Kỳ. Tòa nhà này hoàn toàn không phải là chứng tích tôn sùng thực dân, đế quốc… Ngược lại, bản thân tòa nhà cũng như tất cả công thự hành chính, kinh tế, y tế, giáo dục và văn hóa được xây dựng trong thời Pháp thuộc trên cả nước đều được làm từ tiền thuế và công sức lao động của người dân Việt Nam. Chính quyền Pháp khi xây dựng các công thự đều phải chọn lọc các kiến trúc sư giỏi, đưa ra các phương án kiến trúc kết hợp được phong cách Pháp-Việt, đáp ứng được các yêu cầu về cảnh quan và tiện nghi sử dụng ở nước nhiệt đới. Mặt khác, hội đồng TP và các cơ quan chuyên môn đều phải thảo luận, cân nhắc một cách thận trọng khi duyệt thiết kế và kinh phí xây dựng. Kế đến các cơ quan này còn giám sát chặt chẽ quá trình xây sửa và bảo dưỡng công thự. Những tòa nhà như thế ở TP.HCM, Huế, Hà Nội và các tỉnh, thành khác vốn không nhiều, cho dù chưa được xếp hạng di tích đều xứng đáng được coi là những báu vật vô giá không chỉ ở cấp địa phương mà còn ở cấp quốc gia!

Huống chi, tòa nhà dinh Thượng thơ, xây dựng vào nửa cuối thế kỷ 19, từng có một lịch sử lâu dài liên quan không chỉ hành chính, kinh tế suốt ba thế kỷ. Tòa nhà còn là chứng tích liên quan văn hóa (trụ sở Gia Định Báo, trụ sở Thư viện Nam Kỳ - thư viện công cộng đầu tiên của Đông Dương, trụ sở Sở TT&TT hiện giờ). Vị trí của tòa nhà, hợp cùng các tòa nhà xưa còn lại, là một phần cảnh quan tiêu biểu của con dốc Catinat (tính từ nhà thờ Đức Bà đổ xuống đường Lê Thánh Tôn). Hơn nữa, dưới lòng đất ở ngã tư Lý Tự Trọng-Đồng Khởi, năm 1926, người Pháp đã tìm được dấu tích cổng thành phía Nam của Thành Quy (1790).

Cho nên cần thiết giữ lại dinh Thượng thơ và kết nối vào tòa nhà trụ sở UBND TP hiện tại. Song hoàn toàn không nên chỉ dùng làm trụ sở các sở, ban ngành như trước nữa. Nơi đây nên trở thành một công thự đa năng: Nơi tiếp khách, trao giải thưởng, ký giấy đăng ký kết hôn, bảo tàng nhỏ về hành chính hoặc đời sống Sài Gòn xưa, triển lãm công nghệ TP thông minh, trưng bày ảnh và mỹ thuật, sân khấu nhỏ dành cho người dân và du khách… Các sở, ban ngành không cần phải “xúm xít” ở liền với HĐND và UBND mà ngược lại, trụ sở của hai cơ quan này nên ưu tiên là nơi giao tiếp, sinh hoạt giữa các đại biểu của dân. Và hãy để dân được sử dụng, được thưởng ngoạn các dinh thự của dân nhiều hơn, phong phú hơn.

Hãy ưu tiên coi các dinh thự là dinh của dân, quyền lợi dân là cao nhất và lâu dài chứ không phải lợi ích theo nhiệm kỳ và tệ hơn nữa là quyền lợi nhóm riêng tư.

Cần có luật sử dụng công thự

Việc dừng lại phương án xóa bỏ dinh Thượng thơ sẽ mở ra cơ hội tốt để nhìn nhận lại không chỉ vấn đề giữ gìn và tôn tạo di sản mà còn là việc sử dụng hiệu quả các công thự phục vụ nhiều mặt cho xã hội, kinh tế, văn hóa và giáo dục. Các cơ quan soạn thảo luật cần chú ý bổ sung, sửa đổi luật lệ về sử dụng công thự không chỉ liên quan về mặt di sản mà còn mở rộng ra nhiều mặt khác, đem lại lợi ích cho dân.

Nỗi ám ảnh về “sự đã rồi”

Nhiều người hẳn khó quên “sự đã rồi” đã xảy ra cho tòa nhà Học chính Nam Kỳ - Sở Giáo dục TP, khu nhà máy Ba Son, thương xá Tax cùng bùng binh Nguyễn Huệ-Lê Lợi… trong vòng bảy năm trở lại đây. Đáng lo là không biết bao giờ những người có trách nhiệm trong dự án xây dựng công trình công cộng này có được câu trả lời chính thức để câu chuyện không bị “chìm xuồng”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới