Vụ Lữ Anh Dồi: Biên phòng Cà Mau giữ nguyên quan điểm

Như Pháp Luật TP.HCM đã thông tin, mới đây Ban Chỉ huy bộ đội biên phòng tỉnh Cà Mau đã có công văn không đồng ý đề nghị công nhận liệt sĩ cho Thiếu úy Lữ Anh Dồi. Chiều 3-1-2017, trao đổi với PV, Đại tá Nguyễn Minh Phương (Phó Chính ủy Bộ đội biên phòng tỉnh Cà Mau) cho biết sáng cùng ngày, lãnh đạo Biên phòng tỉnh Cà Mau đã có cuộc họp, sau khi cân nhắc, phân tích, biên phòng tỉnh vẫn giữ quan điểm của mình.

Không thuộc 11 trường hợp quy định

. Phóng viên: Thưa ông, năm 1991, sau khi kết thúc vụ án Lữ Anh Dồi, Đại tá Nguyễn Hoàng Dũng (Chỉ huy phó chính trị Bộ đội biên phòng tỉnh Minh Hải cũ) đã có văn bản đề xuất phong ông Lữ Anh Dồi là liệt sĩ. 26 năm sau, Biên phòng tỉnh Cà Mau, cũng là Biên phòng Minh Hải ngày xưa, lại bác bỏ văn bản đó. Tại sao?

+ Đại tá Nguyễn Minh Phương: Bởi vì giấy báo tử và văn bản đề xuất phong ông Lữ Anh Dồi là liệt sĩ của Đại tá Dũng trước đây là chưa đúng. Theo quy định giấy báo tử chỉ là giấy báo tử nhưng giấy báo tử này lại ghi luôn là liệt sĩ. Còn văn bản đề xuất phong ông Lữ Anh Dồi là liệt sĩ của Đại tá Dũng cũng không nêu ra một căn cứ pháp lý nào.

.Theo chúng tôi, ở mỗi thời điểm lịch sử khác nhau, chúng ta có những quy định khác nhau về chính sách người có công. Chúng ta lấy quy định hôm nay mà phủ nhận quan điểm của người xưa thì liệu đã xem xét toàn diện?

+ Chúng tôi không phủ nhận lịch sử hay quan điểm của thế hệ trước. Nhưng với chính sách người có công phải thực hiện nghiêm minh, đúng đắn. Nghị định số 31/2013 của Chính phủ quy định chi tiết hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng nêu rõ 11 trường hợp được xem xét liệt sĩ. Chính phủ đã cân nhắc mọi trường hợp tồn đọng trong quá khứ và khái quát ở 11 trường hợp đó. Ông Lữ Anh Dồi không thuộc trường hợp nào.

Bà Nguyễn Thị Mai, vợ ông Lữ Anh Dồi, hoàn toàn tuyệt vọng sau 26 năm hy vọng, đợi chờ. Ảnh: T.VŨ

Mấu chốt ở “nửa câu trong bản án”

.Vậy tại sao vào tháng 2-2016, khi Sở LĐ-TB&XH tỉnh Cà Mau chủ trì cuộc họp xem xét vụ ông Lữ Anh Dồi, Biên phòng tỉnh Cà Mau lại đồng ý kiến nghị cấp trên công nhận ông Lữ Anh Dồi là liệt sĩ, thưa ông?

+ Khi đó, Sở LĐ-TB&XH tỉnh chủ trì, chúng tôi chỉ là thành viên, chưa có điều kiện xem xét một cách thấu đáo như khi chúng tôi là đơn vị chủ trì giải quyết như lần này.

. Theo ông, cái thấu đáo của lần giải quyết này là gì?

+ Ở chỗ nội dung của Bản án hình số 143/HSPT1 của Tòa án Quân sự cấp cao, mở phiên xét xử vụ Lữ Anh Dồi các ngày 12 và 13- 4-1989. Chúng tôi đã ghi rõ cái điểm mấu chốt này để báo về Cục Chính trị. Cụ thể, trong án hình này nêu rõ: “trong thời gian này, Dồi có khuyết điểm trong sinh hoạt và chính Lữ Anh Dồi cũng đi làm nhiệm vụ trung gian móc nối số người vượt biên để liên hệ với Hùng, với sự chỉ huy, chỉ đạo của Nguyễn Ngọc”. Nói tóm lại, nếu không có nội dung này, chúng tôi đã thống nhất đề xuất cấp trên xét liệt sĩ cho Lữ Anh Dồi.

. Không biết ông nghĩ sao khi mà 26 năm trước, biên phòng tỉnh cho người dân một hy vọng, nay cũng chính biên phòng tỉnh tước đi hy vọng đó? Cô Nguyễn Thị Mai, vợ ông Lữ Anh Dồi đã mỏi mòn trong chờ đợi, hy vọng suốt 26 năm qua...

+ Chúng tôi thấy rất băn khoăn nhưng chúng tôi phải làm theo quy định của Chính phủ. Chúng tôi xét thấy ông Lữ Anh Dồi chưa đủ điều kiện nên mạnh dạn từ chối. Giá như chúng tôi vì cả nể gì đó mà chấp nhận rồi lên trên bị từ chối, có phải cô Mai sẽ bị thiệt hơn không?

. Xin cám ơn ông.

Nửa câu văn oan nghiệt

Đoạn văn mà Biên phòng tỉnh Cà Mau trích dẫn để làm một cơ sở không chấp nhận đề nghị công nhận liệt sĩ cho ông Lữ Anh Dồi thực chất chỉ là nửa câu văn trong bản án minh oan cho ông Lữ Anh Dồi.

Chúng tôi xin trích lại nguyên văn cả câu văn và đoạn văn này trong bản án: “Sự thật là trong thời gian này, Lữ Anh Dồi có khuyết điểm trong sinh hoạt và chính anh Dồi cũng đã cùng được đi để móc nối vượt biên, để liên hệ với Hùng, dưới sự chỉ huy của Nguyễn Ngọc và đây là một việc làm của Công an tỉnh Minh Hải lúc bấy giờ. Và chính số người vượt biên cũng tin vào Thái Văn Hùng là người tổ chức đi vượt biên với họ. Còn Lữ Anh Dồi là trung gian móc nối và bị đưa vào bẫy mà Dồi không hay biết”.

Đồng loạt thay đổi quan điểm

Tháng 2-2016, khi Sở LĐ-TB&XH tỉnh Cà Mau chủ trì xem xét vụ Lữ Anh Dồi, 7/7 cơ quan tham dự đều thống nhất đề xuất công nhận ông Lữ Anh Dồi là liệt sĩ. Ngày 16-12-2016, khi Biên phòng tỉnh Cà Mau chủ trì xét lại thì còn lại bốn cơ quan trong số bảy cơ quan trước đây là biên phòng, công an tỉnh, Tỉnh đội Cà Mau và Sở LĐ-TB&XH tỉnh. Cả bốn cơ quan này đồng loạt thay đổi quan điểm trước đây và không chấp nhận đề xuất phong liệt sĩ đối với ông Lữ Anh Dồi.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm