Theo bà Tâm, những người làm công tác chính sách đối với người có công với cách mạng cần làm việc trên tinh thần hỗ trợ, tận tụy chứ không nên máy móc. Cần xem các gia đình có công là đối tượng phục vụ, chứ không đơn thuần là công việc hành chính vì sẽ khiến thân nhân của họ tổn thương.
“Cần làm việc với tinh thần, thái độ đầm ấm, cảm thấu chứ không phải ban ơn. Khi có thông tin, manh mối về những người có công với cách mạng cần tiếp cận gia đình họ chứ không nhất thiết chờ đợi đến khi gia đình đến làm thủ tục. Bởi thực tế, có người thầy thủ tục rườm rà họ không làm”, bà Tâm nhắc nhở.
Để hỗ trợ, động viên các gia đình có công với cách mạng, bà Tâm yêu cầu các quận, huyện, sở ngành cần rà soát lại xem trên địa bàn còn bao nhiêu trường hợp người có công chưa được thụ hưởng chính sách để có phương án tháo gỡ, hỗ trợ kịp thời.
Về công tác đào tạo nghề, tạo việc làm cho con em gia thương binh, liệt sĩ và người có công, Chủ tịch HĐND TP yêu cầu Sở LĐ-TB&XH, Ban Văn hóa- Xã hội HĐNDD TP các quận, huyện cần rà soát lại xem các trường hợp học xong có tìm được việc làm ổn định hay không. Riêng những người không có sức lao động thì cần xem lại phần ngân sách hỗ trợ bao nhiêu, xã hội hóa bao nhiêu để có phương án hỗ trợ.
Đến nay, Sở LĐ-TB&XH TP.HCM đã tiếp nhận hồ sơ và giải quyết chế độ một lần cho hơn 1.800 trường hợp với tổng số tiền hơn 4,6 tỷ đồng. Tiếp nhận 122 trường hợp giải quyết trợ cấp hàng tháng do quân đội và công an chuyển đến. Giải quyết thẻ BHYT cho 28.667 trường hợp giải. Giải quyết mai táng phí cho 546 trường hợp. Ngoài ra, từ đầu năm 2016 đến nay, các quận, huyện đã hỗ trợ đào tạo nghề cho 144 trường hợp, giải quyết việc làm cho 457 trường hợp là con em thương binh, liệt sĩ.