Diễn đàn "Mặc áo dài dịp Tết" những ngày qua thu hút khá đông ý kiến của bạn đọc tham gia đóng góp.
Để khép lại diễn đàn, PLO xin giới thiệu ý kiến của chị Nguyễn Thị Thanh Thúy, Hội trưởng Hội quán các bà mẹ, đơn vị nhiều năm qua bền bỉ với cá hoạt động đưa áo dài ra với đời thường.
Áo dài là trang phục truyền thống của người Việt đã được cha ông từ thời xa xưa kỳ công sáng tạo, sửa đổi hoàn chỉnh. Trải qua bao thăng trầm và biến đổi, chiếc áo dài vẫn hiện hữu rồi dần trở thành thứ trang phục trang nhã, lịch sự được diện tại các sự kiện quan trọng như lễ cưới hỏi, cúng đình, họp hội...
Ngày nay, áo dài ít xuất hiện, giới trẻ lại không mấy mặn mà với thứ trang phục được coi là lễ phục hơn là thường phục. Theo thời gian, trong các dịp trọng đại, áo dài lại dần được thay thế bởi thứ trang phục ngoại lai như đầm, váy cắt xẻ kiểu cách.
"Trend" áo dài, vừa mừng cũng vừa lo!
Thời gian gần đây, trong giới trẻ xuất hiện trào lưu mặc áo dài chụp ảnh tại các địa điểm nổi tiếng như Dinh Độc Lập, Bảo tàng Áo dài, Chợ Bến Thành... Với sức lan rộng của mạng xã hội, chỉ trong thời gian ngắn, nhà nhà, người người thi nhau sắm áo dài xuống phố tạo dáng để có những bộ ảnh ưng ý "post" mạng xã hội cho kịp trào lưu.
Chị Nguyễn Thị Thanh Thúy, Hội trưởng Hội quán các bà mẹ, người phụ nữ có nhiều năm hoạt động cộng đồng trong việc giữ gìn và bảo tồn các giá trị truyền thống dân tộc. Chia sẻ về trào lưu diện áo dài chụp ảnh của giới trẻ, chị Thúy cho rằng đây là một tín hiệu "sống" mãnh liệt đáng mừng của chiếc áo dài truyền thống Việt Nam.
Theo chị Thúy, khi giới trẻ đua nhau diện áo dài chụp ảnh tại các địa điểm nổi tiếng trong TP, hình ảnh chiếc áo dài sẽ trở nên phổ biến hơn không chỉ trong mắt người Việt mà cả du khách nước ngoài.
"Áo dài "sống lại" nhờ trào lưu là tín hiệu đáng mừng, nhưng cũng lo vì trào lưu thường chỉ xuất hiện trong một khoảng thời gian, rồi biến mất. Áo dài là quốc phục, trang phục truyền thống của người Việt, nhưng nếu áo dài chỉ phổ biến trong khoảng thời gian nào đó thì thật đáng lo ngại" - chị Thúy chia sẻ.
Người Việt nên chăm mặc áo dài
Suốt nhiều năm qua, trong mọi sự kiện từ lớn nhỏ đến các hoạt động đời thường, chị Thúy luôn xuất hiện giản dị với chiếc áo dài thanh lịch. Chị tự hào khi nói rằng bản thân chị có thể diện áo dài 365 ngày.
Với chị, áo dài là niềm tự hào, là sự kiêu hãnh của người Việt trong mắt bạn bè quốc tế.
Không chỉ hoạt động cộng đồng, chị Thúy và các chị em trong Hội còn trưng bán áo dài tại các hội chợ Tết, triển lãm nhằm giới thiệu, quảng bá trang phục truyền thống dân tộc đến với du khách trong và ngoài nước.
Nhiều năm làm các hoạt động về áo dài, chị Thúy từng chứng kiến không ít câu chuyện nghịch lý. Một số người bạn nước ngoài của chị khi được mời tham dự đám cưới tại Việt Nam, vì muốn hòa nhập văn hóa Việt, họ chọn áo dài để mặc vì nghĩ người Việt sẽ mặc trang phục truyền thống nhiều trong lễ cưới.
Thế nhưng thực tế người Việt lại rất ít mặc áo dài trong những dịp này trừ gia đình cô dâu chú rể hay một số các cụ lớn tuổi. Thay vào đó, họ chọn các bộ đầm, váy đủ kiểu từ lớn đến nhỏ.
Nói về câu chuyện bảo tồn áo dài, chị Thúy cho biết, hiện nay phần lớn người Việt đều chọn dịch vụ thuê áo dài vào các dịp cần dùng đến như dự lễ, đi hội hay sự kiện. Tủ quần áo người Việt rất ít người có sẵn một bộ áo dài, đa số là các trang phục hiện đại như áo phông, quần jeans, đầm, váy.
"Áo dài là di sản văn hóa của người Việt, để văn hóa trường tồn, người Việt càng phải gắng sức giữ gìn, phổ quát rộng rãi trong đời sống. Muốn vậy, người Việt nên càng chăm diện áo dài, nhất là vào những dịp quan trọng của đất nước như Tết Nguyên đán" - Hội trưởng Hội quán các bà mẹ kỳ vọng.